Chiến sự Nga-Ukraine khó cản đà phục hồi của giá tiêu
Chiến sự Nga - Ukraine khó cản đà phục hồi giá tiêu, nguyên nhân vì sao?
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 10/03/2022 13:02 PM (GMT+7)
Chiến sự Nga - Ukraine ít nhiều ảnh hưởng đến việc mua bán nông sản, giá tiêu cũng giảm nhẹ những ngày qua. Tuy nhiên, sản lượng hồ tiêu sụt giảm là nguyên nhân chính, tiếp tục đẩy giá tiêu tăng trở lại.
Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, có nhiều lý do để tin tưởng giá tiêu sẽ quay lại đà phục hồi trong tháng 3/2022.
Số liệu thống kê sản lượng hồ tiêu không sát với thực tế
Mới đây, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam vừa báo cáo đánh giá sơ bộ về năng suất, diện tích, sản lượng hồ tiêu ở các vùng trồng tiêu trọng điểm của cả nước.
Theo VPA, dù có những khác biệt về năng suất, sản lượng giữa các vùng trồng tiêu, thậm chí khác biệt ngay trong 1 tỉnh, nhưng nhìn chung, sản lượng hồ tiêu có sự sụt giảm.
Báo cáo của VPA ghi nhận, trước mắt sản lượng hồ tiêu sụt giảm khoảng trên dưới 10%.
Không chỉ tham gia khảo sát cùng VPA hồi tháng 2, ông Hoàng Phước Bính còn tham gia nhiều đợt khảo sát hồ tiêu trước đó nữa.
Ông Bính cho biết, tại các vùng trồng tiêu trọng điểm, chỉ có một số vùng trồng tiêu ở phía tây tỉnh Đăk Nông được mùa, cho sản lượng khá.
Báo của mới đây của VPA cho rằng vụ tiêu 2021 có thể phải điều chỉnh lại so với dự báo trước đây. Trước đó, sản lượng hồ tiêu năm 2021 ước đạt khoảng 180.000 tấn.
"Cá nhân tôi đánh giá sản lượng hồ tiêu cả nước năm 2022 sụt giảm hơn năm ngoái khoảng 30%", ông Bính nhận định.
Ngoài ra, diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 130.000ha cũng là con số mà Bộ NNPTNT cần rà soát lại.
Vì theo ông Bính, diện tích hồ tiêu đã sụt giảm rất nhiều, có khi chỉ còn lại phân nửa.
"Số liệu thống kê không sát với thực tế sẽ làm sai lệch giá tiêu, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường hồ tiêu", ông Bính nói.
Báo cáo của VPA cũng ghi nhận có ý kiến cho rằng, sản lượng hồ tiêu ở Đông Nam bộ có thể giảm đến 30%.
Ngoài nguyên nhân mất mùa, diện tích trồng tiêu thực tế không còn nhiều, đặc biệt vùng Xuân Lộc (Đồng Nai) và Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Còn như ở Đăk Lăk, việc trồng mới bị hạn chế do diện tích đất trồng mới không còn. Chưa kể đến các yếu tố sốt đất trên thị trường bất động sản gần đây đã chi phối rất lớn đến quyết định canh tác, chuyển đổi mục đích cây trồng.
VPA cho rằng sự thay đổi diện tích ở các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai không quá lớn, chỉ giảm khoảng 10%. Tuy nhiên, cơn sốt bất động sản, các dự án năng lượng khiến diện tích trồng tiêu giảm là thực tế có thật.
Chiến sự Nga - Ukraine khó cản đà phục hồi của giá tiêu
Hiện nay, do ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine, việc mua bán tiêu có dấu hiệu chững lại. Khách hàng chưa dám thu mua nhiều cũng là nguyên nhân khiến giá tiêu giảm xuống.
Tuy nhiên, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đánh giá, đây chỉ là vấn đề mang tính tạm thời, không ảnh hưởng ảnh quá lớn đến đà hồi phục giá tiêu. Bởi vì vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là sản lượng hồ tiêu sụt giảm.
Số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan của Nga cho thấy, nhập khẩu hạt tiêu của nước này từ Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 không quá 10.000 tấn/năm.
Ông Bính cũng cho biết, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Nga và khu vực Đông Âu không nhiều. Khi chiến sự Nga - Ukraine kết thúc, giá tiêu sẽ phục hồi trở lại.
Thậm chí, giá tiêu sẽ tăng lên khi đường vận chuyển từ khu vực châu Âu và Brazil bị gián đoạn. Thị trường Nga và Đông Âu sẽ tìm kiếm thêm nguồn hàng từ Việt Nam.
Trong giới kinh doanh hồ tiêu, đã có không ít đồn đoán cho rằng, trong năm 2022, sẽ có thời điểm giá tiêu tăng lên 120.000 đồng/kg hoặc cao hơn.
Riêng ông Bính tin tưởng, giá tiêu sẽ có cơ hội phục hồi ngay trong tháng 3/20222. Bởi vì bước sang tháng 4, cộng đồng người Hồi giáo ở Trung Đông bước vào kỳ lễ Ramadan.
"Thị trường này cần tích trữ thực phẩm phục vụ cho mùa lễ kéo dài, trong đó có hồ tiêu", ông Bính giải thích.
Một trong những ẩn số lớn nhất hiện nay là sản lượng hồ tiêu tồn kho.
Kết quả khảo sát của VPA cũng cho thấy, lượng tiêu tồn trữ của các năm trước hiện vẫn còn. Một số đại lý vẫn còn mua được tiêu cũ kể từ đầu năm nay 2022. Lượng tiêu này tập trung ở các hộ dân, đại lý có tiềm lực kinh tế mạnh, và hạn chế bán ra thị trường.
Sản lượng hồ tiêu tồn kho từ năm trước đây có thể lên đến 100.000 tấn. Tuy nhiên, ông Bính cho rằng, con số tồn kho không quan trọng bằng việc lượng hàng tồn vẫn đang ở trong kho của giới "nhà giàu".
"Ngoại trừ số ít phải bán tiêu để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt, phần lớn tiêu tồn kho vẫn đang nằm chờ giá. Lượng tiêu này rất khó đưa ra thị trường nếu giá bán không thật sự tốt", ông Bính nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.