ĐBSCL với đa dạng hệ sinh thái đan xen mặn, lợ, ngọt, với những rừng đước xanh mướt và dưới tán rừng đước là những con tôm sú hữu cơ, những con cá đặc sản, những con cua biển ngọt thơm.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, tại sao đời sống của nhiều người nuôi tôm - rừng vẫn chưa được cải thiện nhiều, năng suất nuôi tôm - rừng vẫn còn thấp, chỉ đạt 250-300kg/ha/năm nên lợi ích kinh tế thấp, chưa đủ để khuyến khích bà con đầu tư vào giữ rừng, bảo vệ rừng và làm giàu từ rừng.
Tham luận tại Hội thảo bàn giải pháp phát triển bền vững rừng ven biển do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) tổ chức mới đây, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho rằng, hiện nay nuôi tôm rừng của đa số người dân ở quy mô nhỏ, manh mún với diện tích trung bình chỉ từ 1-5ha/hộ gia đình (chiếm hơn 52% tổng diện tích tôm-rừng).
Các mô hình kinh tế dưới tán rừng hiệu quả
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), thời gian qua, các địa phương triển khai rất hiệu quả mô hình kinh tế dưới tán rừng. Đối với rừng ngập mặn có mô hình phát triển sinh kế dựa trên các hình thức đồng quản lý rừng được thực hiện tại Đồng Rui (tỉnh Quảng Ninh); Xuân Thủy (tỉnh Nam Định); Âu Thọ B (tỉnh Sóc Trăng); Đất Mũi, Tam Giang (Cà Mau);…
Đối với rừng trên vùng đất, cát ven biển, đã xuất hiện một số hoạt động sinh kế có triển vọng như du lịch sinh thái, nuôi gia cầm, trồng cây dược liệu dưới tán rừng…
P.V
Điều tra của Viện Sinh thái rừng và Môi trường năm 2021 cho thấy, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn của các hộ gia đình cá nhân trên toàn quốc là 41.110,3ha, trong đó, quy mô diện tích nuôi trồng dưới 3ha là 8.418ha (chiếm 20,5%); từ 3-5ha là 13.069ha (chiếm 31,8%) và trên 5ha là 19.623,8ha (chiếm 47,7%).
Với quy mô diện tích nuôi tôm-rừng nhỏ lẻ, manh mún nên chi phí sản xuất cao, đồng thời khó khăn trong áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất tôm nuôi cũng như đánh giá chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận bền vững khác.
Từ thực tế đó, ông Quang cho rằng, cần phải quy hoạch, bố trí lại các vùng phát triển tôm - rừng ven biển bền vững cho ĐBSCL theo hướng: Phía ngoài cùng giáp biển sẽ quy hoạch các dải rừng ngập mặn với chiều rộng khoảng 500-1.000m để bảo vệ bờ biển, chống xói lở và đóng vai trò như một vùng đệm để lọc, xử lý môi trường nước cho cả dải ven biển.
Mỗi vuông/ao tôm nên được quy hoạch với diện tích từ 7-10ha/vuông và xen kẽ với các ô rừng để đảm bảo cân bằng về môi trường sinh thái.
Diện tích rừng ngập mặn phải được giữ ở mức từ 50-60% tổng diện tích vuông/ao nuôi.
Ông Quang cho biết, hiện nay, Tập đoàn Minh Phú cũng đang hỗ trợ một số tỉnh vùng ĐBSCL (Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh) để quy hoạch, bố trí lại các vùng nuôi tôm nước lợ, trong đó có tôm - rừng và sẽ được tích hợp vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh để làm cơ sở triển khai các dự án phát triển nuôi tôm bền vững, trong đó có tôm - rừng.
Bảo vệ, khai thác hiệu quả rừng ven biển
Là một trong những địa phương có diện tích rừng ngập mặn tương đối lớn nhưng theo ông Lê Ngọc Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc bảo vệ phát triển rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đã gặp một số khó khăn, thách thức do địa hình dốc lớn, bị chia cắt, hàm lượng phù sa ít, độ mặn cao, kèm theo hiện tượng nước biển dâng, thời gian ngập bãi tăng lên làm cho cây ngập mặn sinh trưởng và phát triển kém.
Khu vực trồng rừng thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, gió bão, lũ lụt, sóng lớn, triều cường... Công tác quy hoạch đất đai giữa các ngành lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, khai thác khoáng sản, khu công nghiệp chưa đồng bộ, chưa thống nhất dẫn đến nhiều diện tích rừng trồng bị thanh lý để chuyển đổi mục đích rừng sang mục đích khác.
Tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp, có nơi trở thành điểm nóng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển.
Để bảo vệ và khai thác tốt diện tích rừng ngập mặn, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) đã xây dựng Đề án bảo vệ phát triển rừng ven biển giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển; tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.
Để thực hiện được mục tiêu này, theo ông Trần Quang Bảo - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), ngành chức năng và các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển; nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng rừng vùng ven biển.
Hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển; nhân rộng các mô hình bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với chống sa mạc hóa và suy thoái đất, sản xuất nông lâm ngư kết hợp.
Các nhóm nhiệm vụ ưu tiên trong thực hiện đề án là: Xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long: trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển. \
Hợp tác công tư trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với phát triển sinh kế, kết hợp du lịch sinh thái và quản lý rừng cộng đồng.