Người mà chúng tôi nhắc đến là ông Đinh Hữu Thỏa, ở tổ 23 (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nấu rượu, nên ông Thỏa "nằm lòng" phương pháp và bí quyết nấu rượu.
Để duy trì nghề gia truyền, dù không mở rộng đầu tư, phát triển thị trường nhưng nhiều năm qua ông Thỏa vẫn nấu rượu đều đặn. Tuy nhiên, ông chỉ nấu với số lượng ít, vừa để phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa bán cho người quen.
Mãi đến năm 2019, khi nguồn thu nhập chính từ sản xuất chè của gia đình giảm sút, ông Thỏa mới tính đến chuyện phát triển nghề nấu rượu gia truyền. Thay vì lọ mọ nấu rượu thủ công như trước, ông Thỏa đầu tư mua nồi nấu rượu bằng điện.
"Sử dụng nồi nấu rượu bằng điện có nhiều ưu điểm vượt trội so với nấu rượu thủ công. Nấu rượu thủ công chủ yếu dùng củi đun, ảnh hưởng đến môi trường và vất vả hơn. Nếu không canh lửa cẩn thận sẽ dẫn đến rượu bị khê, nồng. Sử dụng nồi nấu rượu bằng điện sẽ hạn chế được điều này" – ông Thỏa cho hay.
Rượu nếp lọc của gia đình ông Thỏa được làm từ men lá và ủ theo cách truyền thống. Ông Thỏa sử dụng nguyên liệu chính để nấu rượu nếp lọc là gạo nếp lật và men thuốc bắc. Với gạo nếp lật, ông Thỏa chủ yếu mua ở Điện Biên và huyện Than Uyên (Lai Châu).
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt về bí quyết nấu rượu gia truyền, ông Thỏa vui vẻ nói: "Làm gì cũng phải có bí quyết. Nấu rượu cũng vậy. Nếu không cẩn thận thì hỏng cả nồi rượu luôn. Cơm nấu rượu phải chín đều, không nhão và cũng không được sượng. Sau khi lấy cơm ra, tôi không vào men luôn, mà để một lúc cho bớt nóng.
Nếu vào men khi cơm còn nóng quá sẽ khiến cho rượu bị chua. Còn nếu để nguội quá thì cơm rượu sẽ bị sượng, rượu nấu ra sẽ không ngon.
Cách ủ cơm rượu cũng rất quan trọng. Trong quá trình ủ cơm rượu, tôi thường duy trì nhiệt độ từ 28 độ C trở lên. Nếu trời lạnh quá thì tôi dùng chăn để ủ cơm rượu sau khi cho vào thùng nhựa đậy kín nắp".
Theo ông Thỏa, các bước nấu rượu khá đơn giản, song để cho ra thứ rượu ngon thì lại tùy vào cách làm và kinh nghiệm của người nấu. Sau khi vo gạo, ông Thỏa cho vào tủ hấp chín. Khi cơm chín thì ông lấy ra để một lúc, rồi mới rắc men lá, trộn đều với cơm và bỏ vào thùng nhựa đậy kín nắp.
Ủ khô cơm rượu chừng 3 ngày, ông Thỏa mới cho nước vào. Tùy theo lượng cơm rượu mà ông Thỏa cho nước vào với tỉ lệ phù hợp. Sau khi đổ nước vào cơm rượu, ông Thỏa tiếp tục ủ khoảng 20 ngày rồi mới cho vào nồi nấu.
Mỗi ngày, ông Thỏa nấu 1 nồi rượu, công suất khoảng 60kg gạo. Thời gian nấu một nồi rượu chừng 4 tiếng. Sau khi chưng cất được lượng rượu vừa đủ, ông Thỏa tiến hành đấu rượu nặng với rượu nhẹ với nhau, rồi mới cho vào máy lọc rượu khử andehit.
Rượu lọc được ông Thỏa đựng trong chum sành. Khi có khách hàng đặt mua, ông Thỏa mới đóng vào chai nhựa 500ml. Rượu nếp lọc của gia đình ông Thỏa trong như nước tinh khiết, được nhiều khách hàng lựa chọn bởi vị thơm ngon, êm nhẹ, không đau đầu.
Mỗi tháng, ông Thỏa bán ra thị trường từ 2000 – 2500 lít rượu nếp lọc. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, ông Thỏa lãi hơn 150 triệu đồng từ bán rượu nếp lọc ra thị trường.