Vậy là chúng tôi đã vào trại tị nạn đúng 1 tuần, gần như không có gì mới. Thời gian dài như chưa bao giờ dài như thế. Anh chị em, bạn bè dù mỗi người một phương nhưng chúng tôi vẫn liên hệ với nhau thường xuyên để an ủi, động viên nhau. Bên cạnh đó là cả những trăn trở của người bước chân ra đi, những nỗi niềm của người ở lại...
Nhớ lại những ngày bắt đầu cuộc chiến mà thấy như một cơn ác mộng. Lúc đó, không ai nghĩ chiến tranh có thể xảy ra. Chúng tôi cũng chỉ tích trữ lương thực, thực phẩm và thuốc men trong khoảng 2 tuần; mua thêm diêm, nến đề phòng mất điện. Ấy mà điều không ai mong muốn nhất đã đến. Chồng tôi phải làm công tác tư tưởng mãi tôi mới tạm đồng ý lên đường.
Lúc đó nhà cô bạn hàng xóm người Việt Nam cũng rủ nhà tôi cùng đi. Tuy nhiên, 2 đứa trẻ nhà ấy không muốn đi. Bố mẹ ép mãi thì cậu con trai đành phải đồng ý. Cô con gái thì khóc vì không muốn xa Ukraine, không muốn xa con mèo già của cháu. Tôi nhắn tin cho cháu: "Nếu Liên không đi thì cô cũng không đi".
Cháu nhắn lại "Thế thì cháu đi". Tôi bật khóc vì thương cháu và biết nó thương cô trên đường lỡ xảy ra chuyện gì thì làm sao. (Nhắc lại hồi năm 2021 cũng khoảng thời gian này tôi phải gọi cấp cứu liên tục vì tăng huyết áp, cháu Liên luôn tranh thủ buổi tối sau giờ học hoặc giờ thực tập ở bệnh viện lại sang ngồi canh bên giường tôi, động viên tôi những lúc yếu lòng nhất).
Vậy là 2 gia đình quyết định khăn gói lên đường. Như có linh tính, con mèo già cứ ngồi chặn giữa cửa không cho mọi người bước ra ngoài. Cuối cùng cả nhà bạn tôi phải đẩy nó ra để dứt áo ra đi. Xuống đến cửa chung cư thì chiếc xe ô tô của người bạn mãi mới nổ máy được để chở chúng tôi ra ga.
Về phần tôi, tôi nói với chồng "Em cứ cảm thấy sao sao ấy". Chồng bảo "Thôi cứ đi, đến đâu tính đến đó". Vậy mà như linh tính, chúng tôi lỡ 2 chuyến tàu và quay trở lại. Suốt cả ngày hôm đó, mặc kệ báo động chúng tôi cũng không xuống hầm trú ẩn nữa.
Còn phía gia đình bạn tôi thì con mèo rất mừng rỡ khi thấy chủ quay về. Cháu Liên cứ ôm lấy nó không rời. Rồi cháu đi lấy chăn và gối làm cho mèo một chỗ nằm vô cùng mềm mại ấm áp...
Về phần mình, tôi kiểm tra lại một lần nữa tất cả những tư liệu cần thiết, lưu vào thẻ nhớ, thoát hết email và Facebook trên máy tính đề phòng trường hợp tệ nhất có thể xảy ra...
Đó là câu chuyện trước lúc chia xa Ukraine của 2 gia đình chúng tôi.
Còn gia đình của một người bạn tôi ở Kyiv cũng chần chừ mãi mới đi di tản. Tuy nhiên, trên đường đi thì chồng bị tăng huyết áp nên phải quay trở lại. Cô bạn loay hoay mãi không mua được thuốc cho chồng vì hầu hết các hiệu thuốc đều đóng cửa, các loại thuốc đặc trị đều phải mua qua mạng và cũng rất khó khăn...
Một gia đình khác ở Kyiv khá thân với gia đình tôi gồm 2 vợ chồng và cô con gái 19 tuổi đi di tản, có người bên Thụy Điển hứa hẹn giúp đỡ. Tuy nhiên, tới lúc qua được biên giới sang Ba Lan để tìm đường đi Thụy Điển thì họ bất ngờ từ chối, vậy là phải thuê khách sạn với giá tới 100$/ngày.
Cuối cùng, sau mấy ngày bơ vơ đất khách vợ chồng con cái lại lên đường sang tị nạn ở Đức. Cô con gái khóc sưng mắt, cứ đòi về Việt Nam, nhưng nhà cửa ở Việt Nam không có nên cô bạn tôi nhất quyết không về. Gọi điện cho tôi, nó tâm sự "Em cũng không biết là em quyết định thế này có làm khổ bố con nó không nhưng em không thể làm khác. Nhà mình thì ở Kyiv, vội vàng ra đi... Bây giờ biết làm thế nào?"
Ngày 15/3
9h sáng, ở khu tập trung của chúng tôi có người phụ nữ Ukraine dắt 2 cậu con trai 9 tuổi và 8 tuổi vào nhập trại. Gặp tôi, họ rất vui mừng và nói "Chúng tôi đang lo không có ai hiểu chúng tôi". Tôi nói với họ "Các bạn yên tâm, ở đây có những người hiểu mà".
Bà mẹ giới thiệu với tôi "Tôi là... gia đình tôi từ Poltava đến". Cậu con trai nhỏ nhanh nhảu "Còn cháu là Xasha"... Hỏi thêm chuyện được biết, cậu con trai lớn là Misa, cậu nhỏ là Xasha. Vậy là chúng tôi đã có "đồng hương Ukraine ở đây rồi", thấy lòng ấm áp hơn!!!
Hơn 9h tôi đi tắm, lúc về chồng bảo "Em có điện thoại đấy". Mở máy thấy cuộc gọi nhỡ lúc 9:34' từ Ukraine của cô vợ Đại sứ Ukraine chuẩn bị sang Việt Nam nhậm chức. Lẽ ra 2 vợ chồng Đại sứ sang Việt Nam vào ngày 1/3 rồi lại hoãn đến 8/3, tôi cứ nghĩ vợ chồng Ngài Đại sứ đã sang công tác rồi... Tôi gọi qua Viber cho cô vợ, nghe giọng cô ấy:
- Ôi, chị Hoa Lý yêu quý, em rất mừng vì nghe thấy giọng nói của chị, biết chị an toàn là vui lắm, chị đang ở đâu?
Tôi trả lời mình đang ở Đức và nói:
- Tôi cũng rất vui khi nghe giọng nói của chị, vợ chồng chị đang công tác ở Việt Nam rồi chứ?
- Rất tiếc là chúng em chưa kịp đi thì xảy ra chiến sự. Bây giờ em lại chuẩn bị hành lý để lên đường. Hy vọng là sẽ ổn.
- Chúc gia đình anh chị thượng lộ bình an, mọi điều tốt đẹp! Cho tôi gửi lời thăm Xasha (tên gọi thân mật của ngài Đại sứ). Ôm chị thật chặt.
- Vâng, em cảm ơn chị! Chúc chị mạnh khỏe, bình an, hẹn gặp lại nhau nhé! Ôm chị thật lâu!
2 chúng tôi cứ chúc nhau như vậy và không muốn cúp máy...
Lòng tôi nghẹn ngào bâng khuâng nhớ Ukraine, nhớ Kyiv, nhớ vợ chồng Ngài Đại sứ. Dù mới chỉ dạy tiếng Việt cho vợ chồng Đại sứ được mấy buổi nhưng tình cảm của chúng tôi đã rất thân thiết.
Theo kế hoạch, vợ chồng ngài Đại sứ sang nhậm chức vào đầu tháng Ba. Trước đó, họ liên hệ mãi mới tìm được giáo viên tiếng Việt mà am hiểu Ukraine là tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau rất cởi mở. Ngài Đại sứ rất giản dị và bình dân. Đích thân Ngài xuống bếp đun nước pha trà mời tôi. Khi học tiếng Việt, cả 2 vợ chồng đều thốt lên: "Trời, tiếng Việt khó quá!".
Chúng tôi cũng tâm sự với nhau về gia đình, con cái. Tôi giới thiệu cho họ hiểu hơn về Hà Nội, về Việt Nam và những sinh viên Ukraine đã và đang theo học tiếng Việt tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kyiv, những sinh viên Ukraine đã sang Việt Nam thực tập, về vợ chồng anh chị Thắng Sveta hiện đang ở Hà Nội có quán ăn mang phong cách ẩm thực Ukraine, về các học trò học tiếng Việt của tôi tại trường Hồ Chí Minh Kyiv...
Vợ chồng Ngài Đại sứ cũng đã đến thăm trường của chúng tôi, muốn tác động thêm để mối quan hệ hữu nghị ngày càng thêm thắm thiết... Tôi cũng đã dự định hoàn thiện giáo trình tiếng Việt cho học sinh Việt Nam và Ukraine của trường, đã báo cáo Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, Hiệu trưởng nhà trường, trình bày ý tưởng với vợ chồng Đại sứ Ukraine và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.
Vậy mà chiến tranh đã phá vỡ hết mọi kế hoạch của chúng tôi... có lẽ dự định đó đành dang dở vậy thôi.
Học sinh của tôi đi di tản theo bố mẹ được bố trí học ở các nước luôn, chưa chắc đã về lại Ukraine. Lúc đó, đất nước Ukraine sẽ ra sao, trường của chúng tôi sẽ như thế nào? Giáo viên còn những ai? Liệu còn bao nhiêu học sinh đến lớp nữa??? Những câu hỏi khó có lời giải liên tiếp hiện ra trong đầu.
Tôi vừa được tin Kyiv ban bố lệnh giới nghiêm trong vòng 36 giờ từ 20h ngày 15/3 đến 7h sáng ngày 17/3...
Ôi, Kyiv, ôi Ukraine của chúng tôi...