Clip: "Dây chuyền" sản xuất mỳ gạo tại gia đình anh Dương Văn Giang (tổ dân phố Đoàn Kết, Thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.
Mặc dù phải thức khuya dậy sớm, nhưng vợ chồng anh Dương Văn Giang và chị Đồng Thị Thảo (tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) vẫn gắn bó với công việc làm mỳ gạo suốt 10 năm nay.
Bởi nhờ làm mỳ gạo, hai vợ chồng có thu nhập ổn định, nuôi hai con ăn học thành đạt, người học thạc sĩ ở nước ngoài, người đã có công việc ổn định.
Anh Giang cho biết, trước đây, hai vợ chồng chỉ biết quanh quẩn với đồng ruộng, cây lúa, con trâu, con bò nên thu nhập rất thấp. Nhưng kể từ khi tư duy thay đổi, anh đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất mỳ gạo ở nhiều nơi. Về nhà, anh đã quyết định bỏ tiền đầu tư máy móc và sản xuất mỳ gạo. Gia đình anh là hộ thứ 4 tham gia sản xuất mỳ gạo ở địa phương.
Những ngày đầu khi mới bắt tay vào làm mỳ gạo, hai vợ chồng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm.
Khi đó, ngày nào hai vợ chồng cũng ròng rã chở từng bó mỳ 5 – 10kg mang đi khắp các hàng quán để mời hàng và tìm nơi tiêu thụ. Đến nay, khi thị trường đã ổn định nên gia đình anh sản xuất đến đâu bán hết đến đó.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình anh Giang sẽ làm 3 tạ gạo, tương đương sản xuất được 270kg mỳ thành phẩm. Thời điểm cuối năm, nhu cầu thị trường tăng cao, gia đình sẽ làm khoảng 4 tạ gạo mỗi ngày.
Theo anh Giang, gạo để làm mỳ phải là gạo Khang Dân chuẩn vì chỉ có gạo này mới làm được mỳ ngon. Mỳ được sản xuất 100% từ nguyên liệu gạo, không pha chế bất cứ loại nguyên liệu nào khác nên rất an toàn.
Các công đoạn làm mỳ đòi hỏi nhiều thời gian nhưng không liền mạch nên mỗi mẻ mỳ thường kéo dài trong 2 ngày.
Gạo làm mỳ phải được đãi và vo sạch, rồi cho vào ngâm trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ. Trước khi cho vào máy nghiền bột, gạo lại được vo lại một lần nữa. Bột gạo được cho vào túi vải rồi cho lên máy ép khô, tiếp đó sẽ cho vào máy đùn để đùn ra mỳ.
Lúc này, mỳ sẽ được ủ trong khoảng 10 tiếng, đến ngày hôm sau thì mang rửa sạch và phơi khô. Trước khi rửa mỳ, cần ngâm mỳ trong bể khoảng 30 phút.
Theo anh Giang, thời gian ủ mỳ phải tối thiểu là 10 tiếng đồng hồ. Nếu không đạt đủ thời gian đó, sợi mỳ khi rửa sẽ bị dính vào nhau khiến cho mỳ bị cứng. Còn nếu ủ lâu quá, mỳ sẽ bị chua.
Việc làm mỳ gạo còn phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết. Nếu thời tiết nắng nóng và hanh khô, thời gian làm mỳ sẽ nhanh và đỡ vất vả hơn, đồng thời sợi mỳ sẽ dai, ngon và có màu trắng đẹp mắt.
Còn nếu thời tiết mưa ẩm, phải cho mỳ vào phòng sấy trong khoảng 8 tiếng. Do vậy, làm mỳ vào những ngày mưa, thời tiết nồm ẩm thì chi phí cho mỗi kilogram mỳ sẽ tăng cao.
Đặc biệt, trong quá trình làm mỳ, cần chú ý điều chỉnh nhiệt độ thích hợp để sao cho khi nấu, mỳ sẽ dai, giòn và không bị nhão.
Trải qua nhiều lần thay đổi công nghệ và máy móc, đến nay hệ thống máy sản xuất mỳ gạo của gia đình anh Giang đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về sản xuất, tiết kiệm chi phí nhân công và diện tích phơi, sấy.
Chị Thảo chia sẻ, việc làm mỳ cũng tương đối vất vả vì thường xuyên phải dậy sớm từ 3 giờ sáng. Tuy nhiên so làm ruộng, thu nhập từ làm mỳ vẫn ổn định hơn, ít rủi ro, thậm chí thời điểm dịch bệnh vẫn bán chạy. Vơi giá bán mỳ gạo 17.000 đồng/kg như hiện nay, hai vợ chồng có thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Chị Thảo cho biết thêm, đến nay, sản phẩm mỳ gạo của gia đình đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh miền Bắc, thậm chí cả trong Nam.
Trong thời gian tới, anh chị dự định sẽ phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mỳ của gia đình mình nhằm hướng tới đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
Ông Dương Văn Suốt – Bí thư Chi bộ tổ dân phố Đoàn Kết cho biết: Hiện cả tổ dân phố có 8 hộ gia đình phát triển nghề sản xuất mỳ gạo. Sắp tới sẽ có thêm vài hộ phát triển mô hình sản xuất mỳ này.
Đây là một nghề cho thu nhập ổn định và có tính bền vững, có thể phát triển lâu dài. Do đó, địa phương cũng có định hướng sẽ tiến tới thành lập HTX sản xuất mỳ và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.