Vốn là vận động viên điền kinh khiếm thị nổi tiếng, lại từng giành giải thưởng lớn trong một cuộc thi ca hát trên truyền hình, năm 2020, cô gái Sài Gòn tên Quỳnh Trâm qua Mỹ biểu diễn văn nghệ rồi bị kẹt lại do dịch Covid. Cũng nhờ đó mà Trâm có cuộc tình đẹp và một đám cưới chóng vánh nhưng hạnh phúc với người chồng cũng đồng cảnh ngộ.
Từ lâu, người dân trong con ngõ nhỏ nằm nép mình trên con đường Hồng Bàng náo nhiệt của quận 11, TP.HCM đã quen với hình ảnh cô bé khiếm thị Quỳnh Trâm luôn nhí nhảnh, yêu đời. Cô vừa sở hữu giọng hát mê đắm lòng người, vừa là vận động viên điền kinh mang về rất nhiều huy chương cho đất nước.
Năm 17 tuổi, mẹ Quỳnh Trâm mang thai đôi. Được sinh non vào tháng thứ bảy của thai kỳ, phải nằm trong lồng ấp, thị lực của Trâm và em gái bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ nhìn mờ mờ đến gần như không nhìn thấy gì. Hiện Trâm được chuẩn đoán mắc các chứng đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… Nếu hoạt động quá mức, mắt sẽ gặp nguy hiểm.
Quỳnh Trâm mạnh mẽ từ bé. Dù thị lực rất kém em vẫn xin mẹ cho đi học tiểu học cùng các bạn sáng mắt khác. Bị trêu ghẹo, bị giấu đồ, miệt thị hay mỉa mai, Trâm vẫn bỏ mặc và chăm chú học hành.
Nhưng lên đến THCS, thị lực giảm rõ rệt, gần như không còn nhìn thấy gì, Trâm phải chuyển vào học trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dành riêng cho các trẻ em bị khiếm thị. Chính tại đây, cơ duyên đưa Trâm đến với môn điền kinh, khiến cuộc đời em rẽ sang bước ngoặt mới.
Từ khi 12 tuổi, Trâm đã thử sức trong đội tuyển điền kinh của trường Nguyễn Đình Chiểu. Dưới sự dẫn dắt của các huấn luyện viên, nhờ lòng quyết tâm, nhẫn nại, Trâm đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình ở đường chạy tốc độ 100m, 200m và 400m. Chỉ vài năm sau, cô học trò có chiều cao nổi trội được gọi vào đội tuyển TP.HCM, rồi vào tuyển quốc gia.
Ở Thái Lan (năm 2011), Malaysia (năm 2013), Trâm đều giành được hai huy chương vàng. Còn số huy chương vàng tại các giải đấu trong nước, Trâm bảo “không đếm xuể”.
Ngoài điền kinh, Trâm còn sở hữu giọng hát ngọt ngào, mê đắm lòng người. Trâm kể mình mê hát từ khi mới 2 tuổi. Nhà có ba mê cải lương, lại biết chơi nhiều nhạc cụ, Trâm cứ thế nghe, hát theo rồi mê. Để theo đuổi đam mê, cô gái khiếm thị sẵn sàng đi hát không công tại những quán cà phê, chỉ để có cảm giác được biểu diễn trên sân khấu.
Trâm còn là học trò cưng của ca sĩ Ngọc Sơn. Nhờ năng khiếu ca hát mà Trâm được nghệ sĩ hải ngoại Thành Lễ chú ý và tạo điều kiện để cô qua Mỹ biểu diễn phục vụ khán giả người Việt tại đây.
Đầu năm 2020, Trâm từ Việt Nam sang Mỹ biểu diễn, không may bị kẹt lại vì dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh trớ trêu này, Trâm gặp nhạc sĩ trẻ Trần Lộc.
Lộc cũng bị chứng tăng nhãn áp khiến thị lực kém như Trâm, thêm chứng tự kỷ nhẹ, nhưng lại sở hữu khả năng âm nhạc hiếm có. Theo gia đình sang Mỹ định cư từ nhỏ, sống trong khu vực ít người Việt, Lộc sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc và được cha mẹ tạo điều kiện phát triển tài năng với giáo viên âm nhạc người nước ngoài.
“Do anh Lộc từng mổ mắt nhiều lần nên có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, đó là lý do vì sao nghệ sĩ Thành Lễ kết nối em và anh Lộc. Em cảm nhận được sự chân thành, tận tâm trong cách anh ấy truyền đạt nên thấy cảm mến.
Bọn em trò chuyện khá hợp, cho đến khi gặp mặt trực tiếp và tiếp xúc, em nhận ra anh Lộc có suy nghĩ và hoàn cảnh hệt em gái sinh đôi của em, nên càng thấy gần gũi hơn. Em nghĩ định mệnh sắp đặt tụi em phải luôn ở bên nhau - như em và em gái em trước kia” - Trâm chia sẻ về cảm xúc những ngày đầu tiếp xúc với chồng.
Nhờ sự nhiệt tình vun vén của nghệ sĩ Thành Lễ, cha mẹ chú rể cùng bạn bè của nhà trai, mối quan hệ của cả hai được thu xếp chóng vánh.
Trong bối cảnh Mỹ đang diễn ra bạo loạn khắp nơi, Trâm được nghệ sĩ Thành Lễ lái xe hơn 1.000km đưa tới thăm gia đình và thăm Lộc. Cả hai ngay lập tức cảm mến và nhanh chóng được nhà trai tổ chức lễ hỏi. Cha mẹ chú rể gọi điện về Việt Nam xin phép xui gia.
Không mua được nhẫn kim cương do tình hình bạo loạn rối ren, các tiệm nữ trang đều đón cửa, mẹ chú rể phải đưa tạm chiếc nhẫn kim cương giả để con trai cầu hôn bạn gái.
“Khách mời chỉ có vài người bà con vì dịch Covid-19 không ai dám tụ tập đông người. Gửi tin nhắn mời khẩn cấp đến dự lễ đám hỏi của Lộc, ai cũng ngạc nhiên như từ trên trời rơi xuống vì Lộc “chơi” một cú bất ngờ quá.
Tuy vậy, lễ hỏi vẫn diễn ra ấm cúng và vui vẻ. Lộc cũng quỳ xuống cầu hôn và đeo nhẫn cho cô dâu. Cuối chương trình dĩ nhiên có màn anh đàn, em hát rất hay. Anh chàng vui lắm vì rất thích Quỳnh Trâm”, cô Vân Thanh, mẹ chú rể chia sẻ.
Sau lễ hỏi, đôi trẻ càng quấn quít trong khi hạn visa của Trâm sắp hết. Lộc không muốn xa Trâm, trước tình cảnh đó, “hai họ” thống nhất tạo điều kiện cho đôi trẻ gần nhau bằng chuyến đi chơi xa - có thể kéo dài tới một tháng - trước khi Trâm về lại Việt Nam. Không ngờ, trong chuyến đi, định mệnh sắp đặt cho đôi trẻ đăng ký kết hôn một cách bất ngờ, thuận lợi và chóng vánh.
“Cũng có nghĩ đến chuyện kết hôn như thế này nhanh quá, nếu sau này tan vỡ chắc Lộc sẽ sốc lắm. Nhưng đời mà, làm sao biết chắc được. Nhiều người tìm hiểu nhau cả chục năm mà vẫn chia tay đó thôi” - cô Vân Thanh chia sẻ về quyết định táo bạo của mình khi làm đăng ký kết hôn cho hai con. Cô xem đây là sự sắp đặt của “định mệnh”.
Sau chuyến nghỉ dưỡng, kiêm luôn làm thủ tục đăng ký kết hôn, Trâm chuyển về ở cùng Lộc tại nhà cha mẹ chồng. Vợ là ca sĩ, chồng là nhạc sĩ, nên căn nhà ngập tràn âm nhạc. Lộc thường đàn cho vợ hát trước sự chứng kiến của hai khán giả trung thành là cha mẹ, thi thoảng có thêm cô chú, họ hàng hoặc bạn bè thân của gia đình.
Ngoài ca hát, làm việc nhà, học ngoại ngữ, thi thoảng Trâm và Lộc còn giao lưu văn nghệ tại những sự kiện văn hóa nhỏ trong vùng. Chia sẻ về bước ngoặt đầy bất ngờ của cuộc đời, Trâm cho biết ban đầu cô khá áy náy với em gái sinh đôi đang ở Việt Nam, vì trước giờ đi đâu, làm gì, hai chị em cũng đều có nhau. Nay đột ngột để em gái một mình ở lại quê nhà, Trâm không khỏi day dứt.
Tuy nhiên, Lộc và em gái Trâm lại trò chuyện khá hợp, Lộc thay mặt vợ thường xuyên động viên em gái nên Trâm dần an lòng. Đến nay thì Trân - em gái khiếm thị song sinh với Trâm - cũng đang ngập tràn hạnh phúc với bạn trai.