Chỉ sau hơn một tuần kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, giá dầu hướng dương đã tăng cao nhất mọi thời đại, nguyên nhân là bởi Ukraine là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu.
Điều đáng nói, giá dầu hướng dương tăng cao do chiến sự Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cá ngừ.
Theo bản tin của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các nhà kinh tế lo ngại rằng chiến sự Nga – Ukraine sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng nông nghiệp.
Bởi cả hai nước này đều đang là nhà xuất khẩu ngũ cốc và dầu thực vật lớn như lúa mì, ngô và dầu hướng dương.
Trong đó, dầu hướng dương là loại sản phẩm được giao dịch nhiều thứ 3 trên thế giới sau dầu cọ và dầu đậu tương.
Trong giai đoạn 2020 – 2021, Ukraine đã xuất khẩu 5,27 triệu tấn dầu hướng dương, chiếm gần 47% tổng lượng xuất khẩu của toàn thế giới. Trong khi nguồn cung từ Nga chiếm gần 30%.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào sản xuất dầu hướng dương của Ukraine. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban Châu Âu, trong giai đoạn 2020 – 2021, Ukraine đã vận chuyển gần 1,5 triệu tấn dầu ăn sang các thị trường EU, trong đó Hà Lan chiếm 36%, Tây Ban Nha 20%, Italy 18%, Pháp 8% và phần còn lại đến các quốc gia khác.
Trong đó Tây Ban Nha, Italy và Pháp là 3 nước sản xuất cá ngừ lớn nhất khối EU. Cũng trong giai đoạn này, EU chỉ nhập khẩu khoảng 8.000 tấn dầu hướng dương từ Nga.
Ngay sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, S&P, tập đoàn dữ liệu tài chính Mỹ, cho biết người mua đã gặp khó khăn trong việc theo dõi các đơn hàng dầu hướng dương nhập khẩu từ Ukraine và Nga.
Giá của hầu hết các loại dầu thực vật đều tăng lên mức cao nhất mọi thời đại trong tháng 1/2022, trong khi các nhà chế biến cá ngừ đóng hộp đang phải đối mặt với giá dầu hướng dương tăng cao chưa từng có. Mà giá dầu hướng dương bị đẩy lên cao sẽ đẩy chi phí sản xuất cá ngừ đóng hộp/túi tăng theo.
Theo nhận định của VASEP, Nga và Ukraine là nhà cung cấp dầu hướng dương quan trọng nhất cho thị trường toàn cầu, trong đó có cả Việt Nam, do đó nếu chiến sự Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành cá ngừ.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng dự kiến sẽ đẩy giá cá ngừ nguyên liệu thô tăng do chi phí đánh bắt tăng. Giá cước vận chuyển đường biển vốn đã ở mức cắt cổ dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao hơn.
Trước tình hình này, theo VASEP, mặc dù hai thị trường Nga - Ukraine không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, nhưng trước nhưng tác động nói trên dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng tới sẽ “giảm tốc”.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết năm 2021, Nga và Ukraine đang là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam tính theo giá trị. Cả hai nước này đang NK rất nhiều cá ngừ đông lạnh của Việt Nam.
Đối với thị trường Nga, thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 13 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong 10 năm qua đã tăng từ 364.000 USD năm 2012 lên hơn 14 triệu USD năm 2021, tăng gấp hơn 39 lần.
Giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Nga năm 2021 chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cá nước, tăng 58% so với năm 2020, và cao hơn cả so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Riêng trong tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 427% so với cùng kỳ.
Tại thị trường Ukraine, thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 19 của Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ đã tăng gấp 58 lần trong 10 năm, từ mức 115.000 USD năm 2012 lên 6,8 triệu USD năm 2021.
Riêng năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Ukraine tăng 106% so với năm 2020, và tăng gấp 3 lần so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 1% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cá nước.