Nga ngừng xuất khẩu 200 mặt hàng, trong đó có nhiều loại nông sản Mỹ, EU cần, nông nghiệp thế giới ra sao?

K.Nguyên Thứ bảy, ngày 12/03/2022 12:00 PM (GMT+7)
Nga vừa đưa hơn 200 mặt hàng vào danh sách tạm ngừng xuất khẩu sau khi Mỹ, EU đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Trong số 200 mặt hàng này, có nhiều loại nông sản, lâm sản Nga đang sở hữu số lượng lớn trong khi EU lúc nào cũng "thèm khát".
Bình luận 0

Chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Nga tạm ngừng xuất khẩu 200 mặt hàng, có nhiều loại nông sản, lâm sản quan trọng

Theo Reuters, Chính phủ Nga vừa quyết định tạm ngừng xuất khẩu 200 mặt hàng, trong đó có nhiều loại nông sản, lâm sản mà Nga đang có thế mạnh hoặc sở hữu số lượng lớn, trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine vẫn đang rất căng thẳng.

Đang chú ý, trong số 200 mặt hàng, Bộ Kinh tế Nga cũng thông báo cấm xuất khẩu một số loại lâm sản và sản phẩm gỗ, mặt hàng Nga có thế mạnh, trong khi các nước trong khối EU lại nhập khẩu một số lượng khổng lồ từ Nga, như một đòn đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế mà EU nhắm đến Nga sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra.

Nga ngừng xuất khẩu 200 mặt hàng, trong đó có nhiều loại nông sản Mỹ, EU cần, nông nghiệp thế giới ra sao? - Ảnh 1.

Chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Nga tạm ngừng xuất khẩu 200 mặt hàng, có nhiều loại nông sản, lâm sản quan trọng. Ảnh: I.T

Báo cáo Tác động của chiến sự Nga - Ukraine tới ngành gỗ Việt Nam hiện tại và tương lai do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends thực hiện mới đây cho thấy, trong số các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Nga, Trung Quốc và Phần Lan là những quốc gia mua nhiều nhất.

Trong đó, Phần Lan là một trong những thị trường trong khối EU tiêu thụ gỗ tròn của Nga nhiều nhất. Bên cạnh Phần Lan còn có các quốc gia khác như Thụy Điển, Estonia, Latvia, Đức,…

Tổng lượng gỗ tròn các nước EU -27 nhập khẩu từ Nga năm 2021 lên đến 5,26 triệu tấn, trong đó Phần Lan mua 4,8 triệu tấn, Thụy Điển 269.957 tấn...

Bên cạnh gỗ tròn, các quốc gia EU và Anh cũng nhập một lượng lớn gỗ xẻ từ Nga. Lượng gỗ xẻ Nga nhập khẩu vào EU và Vương quốc Anh năm 2021 đạt trên 2,7 triệu mét khối, tương đương 16% tổng lượng gỗ xẻ Nga xuất khẩu trong cùng năm. 

Theo báo cáo của Forest Trends, Nga là quốc gia có diện tích rừng tự nhiên vô cùng lớn – 815 triệu ha – lớn gấp gần 60 lần diện tích rừng hiện tại của Việt Nam. 

Lượng gỗ khai thác mỗi năm của Nga khoảng 200 triệu m3, tương đương với 10% lượng cung toàn cầu.

Chiến sự Nga - Ukraine khiến giá lương thực, giá phân bón tăng kỷ lục

Có thể thấy, những tác động của chiến sự Nga - Ukraine là rất lớn bới Nga - Ukraine đều là những nguồn cung một số loại nông sản, vật tư nông nghiệp cho toàn cầu.

Được biết, ngày 4/3, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực của FAO (FFPI) đã tăng lên mức kỷ lục, dẫn đầu là các sản phẩm từ sữa và dầu thực vật, giá ngũ cốc và thịt cũng tăng lên. 

Nga ngừng xuất khẩu 200 mặt hàng, trong đó có nhiều loại nông sản Mỹ, EU cần, nông nghiệp thế giới ra sao? - Ảnh 2.

Chiến sự Nga - Ukraine khiến giá lúa mỳ tăng kỷ lục. Ảnh: I.T

Tháng 2 vừa qua, chỉ số FFPI là 140,7 điểm, tăng 3,9% so với tháng 1 và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Giá lương thực tăng cao đang khiến người dân nghèo gặp khó khăn hơn ở các nước phụ thuộc vào nhập khẩu" - FAO đưa ra cảnh báo.

Thực tế, tại Mỹ, giá lúa mì kỳ hạn giao sau trên Sàn giao dịch nông sản Chicago đã tăng kịch trần trong 6 phiên liên tiếp, tăng 7% lên 12,94 USD/giạ.

Giá lúa mì đã tăng đột biến, tới 41%, lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Đây là mức tăng lớn nhất trong 6 thập kỷ qua. 

Giá lúa mì tăng là do tác động của chiến sự Nga - Ukraine bởi Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Còn Ukraine cũng chiếm 25% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Ngoài lúa mì, giá phân bón tại nhiều quốc gia cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục khi Nga là một trong những nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. 

Trong năm 2021, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân ure, NPK, amoni nitrat; xuất khẩu kali đứng thứ 3 và phosphat đứng thứ 4 trên thế giới. 

Cụ thể, xuất khẩu amoni nitrat đạt 4,313 triệu tấn, chiếm 49% thị phần thế giới; xuất khẩu NPK đạt 5,928 triệu tấn, chiếm 38%; xuất khẩu phân SA đạt 4,424 triệu tấn, chiếm 30%; xuất khẩu ure gần 7 triệu tấn, chiếm 18%,…

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), tình hình căng thẳng do xung đột giữa Nga - Ukraine đã tác động mạnh tới nguồn cung và giá phân bón trên thế giới. 

Ngay sau chiến sự Nga - Ukraine xảy ra ngày 24/2/2022, giá phân bón thế giới lập tức tăng 8-12% so với thời điểm trước đó (ngày 23/2/2022).

Thị trường phân bón Việt Nam cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem