Trong nhiều năm qua, do tập trung phát triển các giống lợn có năng suất và tỉ lệ nạc cao, nên việc chăn nuôi và công tác giống đối với giống lợn kiềng sắt không được quan tâm, dẫn đến tình trạng giảm sút nghiêm trọng về số lượng, phẩm giống dần bị lai tạp, thoái hóa...
Cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Ngãi đã có dự án khôi phục và từng bước phát triển chăn nuôi giống lợn bản địa bên cạnh góp phần bảo tồn nguồn gen vật nuôi đặc hữu của tỉnh Quảng Ngãi, giữ gìn đa dạng sinh học; đồng thời còn là nguồn vật liệu quý cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi triển khai thực hiện Dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh” tại 3 huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Mộ Đức.
Dự án quy mô 140 con giống lợn kiềng sắt và 6 hộ dân tham gia. Sau 4 tháng triển khai thực hiện, tổng thu của mô hình đạt 644 triệu đồng.
Ông Đinh Kni ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây gia đình ông chỉ nuôi 3 – 4 con lợn kiềng sắt để sử dụng trong các dịp cúng, lễ...
Chuồng trại chăn nuôi đơn giản vì lợn kiềng sắt chủ yếu là chăn nuôi thả rông.
Nay được Trung tâm Khuyến nông Quảng ngãi chọn tham gia mô hình chăn nuôi lợn kiềng sắt tập trung và hỗ trợ 13 con lợn giống.
Trước khi nhận lợn giống, ông Kni được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn kiềng sắt theo hướng tập trung, trong 4 tháng nuôi, gia đình ông được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ thường xuyên hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và kỹ thuật phòng ngừa một số bệnh thường gặp trên lợn.
Đến nay, bình quân mỗi con lợn kiềng sắt của gia đình ông đạt trọng lượng 45kg, với giá bán 100.000 đồng/kg, gia đình ông có thu nhập 58,5 triệu đồng.
Cùng tham gia mô hình chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm, chị Đinh Thị Sinh ở xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, gia đình chị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ 15 con giống lợn kiềng sắt.
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật đã được tập huấn, cùng với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Hà, đàn lợn kiềng sắt của gia đình chị Sinh không bị dịch bệnh.
Sau 4 tháng nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con đạt 45,2kg, với giá bán 100.000 đồng/kg. Tổng thu từ đàn lợn kiềng sắt là gần 68 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, gia đình chị Sinh còn lãi gần 9 triệu đồng.
Trong thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá lợn hơi các giống khác chỉ từ 42.000 – 45.000 đồng/kg và sản phẩm tiêu thụ chậm, thì lợn kiềng sắt vẫn tiêu thụ dễ dàng với giá bán cao.
Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm, thu nhập bình quân từ 1 con lợn Kiềng Sắt sau 4 tháng nuôi đạt 590.000 đồng/con.
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Nguyên – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, chủ nhiệm Dự án cho biết, các hộ dân tham gia mô hình nuôi lợn kiềng sắt đã được chuyển giao và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.
Dự án góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra trong chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất và tạo sản phẩm an toàn phục vụ cho tiêu dùng và cung ứng cho xã hội.
Thành công của mô hình nuôi lợn kiềng sắt không những thúc đẩy phương thức chăn nuôi tập trung các giống vật nuôi bản địa, mà còn mở ra hướng sinh kế mới cho người dân, đồng thời là mô hình mẫu để áp dụng cho các chương trình, dự án khác.
Một ý nghĩa đặc biệt của Dự án nuôi lợn kiềng sắt là đã nâng cao nhận thức về bảo tồn giống vật nuôi bản địa cho người dân tham gia dự án và cộng đồng, tạo cơ hội để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng miền núi.
Dự án khôi phục và từng bước phát triển chăn nuôi lợn bản địa bên cạnh góp phần bảo tồn nguồn gen vật nuôi đặc hữu ở tỉnh Quảng Ngãi, giữ gìn đa dạng sinh học; đồng thời còn là nguồn vật liệu quý cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống.
Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn kiềng sắt thương phẩm phát huy lợi thế cạnh tranh” sẽ được triển khai trong 3 năm 2021 – 2023 ở tỉnh Quảng Ngãi, với tổng quy mô 600 con giống lợn kiềng sắt và 18 hộ dân tham gia tại hai vùng sinh thái miền núi (huyện Ba Tơ, Sơn Hà) và đồng bằng (huyện Mộ Đức).