PV Báo điện tử Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam. Ông Lạng cho rằng: Phải chăng Tổng cục Thuế tự mâu thuẫn với chính mình xung quanh công văn 632/TCT-TTKT?
Vừa qua, Hiệp hội Sắn cho biết không thể xác minh khách hàng nhập khẩu. Việc này có giống với sự cố 74 container điều mất quyền kiểm soát khi xuất khẩu sáng Itatlia không, thưa ông?
- Đây là 2 vụ việc có tính chất khác nhau. Sự cố ngành điều xảy ra do có đối tượng lừa đảo. Việc lừa đảo dựa vào kẻ hở của phương thức thanh toán nhờ thu. Trước đó các doanh nghiệp (DN) ngành điều lại ký hợp đồng qua đơn vị trung gian.
Hoạt động mua bán sắn và các sản phẩm từ sắn qua Trung Quốc, là hoạt động mua bán biên mậu theo Nghị định 14 của Chính phủ. Cũng như nhiều nông sản khác bán qua biên giới, chúng ta đưa hàng lên cửa khẩu, làm thủ tục thông quan.
Phía bạn, có khoảng 10 đơn vị đầu mối đứng ra thu mua. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, các đơn vị này vẫn thường sang Việt Nam làm việc với Hiệp hội và các DN trong nước. Họ ký mua hàng xong thì chuyển tiền thanh toán.
Như vậy, yêu cầu xác minh khách hàng là không cần thiết. Điều quan trọng là giao được hàng, lấy được tiền.
DN Việt Nam chỉ chịu trách nhiệm pháp lý cho đến cửa khẩu thôi. Nghĩa là Hải quan xác nhận số hàng mà DN giao và ngân hàng chuyển tiền, chứ sao lại cần phải xác minh danh tính doanh nghiệp mua số sắn đó làm gì nữa.
Ông có thể nói rõ hơn sự cố lần này?
- Theo xác minh của ngành thuế, nhiều DN Trung Quốc cho biết không nhập khẩu sắn của Việt Nam. Từ đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế địa phương dừng hoàn thuế.
Mua bán qua biên mậu là hoạt động đặc thù giữa 2 nước. Tuy nhiên, pháp luật 2 nước không tương đồng.
Việc DN Việt Nam bán sắn cho đơn vị hay tổ chức nào của Trung Quốc không quan trọng. Vì luật pháp không quy định bắt buộc phải bán cho người này hay người kia. Quan trọng là DN Việt Nam có bán hàng đi Trung Quốc.
Có thể, khách hàng Trung Quốc lợi dụng khe hở luật pháp để trốn thuế nên không thừa nhận với cơ quan chức năng, dù đã đăng ký mua hàng.
Hàng hóa đã bán sang bên kia, khách hàng Trung Quốc sử dụng ra sao, kể cả việc lách thuế như thế nào là trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc.
Các DN chỉ phải chịu trách nhiệm trên lãnh thổ Việt Nam, và họ đã hoàn tất công việc của mình. Nếu phía khách hàng phạm luật, lại bắt DN trong nước chịu trách nhiệm là không đúng.
Thiệt hại từ công văn của Tổng cục Thuế
Tại cuộc họp ngày 10/12/2021 với Hiệp Hội Sắn Việt Nam, Tổng cục Thuế đã nói gì thưa ông?
- Tại hội nghị này, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã kết luận theo hướng giải quyết thủ tục hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành sắn.
Hiệp hội đã ghi nhận lại toàn bộ thông tin từ hội nghị này. Sau hội, Hiệp hội có văn bản đề nghị đề nghị Tổng cục Thuế có kết luận hội nghị chính thức bằng văn bản.
Từ đó đến nay, Hiệp hội vẫn chưa nhận được văn bản. Trong khi vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì ngày 7/3/2022 Tổng cục Thuế ban hành tiếp Công văn 632. Như vậy, có phải Tổng cục Thuế đang tự mâu thuẫn chính mình?
Các DN đang chịu thiệt hại thế nào từ Công văn 632 thưa ông?
- Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với mặt hàng sắn xuất khẩu, với thuế suất bằng 0%. Và DN được hoàn thuế GTGT.
Nôm na là DN ứng tiền cho nhà nước để giao dịch thương mại, sau đó nhà nước trả lại.
Nếu không trả lại, DN sẽ cực kỳ khốn đốn, thậm chí phá sản vì tất cả kinh phí này đều vay từ ngân hàng để đầu tư cho 1 đơn hàng hoặc dự án.
Đến nay, đã có 42 đơn vị thành viên trên cả nước của Hiệp hội chịu thiệt.
Dù chưa thống kê được tổng số tiền thuế GTGT chưa được hoàn lại, nhưng công văn 632 rõ ràng tác động lớn đến ngành sắn của cả nước, cả các DN trong và ngoài Hiệp hội.
Ông đánh giá triển vọng của cây sắn hiện nay thế nào?
Ngành sắn Việt Nam vẫn đang phát triển tốt. 530.000ha sắn cả nước đang tạo ra một giá trị rất lớn. Sắn không chỉ là cây lương thực. Bây giờ, sắn là cây công nghiêp tỷ USD.
Hiện nay, các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã nâng cao công nghệ chế biến sâu. Các DN đã xử lý rất tốt khâu xử lý chất thải để bảo vệ môi trường.
Nhờ công nghệ tiên tiến, tỷ lệ thu hồi bột cao, tỷ lệ nước thải và bã thấp. Chất thải được tận dụng làm hầm biogas nhờ công nghệ xử lý bằng vi sinh.
Năng lượng nhiệt này quay ngược trở lại nhà máy để xấy khô bã sắn. Lượng bã sắn này được bán lại cho các công ty chăn nuôi lớn làm thức ăn chăn nuôi. Các DN lại thu thêm được một khoản tiền rất lớn.
Còn phần vỏ lụa củ sắn, những phần đầu thừa đuôi thẹo đều được chuyển thành phân vi sinh hữu cơ. Thân cây mì có thể xay nhuyễn làm nguyên liệu meo ủ nấm mèo rất tốt.
Nghĩa là không có thứ gì từ cây sắn vứt bỏ đi thứ gì cả. Và hiện nay, rất nhiều ngành nghề sử dụng sản phẩm từ sắn.
Vậy các nhà máy chế biến tinh bột đóng góp gì cho khu vực nông thôn?
- Riêng việc chế biến tinh bột còn có ý nghĩa mang công nghiệp hóa lên miền núi, vùng sâu vùng xa; làm hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Cả nước có hơn 100 nhà máy nhưng không có nhà máy tinh bột sắn nào nằm ở thành phố cả.
Trong nước hiện nay đang có nhiều giống sắn kháng bệnh, năng suất cao. Nông dân được lợi nhuận vì đầu vốn ít, thời gian thu hoạch chỉ từ 6-8 tháng.
Việc nông dân trồng mì sẽ tạo ra vùng nguyên liệuc cho sản xuất công nghiệp. Nhưng không phải công nghiệp bình thường mà là công nghiệp chế biến để xuất khẩu, mang về ngoại tệ cho đất nước.
Tất cả những điều này có nghĩa, nông dân và nhà máy chế biến sắn gắn bó mật thiết với nhau. Nên khi công văn 632 của Bộ Tài Chính gây khốn đốn cho DN thì lực lượng lao động liên quan ngành sắn cũng bị ảnh hưởng theo.
Xin cảm ơn ông!