Dựa vào đâu Hiệp Hội Sắn Việt Nam kiến nghị dừng công văn của Tổng Cục Thuế?
Dựa vào đâu Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị dừng công văn của Tổng cục Thuế?
Nguyên Vỹ
Thứ ba, ngày 22/03/2022 15:27 PM (GMT+7)
Ngoài Đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Sắn Việt Nam còn gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, nêu rõ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cần thiết để dừng thực hiện Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế.
Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Sắn Việt Nam tồn đọng trên 384 tỷ tiền thuế GTGT
Ngày 7/3, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 632/TCT-TTKT về việc "hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng tinh bột sắn". Theo đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài.
Ngày 21/3, Hiệp Hội Sắn Việt Nam đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Bộ Tài chính, kiến nghị dừng thực hiện Công văn 632 của Tổng cục Thuế.
Ngày 21/3, Hiệp hội Sắn Việt Nam gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Bộ Tài chính, kiến nghị dừng thực hiện công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế. Ảnh: T.L
Trước đó, làm việc với Hiệp hội Sắn Việt Nam ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đồng tình với các kiến nghị của Hiệp hội Sắn Việt Nam về việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng của Tổng cục Thuế theo Công văn số 2495/TCT-TTKT ngày 8/7/2021 và Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp, hỗ trợ Hiệp hội Sắn Việt Nam và các doanh nghiệp ngành sắn kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, doanh nghiệp phải xuất trình được căn cứ xác đáng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Từ đó, Bộ Công Thương sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng của Bộ để làm việc với các cơ quan của Bộ Tài chính.
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hiệp hội Sắn Việt Nam nêu rõ các cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn cần thiết để dừng thực hiện Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế.
Hiệp hội Sắn Việt Nam căn cứ vào Quyết định 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ; và hiện tại là Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ "Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới" làm cơ sở pháp lý để kiến nghị.
Theo đó, Khoản 3, Điều 10 của Nghị định 14/2018/NĐ-CP nêu: "Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại Nghị định này được hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật".
Khoản 2, Điều 24 của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP nêu: "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh biên giới hướng dẫn thực hiện chính sách thuế".
Ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đã thực hiện đúng các quy định pháp luật Việt Nam trong sản xuất và kinh doanh; phù hợp với các quy định về thương mại xuất nhập khẩu biên giới.
Các doanh nghiệp cũng luôn chấp hành nghiêm túc Luật Thuế hiện hành về hồ sơ khấu trừ, hoàn thuế GTGT (Điều 9, Điều 15, Điều 16 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
Tuy nhiên gần đây, sau khi có Công văn 2495/TCT-TTKT và Công văn 632/TCT-TTKT của Tổng cục Thuế thì tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp không được xem xét hoàn là rất lớn.
"Công ty cổ phần Fococev Việt Nam (TP.HCM) hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp tinh bột sắn. Công ty Fococev đang tồn đọng trên 384 tỷ tiền thuế GTGT chưa được hoàn", ông Lạng dẫn chứng.
Khó xác minh tư cách pháp lý của khách hàng nhập khẩu
Về cơ sở thực tế theo thông lệ mua bán, doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức DAF. Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ giao hàng theo điều kiện DAF (giao hàng tại biên giới - Incoterm2010), được Hải quan xác nhận thông quan.
Doanh nghiệp nhập khẩu (Trung Quốc) chịu trách nhiệm nhận hàng và chịu trách nhiệm làm thủ tục nhập khẩu theo quy định nước sở tại.
Doanh nghiệp Việt Nam chịu trách nhiệm các hoạt động theo pháp luật trong lãnh thổ Việt Nam, khi xuất khẩu thực hiện đúng, đầy đủ theo pháp luật về hải quan.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng: Việc xác minh tư cách pháp lý của người mua hàng của nước nhập khẩu là ngoài khả năng của doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khi đó, luật pháp Việt Nam cũng không quy định bắt buộc xác minh khách hàng trước khi ký hợp đồng.
Hơn thế nữa, Nhà nước cũng không có kênh thông tin để doanh nghiệp có thể tra soát tính chất pháp lý của doanh nghiệp nước ngoài.
Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam không thể xác minh doanh nghiệp nước ngoài đó còn tồn tại hay không, và tính chất hoạt động, tồn tại ra sao ở nước sở tại vào thời điểm đàm phán ký hợp đồng.
Từ các cơ sở pháp lý và thực tiễn đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế dừng việc thực hiện Công văn số 632.
Đồng thời, xem xét thực hiện hoàn thuế dựa trên quy định pháp luật và hồ sơ thực tế của doanh nghiệp, để bảo đàm tính khách quan, công bằng trong thực thi pháp luật đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng mong muốn được làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình bày thực trạng hiện tại của ngành sắn.
"Đây là việc cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn bởi Công văn số 632/TCT-TTKT nêu trên không chỉ cho ngành sắn mà cả các ngành khác có hoạt động xuất khẩu biên giới theo Nghị định 14 năm 2018 của Chính phủ", ông Lạng nói.
Vướng mắc kéo dài
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, quá trình kiến nghị và giải quyết vướng mắc hoàn thuế GTGT đã được Hiệp hội thực hiện từ năm 2021.
Ngày 7/8/2021, Hiệp hội sắn Việt Nam có Đơn kiến nghị tập thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.
Đến ngày 1/10/2021, Bộ Tài chính có Công văn số 11309/BTC-CST để phúc đáp.
Tuy nhiên, Hiệp hội Sắn Việt Nam chưa rõ ý kiến trả lời của Bộ Tài chính. Ngày 3/11/2021, Hiệp hội có Đơn kiến nghị tiếp theo gửi Bộ Tài chính để làm rõ các kiến nghị của Hiệp hội, đồng thời đề nghị được đối thoại với Bộ Tài chính.
Ngày 10/12/2021, Hiệp Hội Sắn Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến giữa Hiệp hội với Tổng cục Thuế. Tại hội nghị này, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã kết luận hướng giải quyết thủ tục hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành sắn
Sau hội nghị này, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế về việc tổng hợp kiến nghị để đề nghị Tổng cục Thuế có kết luận hội nghị bằng văn bản.
Ngày 27/1/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 689/VPCP-KTTH với nội dung: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xem xét kỹ kiến nghị, vướng mắc của Hiệp hội Sắn Việt Nam. Nhưng đến nay, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết và các doanh nghiệp đang ngày càng khó khăn hơn sau khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.