Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam: Công văn của Tổng cục Thuế đang làm khó doanh nghiệp xuất khẩu sắn

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 22/03/2022 11:50 AM (GMT+7)
Ngành sắn đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn và có nguy cơ sụp đổ toàn ngành khi Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 về việc “hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn”.
Bình luận 0

Công văn số 632/TCT-TTKT làm khó ngành sắn

Sau khi có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng kiến nghị dừng thực hiện Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế về việc "hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn", trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Lạng – Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, có thể nói ngành sắn đang khó khăn chồng chất khó khăn. 

Nếu vướng mắc hoàn thuế giá trị gia tăng không được tháo gỡ kịp thời có thể dẫn tới sự sụp đổ chuỗi sản xuất cây trồng tỷ USD.

"Đáng lo ngại hơn, việc này còn tác động tới các ngành khác có xuất khẩu biên giới tương tự như ngành sắn chúng tôi", ông Lạng nói.

Hiệp hội Sắn Việt Nam gồm có 42 thành viên, đang đại diện cho hơn 80% sản lượng toàn ngành. 

Từ những khó khăn đó, các thành viên cùng thống nhất và khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung. Cụ thể, một là Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế dừng việc thực hiện Công văn số 632 nêu trên.

Thực hiện hoàn thuế dựa trên quy định pháp luật Việt Nam và hồ sơ thực tế của doanh nghiệp, để bảo đảm tính khách quan và công bằng trong thực thi pháp luật đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

Hai là các doanh nghiệp chế biến sắn, người trồng sắn, đơn vị thương mại cùng Ban Chấp hành Hiệp hội Sắn Việt Nam mong được tiếp kiến Thủ tướng để trình bày thực trạng hiện tại của ngành sắn.

Qua đó, nhằm tháo gỡ khó khăn bởi Công văn số 632 nêu trên, không chỉ cho ngành sắn mà cà các ngành khác có hoạt động xuất khẩu biên giới, theo Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiệp hội Sắn Việt Nam kêu cứu khẩn cấp. Thu mua sắn đưa về nhà máy chế biến ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiệp hội Sắn Việt Nam kêu cứu khẩn cấp. Thu mua sắn đưa về nhà máy chế biến ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiệp hội Sắn Việt Nam kêu cứu khẩn cấp

Theo Đơn kêu cứu khẩn cấp mà Hiệp hội sắn Việt Nam gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị dừng thực hiện công văn 632/TCT-TTKT, ngày 21/3, nguyên nhân bắt nguồn từ việc Tổng cục Thuế có Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 về việc "hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng tinh bột sắn".

Theo đó, Tổng cục Thuế chi đạo các Cục Thuế địa phương xác minh các khách hàng nước ngoài. Việc này dẫn đến dừng hoàn và truy thu tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn.

Hiệp hội sắn Việt Nam cho rằng, pháp luật hiện hành về hoàn thuế GTGT không có quy định hồ sơ hoàn thuế phải có xác nhận của khách hàng nước ngoài mới đủ điều kiện được hoàn thuế. Đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có nghĩa vụ cũng như năng lực xác minh đối tác nước ngoải khi ký hợp đồng.

Hiệp hội Sắn Việt Nam kêu cứu khẩn cấp. Nông dân trồng sắn ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiệp hội Sắn Việt Nam kêu cứu khẩn cấp. Nông dân trồng sắn ở Tây Ninh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản số 5753/VPCP-KTTH ngày 19/8/2021 và số 689/VPCP-KTTH ngày 27/1/2022 đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nhằm giải quyết vướng mắc về việc hoàn thuế GTGT cho ngành sắn.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết mà còn khó khăn hơn khi Tổng cục Thuế có Công văn 632/TCT-TTKT nêu trên.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, nếu công văn 632 được thực thi, các doanh nghiệp ngành sắn sẽ bị phá sản. Đây là nguy cơ có thật dù thực tế, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật. 

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, cây sắn là cây lương thực quan trọng thứ 3 của Việt Nam sau cây lúa, cây ngô.

Cây sắn hiện có diện tích trồng hàng năm khoảng 530.000 ha và được trồng chủ yếu ở vùng trung du miền núi khó khăn. Nhiều đối tượng trồng là đồng bào dân tộc thiểu số. Số lao động trong ngành sắn là hơn 1,2 triệu người.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đạt cao tới 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới sau Thái Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem