Việc dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn không chỉ gây bức xúc, mà kèm theo đó là tâm lý bất an: Rồi còn quy định đột ngột nào nữa không?
Ông Tạ Văn Minh, nông dân ở xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) cho biết, giá thu mua sắn nguyên liệu hiện nay là 2.600 đồng/kg. Giá này đang thấp hơn so với mức đầu tư của người trồng sắn.
Hiện nay, giá vật tư nông nghiệp cho đến giá xăng dầu đều tăng cao. Kéo theo đó là chi phí sản xuất tăng.
Vừa qua, giá xăng dầu có điều chỉnh giảm. Nhưng mức giảm cũng chỉ vài trăm đồng. Tính ra, giá phân bón tăng gấp đôi, giá xăng dầu tăng gấp rưỡi so với trước.
Ông Minh cho rằng, với mặt bằng giá hiện nay, giá bán sắn phải từ 3.500-3.600 đồng/kg, nông dân mới có lời.
Ông Minh cho biết, cũng chỉ mới hay tin việc Tổng cục Thuế ra Công văn 632 dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn.
Bản thân ông cũng là người đứng ra thu mua sắn cho bà con nông dân trên địa bàn. Ông Minh nhận định, rõ ràng doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng thì nông dân cũng điêu đứng theo.
Ông Minh giải thích, DN làm ăn có lời hoặc truy thu được thuế sẽ mua hàng của nông dân mức giá cao. Còn không thì DN mua của nông dân với giá thấp.
"Cuối cùng thì vẫn nông dân chịu thiệt", ông Minh nói.
Tỉnh Tây Ninh có 60 nhà máy chế biến tinh bột sắn, chiếm phân nửa số nhà máy của cả nước.
Công ty TNHH MTV Định Khuê ở xã Suối Dây (huyện Tân Châu) là một trong số các đơn vị cùng Hiệp hội Sắn Việt Nam đã ký tên vào đơn kêu cứu khẩn cấp, gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
Bà Nguyễn Thị Khuê – Giám đốc Công ty Định Khuê cho biết tâm trạng đang rối bời vì công văn 632 vừa qua. Việc dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn lần này khiến bà vừa cảm thấy bức xúc, lại vừa buồn, vừa lo lắng.
Theo bà Khuê, DN ngành sắn đang phải gồng mình để sống còn với nghề. Rất nhiều áp lực đang đè trên đầu DN, nhất là tiền nợ ngân hàng.
DN phải tìm mọi cách đảm bảo doanh thu. Nếu không sẽ bị liệt vào danh sách nợ xấu, sau đó sẽ rất khó vay vốn ngân hàng trở lại. Trong khi việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 suốt từ 2021 tới nay.
Vì lợi nhuận từ xuất khẩu chính ngạch thấp hơn tiểu ngạch, Công ty Định Khuê vẫn đang duy trì cả 2 hình thức xuất khẩu sắn.
Bà Khuê kể, bà đang còn tồn hơn 2.000 tấn tinh bột sắn ở Hải Phòng suốt 4 tháng nay, vì các cửa khẩu ngừng thông quan.
Nếu lô hàng 2.000 tấn này không bán được, Công ty Định Khuê phải làm thủ tục chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.
Nhưng khi chuyển như vậy, công ty sẽ lỗ hàng tỷ đồng. Bởi vì chi phí bị đội lên suốt từ quá trình đưa hàng xuống tàu, ra Bắc rồi lại nằm lưu kho hàng tháng trời.
Dịch Covid-19 đã khiến rất nhiều đơn vị trong ngành sắn lao đao. "Bây giờ xuất khẩu được nhưng lại không hoàn thuế được. Thử hỏi, làm sao DN xuất khẩu sắn không sụp?", bà Khuê bức xúc.
Trước đây, Công ty Định Khuê đã từng gặp trường hợp vướng víu về thủ tục hoàn thuế. Phải qua rất nhiều bước nhiêu khê, hết mấy năm trời mới lấy lại được.
Theo bà Khuê, vấn đề đáng lo hơn nữa là sau vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn này, ngành thuế có đặt ra thêm quy định nào khác nữa không.
Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, xuất khẩu tiểu ngạch là tập quán xưa nay, không chỉ ở phía Việt Nam mà cả phía Trung Quốc.
Dù hình thức mua bán biên mậu có chuyển khoản nhưng các thủ tục pháp lý hoặc hợp đồng mua bán không bài bản như xuất khẩu chính ngạch.
Nhiều hoạt động mua bán biên mậu vẫn thông qua thương lái, kéo theo đó là những rủi ro nhất định trong giao dịch.
Ngành nông nghiệp ủng hộ chủ trương xuất khẩu chính ngạch, hạn chế dần xuất khẩu tiểu ngạch. Vì thế, việc minh bạch hóa quá trình xuất nhập khẩu là cần thiết.
Tuy nhiên, ông Xuân cho rằng, việc thay đổi hình thức mua bán cần phải có thời gian, nhất là với các quy định mới.
Trở lại với công văn 632 của Tổng cục Thuế, chưa bàn tới khâu xác minh (đơn vị nhập khẩu) có đúng luật hay không, đây vẫn là quy định mới mà trước giờ chưa có.
Vì thế, việc này, nằm ngoài khả năng của DN. Và tác động dây chuyền có thể gây ra những khó khăn rất lớn cho DN, sau đó là hàng ngàn hộ nông dân đang trồng sắn, và lực lượng lao động đang làm việc trong ngành sắn.
Ông Xuân cho biết, thời gian qua, ngành sắn của Tây Ninh đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ bệnh khảm lá sắn, dịch Covid-19, cho đến giá vật tư tăng cao.
Việc dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn sẽ khiến nhiều DN và nông hộ lâm vào tình cảnh khốn khó.
Ông Xuân đề nghị, việc thay đổi phương thức xuất khẩu là cần thiết nhưng phải có lộ trình. Đó là quãng thời gian để các DN thích nghi với các quy định mới, với các yêu cầu mới.
Những tập quán cũ nên được bảo lưu trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, chính DN sẽ quyết định có tiếp tục phương thức cũ hay không.
Trên tinh thần chung, ngành nông nghiệp phải tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sắn và nông dân trồng sắn.
Công văn 632 đang tác động đến hầu hết các DN xuất khẩu sắn cả nước chứ không riêng gì Tây Ninh.
"Nếu có DN nào vi phạm, phải chỉ ra trường hợp cụ thể để có hình thức xử lý phù hợp. Một người ho, bắt cả nhà uống thuốc là không đúng", ông Xuân chia sẻ.