Hiện nay, tại Bộ môn Di Truyền và Chọn giống cây trồng (Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ), có một khu vực dành để "đông lạnh" giống lúa. Mục đích của việc làm này là duy trì sự sống của các giống lúa trong thời gian dài.
Đặc biệt, có khu vực "đông lạnh" 3.000 giống lúa trong thời gian 20 năm, với nhiệt độ duy trì âm 5 độ C.
3.000 giống lúa "đông lạnh" này gồm lúa mùa, lúa rẫy, lúa cao sản được các sinh viên, thầy cô Trường Đại học Cần Thơ sưu tầm từ năm 1972 đến năm 2000 (Chỉ tính đến năm 1975 đã sưu tầm được hơn 2.000 giống lúa). Trong đó, có 2/3 là các giống lúa ở khu vực ĐBSCL.
Theo Bộ môn Di Truyền và Chọn giống cây trồng, tuy "đông lạnh" giống lúa âm 5 độ C trong thời gian trung hạn là 20 năm nhưng phần lớn các giống lúa không thể sống trong thời gian dài như vậy.
Do đó, từ 3 - 5 năm sau khi đem vào "đông lạnh", phải đem ra kiểm tra giống lúa còn sống không. Theo đó, nếu tỉ lệ sống đạt trên 80% thì tiếp tục "đông lạnh", dưới 80% thì phải trẻ hóa giống lúa.
Cách trẻ hóa giống lúa là sẽ đem ra trồng. Sau khi cây lớn và trổ bông, sẽ lấy hạt lúa giống tốt nhất đem phơi thật khô rồi đem đi "đông lạnh" ở âm 5 độ C.
"Ở nhiệt độ càng thấp thì sức sống của các giống lúa càng kéo dài. Với nhiệt độ âm 5 độ C, các giống vào trạng thái ngủ, không hoạt động. Trước khi đem vào "đông lạnh", các giống lúa phải được phơi thật khô, sao cho ẩm độ dưới 10% rồi cho bao bì, hút chân không cẩn thận" - Tiến sĩ Huỳnh Kỳ - Phó trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, khoa Nông nghiệp nói.
Ngoài nơi "đông lạnh" giống lúa âm 5 độ C trong 20 năm, trong Bộ môn Di Truyền và Chọn giống cây trồng cũng có nơi giữ lạnh những giống lúa mùa, lúa rẫy, lúa cao sản trong thời gian ngắn hạn (từ 3-5 năm), với nhiệt độ duy trì 20 độ C.
Trong phòng giữ lạnh này 20 độ C này, các thầy cô giảng viên trong Bộ môn Di Truyền và Chọn giống cây trồng thường đem các giống lúa ra nghiên cứu, phân tích.