Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Lê Văn Tuân (SN 1983, ở thôn Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Từ nhỏ, tôi đã bị dị tật ở chân. Vì sức khỏe yếu nên tôi chịu nhiều thiệt thòi, thường xuyên đến bệnh viện hơn đến trường. Lên lớp 11, tôi nghỉ học".
Clip: Anh Lê Văn Tuân (ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ cách trồng cây cỏ cú mật (cây cỏ gấu, cây củ gấu, cây hương phụ).
"Bản thân mang căn bệnh u máu, thường xuyên thiếu máu nên nhiều người họ mách cho mình đi tìm cây cỏ cú mật (cỏ gấu) rồi đun nước uống để bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ điều trị thiếu máu. Từ đó, tôi đi tìm cây cỏ dại để điều trị bệnh", anh Tuân nói.
Theo anh Tuân, trong thời gian đi tìm cây cỏ cú mật để điều trị bệnh cho bản thân, anh đã dành thời gian tìm hiểu đặc tính, công dụng và cách trồng loài cỏ dại này.
Anh Tuân cho hay: "Cây cỏ cú có rất nhiều loại, những loại mọc ở ruộng, bờ sông, không có nhiều tác dụng và gần như không có củ. Còn cỏ cú mật có củ màu huyết thẫm, lá dài không có lông măng, rễ đâm sâu xuống đất, loại này có mùi rất thơm và chứa nhiều dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe".
"Cây cỏ cú mật khó tìm lắm, lúc đầu tôi phải đổi một con gà chọi để lấy 10 cây cỏ cú mật về trồng trong vườn. Sau đó, 10 cây cỏ dại này mọc lan rộng khắp vườn", anh Tuân nói.
Sau thời gian dài sử dụng và tìm hiểu về đặc tính, cách trồng của cây cỏ cú mật, năm 2018, anh Lê Văn Tuân mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh 50 triệu đồng rồi trồng cây cỏ dại này trên diện tích gần 800 m2.
Anh Tuân chia sẻ: "Những ngày đầu mình đi tìm cây cỏ cú mật về gây giống rồi trồng ở vườn nhà, ai cũng tò mò và chẳng hiểu mình mang cái loại cỏ dại này về trồng làm gì. Cứ thế, tôi mày mò và dành hết thời gian trong ngày để chăm sóc cây".
"Cây cỏ cú mật là cây ưa ẩm, rất dễ trồng. Cây này không cần chăm sóc nhiều, bởi loại cỏ dại này phát triển rất mạnh trong tự nhiên, trồng trên cát sẽ cho củ to và đẹp. Nhưng quá trình trồng, cần phải rải vôi lên cỏ vào đầu mùa hè và mùa đông để diệt nấm, diệt sâu bọ", anh Tuân cho hay.
Theo anh Tuân, cây cỏ cú mật trồng 2 năm là cho thu hoạch. Vụ đầu tiên anh Tuân khá thành công khi thu về gần 1 tạ củ cây cú mật. Sau khi thu hoạch, củ được rửa sạch, phơi khô và bán ra với giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, thu lời hơn 30 triệu đồng. Với một người khuyết tật như anh Tuân, đó là một nguồn thu lớn.
"Sau vụ đó, tôi để cây cỏ cú mọc lan rộng trong vườn. Đến nay, diện tích cây cỏ cú mật lên tới 1.000 m2, dự kiến cuối năm nay sẽ cho thu hoạch. Hiện tôi đang ngâm rượu với củ của cây cỏ cú mật. Tới đây, tôi dự tính dùng củ của loại cây cỏ dại này để chế biến thành trà thảo mộc, tinh bột và nước hoa rồi bán ra thị trường hy vọng giúp ích cho sức khỏe người tiêu dùng", anh Tuân cho biết.
"Anh Lê Văn Tuân là một người khuyết tật từ nhỏ, sức khỏe yếu nhưng có nghị lực phi thường. Tuân đã vượt qua cơn đau bệnh tật để phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương với cây cỏ cú mật hay còn gọi là cây cỏ gấu, cây hương phụ. Đây là loại cây trồng lạ, cho thu nhập khá cao" - ông Nguyễn Duy Tiễn - Chủ tịch UBND xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).