Quảng Bình: Ngược miền núi lên huyện Minh Hóa xem lễ Hội Rằm tháng Ba có một không hai ở Việt Nam

Trần Anh - Việt Hoàng Chủ nhật, ngày 25/04/2021 17:08 PM (GMT+7)
Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa là lễ hội lâu đời và lớn nhất của huyện miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình). Lễ hội Rằm tháng Ba Minh Hóa với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân gian truyền thống thu hút đông đảo du khách thập phương.
Bình luận 0

Nguồn gốc Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa

"Thà ốm mà nằm, ai mà bỏ chợ rằm tháng ba…" câu nói từ xa xưa đến nay để chỉ sự độc đáo, cuốn hút về Hội rằm tháng Ba của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. 

Và những ngày qua, du khách thập phương đã đi ngược lên miền núi Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) để tham gia vào Hội Rằm tháng Ba.

Clip: Người dân dâng hương tại thác Bụt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Dâng hương tại thác Bụt là 1 trong những hoạt động chính của lễ hội Rằm tháng Ba ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Ngay từ sáng sớm ngày rằm tháng Ba, các đoàn đại diện chính quyền địa phương huyện Minh Hoá và du khách thập phương đã đến dâng hương cúng Bụt (ông Bụt trong truyện cổ tích - PV) ở vùng thác Bụt tại Dốc Cáng, xã Yên Hoá, huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình). 

Thác Bụt được coi là nguồn gốc xuất hiện Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa.

Ngược miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) chơi Hội Rằm tháng Ba - Ảnh 2.

Chính quyền địa phương huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) và du khách thập phương dâng hương tại thác Bụt.

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Đinh Xuân Đình - Chủ tịch Hội di sản văn hóa huyện Minh Hóa, kể: Xưa kia có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong nhưng họ đi lạc vào một hang động. Trong đó, có cơ man nào là tượng Bụt bằng đá.

Ba anh em họ mỗi người vác một tượng về. Đến dòng suối, họ dừng chân xuống tắm. Song khi họ vác tượng lên để về nhà thì không tài nào vác được.

Một thời gian sau họ mới vác được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay dòng thác mà ba anh em nhà kia tắm và để tượng Bụt lại, được gọi là thác Bụt.

Ngược miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) chơi Hội Rằm tháng Ba - Ảnh 3.

Ông Đinh Xuân Đình - Chủ tịch Hội di sản văn hóa huyện Minh Hóa, đứng bên Thác Bụt kể lại truyền thuyền Thác Bụt.

"Cứ đến lễ Hội Rằm tháng Ba, người dân trong huyện và du khách thập phương lại đến Thác Bụt cúng Bụt để cầu tự, cầu tài, cầu lộc chuẩn bị cho một lễ hội rằm mới", ông Đinh Xuân Đinh cho hay.

Đặc sắc Hội Rằm tháng ba Minh Hóa

Trao đổi với PV Dân Việt, Ông Đinh Văn Lĩnh - Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hoá, trưởng Ban tổ chức Hội Rằm tháng Ba, cho biết: "Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa năm nay diễn ra từ ngày 21 đến 26/4 (tức từ ngày 10 đến 15/3 âm lịch). Năm nay, Hội rằm tháng Ba được tổ chức quy mô hơn và có nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc".

Ngược miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) chơi Hội Rằm tháng Ba - Ảnh 4.

Chương trình nghệ thuật "Ân tình Minh Hóa quê tôi".

Theo đó, Tuần lễ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa 2021 có các chuỗi hoạt động mới lạ, hấp dẫn.

Lễ dâng hương tại Thác Bụt và Hội Rằm tháng Ba truyền thống tại chợ Quy Đạt. Các hoạt động thể thao, như: giải vô địch bóng chuyền; giải vô địch bóng đá nam toàn huyện; giải thi đấu các môn thể thao truyền thống và các trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn huyện (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, ném xoang, cà kheo, thả diều, vật dân tộc…). 

Các hội diễn và chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo, dân ca, dân vũ truyền thống của các nghệ nhân quê hương Minh Hóa.

Ngược miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) chơi Hội Rằm tháng Ba - Ảnh 5.

Gian hàng ẩm thực bày bán những món ăn của người bản địa tại Hội Rằm tháng Ba Minh Hóa.

Đặc biệt, năm nay, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) còn long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di sản phi vật thể quốc gia "Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá" và bằng công nhận di tích lịch sử căn cứ kháng chiến vua Hàm Nghi tại Minh Hóa.

Ngược miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) chơi Hội Rằm tháng Ba - Ảnh 6.

Các món ăn mang đậm bản sắc văn hoá của người Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Hội rằm tháng Ba là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình) giao lưu, gặp gỡ và tổ chức các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và cũng là để huyện Minh Hóa quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến du khác trong và ngoài nước.

Tại lễ hội, còn có các hoạt động trưng bày không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch với khoảng 20 gian hàng của các xã, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện Minh Hóa (Quảng Bình).

Ngược miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) chơi Hội Rằm tháng Ba - Ảnh 7.

Các hoạt động thể thao thu hút sự theo dõi của rất đông người dân và du khách.

"Hội rằm tháng Ba ở Minh Hoá nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người và những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của vùng đất Minh Hóa đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước. 

Qua hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa chung tay cùng ngành du lịch Quảng Bình hồi phục các hoạt động để thu hút du khách khi dịch Covid-19 được khống chế", ông Đinh Văn Lĩnh - Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hoá, Trưởng ban Tổ chức Hội Rằm tháng Ba khẳng định.

Được sáng tạo từ lao động, "hò thuốc cá" là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang giá trị văn hóa tinh thần của người dân bản địa. Hò thuốc cá phản ánh thế giới nội tâm, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng và nói lên không gian sống và lao động của người Nguồn Minh Hóa.

Ngày 3/2/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 607 về việc đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Hò thuốc cá" của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian).

Ngày 25/9/2020, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết đinh số 3521/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh cho di tích căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi ở huyện Minh Hóa.

Căn cứ này nằm chủ yếu trên địa bàn xã Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Theo cứ liệu lịch sử, Hóa Sơn xưa kia còn có tên gọi khác là thung lũng Ma Rai. Với địa thế hiểm trở, bao quanh bởi những lèn núi đá vôi dựng đứng, nên cuối năm 1885, vua Hàm Nghi và các tướng lĩnh đến đóng căn cứ tại đây để lãnh đạo phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp. Trong thời gian đó, Minh Hóa trở thanh trung tâm đầu não, là kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương trên đất Quảng Bình

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem