Quảng Bình: Pháp Kệ - Làng Việt cổ gần 1.000 năm tuổi có 4 cái giếng vuông không bao giờ cạn nước

Trần Anh Thứ sáu, ngày 20/08/2021 05:36 AM (GMT+7)
Pháp Kệ (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là ngôi làng thuần Việt, làng Việt cổ tồn tại gần 1.000 năm trên nền đất của người Chăm thủa xưa. Ngôi làng này hiện có 4 giếng cổ Chăm đang được người dân bảo tồn.
Bình luận 0

Làng Việt cổ gần 1.000 năm tuổi

Trong những ngày trung tuần tháng 7, PV Dân Việt tìm về làng Pháp Kệ (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).

Qua điện thoại, PV Dân Việt được ông Lê Hồng Việt – Chủ tịch UBND xã Quảng Phương giới thiệu gặp ông Trần Quốc Thái (SN 1942) – người sinh ra và lớn lên ở làng Pháp Kệ.

Ông Thái nguyên là hiệu trưởng trường cấp 1 của xã Quảng Phương và người chắp bút viết cuốn "Lịch sử Đảng Bộ xã Quảng Phương" giai đoạn 1930 - 2000.

Clip: Ông Trần Quốc Thái (làng Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về những giếng Chăm cổ còn được bảo lưu ở làng Pháp Kệ.

Trò chuyện với PV, ông Trần Quốc Thái, cho biết: "Muốn tìm hiểu về Pháp Kệ, trước hết phải biết ý nghĩa tên làng. Pháp có nghĩa là kinh pháp, kệ là hệ thống kinh pháp. Tên làng Pháp Kệ được lưu tồn gần 1.000 năm qua".

Quảng Bình: Pháp Kệ - Làng thuần Việt gần 1.000 năm tuổi - Ảnh 2.

Cổng dẫn vào làng Pháp Kệ (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Trần Anh)

Theo ông Thái, làng Pháp Kệ hiện có di chỉ khảo cổ học Cồn Nền rất quan trọng. Di chỉ khảo cổ này đã được Viện Khảo cổ học đến nghiên cứu và đánh giá có độ tuổi 3.500 năm với dấu tích khai tổ của người Chăm sinh sống.

Ông Thái lật từng trang sách sử mà ông đang lưu giữ rồi kể rằng, làng Pháp Kệ được hình thành từ nhà quân sự Lý Thường Kiệt. 

Năm 1069, danh tướng Lý Thường Kiệt thảo phạt quân Chiêm Thành, trên đường đi dẫn theo người dân các dòng họ Nguyễn, Phan từ miền Bắc vào định cư rồi lấy tên làng Pháp Kệ. Đến nay làng Pháp Kệ đã hình thành gần 1.000 năm.

Quảng Bình: Pháp Kệ - Làng thuần Việt gần 1.000 năm tuổi - Ảnh 3.

Ông Trần Quốc Thái (SN 1942, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bên cạnh mộ Phấn Dực Tướng quân Trần Đình Hách. (Ảnh: Trần Anh)

Dẫn PV ra cánh đồng làng, ông Trần Quốc Thái chỉ tay về một ngôi mộ lớn và nói với PV: "Đây là mộ Phấn Dực Tướng quân Trần Đình Hách. Dòng họ Trần của chúng tôi đến đây năm 1103, do Phấn Dực Tướng quân Trần Đình Hách của triều Lý vâng mệnh vua đi đánh Chiêm Thành. Sau khi chiến thắng, tướng Hách ở lại Pháp Kệ khai đất lập ấp, từ đó đến nay gần 1.000 năm".

Theo ông Thái, trong sử sách, Phấn Dực Tướng quân Trần Đình Hách là vị tướng có công lao rất lớn. Khi ông mất đi được phong thần hộ quốc cho Đại Việt ở vùng Hoành Sơn. Hiện ngôi mộ của cụ đang được dòng họ Trần ở làng Pháp Kệ bảo tồn.

Hệ thống 4 giếng cổ Chăm

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, làng Pháp Kệ (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hiện đang bảo lưu được hệ thống 4 chiếc giếng cổ thời người Chăm sinh sống. 4 chiếc giếng cổ này nằm ở 4 xóm: Đông; Nam; Đoài; Bắc của làng Pháp Kệ.

Quảng Bình: Pháp Kệ - Làng thuần Việt gần 1.000 năm tuổi - Ảnh 4.

Giếng cổ Chăm còn được bảo lưu ở làng Pháp Kệ (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Trần Anh)

Theo ông Trần Quốc Thái, 4 chiếc giếng cổ đều có hình vuông, dưới đáy lát gỗ Trai hàng ngàn năm tuổi. Hằng năm, con em địa phương đều vét giếng nên nước giếng luôn mát và trong vắt. Đáng chú ý, 4 giếng này không bao giờ cạn nước, kể cả những năm hạn hán xảy ra.

Dẫn PV đến chiếc giếng cổ Chăm nằm ở xóm Bắc, làng Pháp Kệ, ông Thái chỉ tay lên thành giếng, nơi khắc số "1926" và nói: "Giếng cổ Chăm ở xóm Bắc được bố tôi là cụ Trần Khảng cùng người dân tôn tạo lại vào năm 1926, con số khắc trên thành giếng chỉ ngày tu bổ. Đến nay con cháu bảo tồn rất tốt".

Quảng Bình: Pháp Kệ - Làng thuần Việt gần 1.000 năm tuổi - Ảnh 5.

Ông Trần Quốc Thái chia sẻ về lịch sử giếng cổ Chăm nằm ở xóm Bắc, làng Pháp Kệ (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). (Ảnh: Trần Anh)

Cũng theo ông Thái, các ngày lễ tết, người dân trong làng Pháp Kệ thường đến tế lễ, xin thần linh ở giếng để lấy nước về uống.

Đặc biệt, rằm tháng Giêng hằng năm, sau khi làm lễ ở đình làng Pháp Kệ, người dân trong làng về tại 4 giếng cổ ở 4 xóm tiếp tục làm lễ rồi tổ chức các trò chơi dân gian: kéo co, đấu vật, chọi gà… ngay bên giếng cổ.

Lưu chiếu hát Kiều

Bên cạnh hệ thống giếng cổ Chăm hình vuông độc đáo, làng Pháp Kệ (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đến nay vẫn còn bảo lưu chiếu hát Kiều hơn 300 năm tuổi.

Trò chuyện với PV, ông Trần Xuân Thủ (SN 1944, người làng Pháp Kệ) cho biết: "Tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian hát Kiều. Hiện tôi đang dồn hết sức mình để lưu giữ nét văn hóa này".

Theo ông Thủ, chiếu Kiều du nhập từ quê hương đại thi hào Nguyễn Du. Người làng thế hệ nào cũng thích. Một thời gian vì khó khăn, chiếu Kiều dần vào quên lãng.

Quảng Bình: Pháp Kệ - Làng thuần Việt gần 1.000 năm tuổi - Ảnh 6.

Một hoạt cảnh hát Kiều ở làng Pháp Kệ. (Ảnh: MP).

Năm 2010, mong muốn phục dựng lại văn hóa Kiều, ông Thủ đứng ra thành lập CLB Kiều của làng Pháp Kệ.

Đến nay, CLB Kiều có hơn 30 người. Trong đó, hơn 20 người từ 40 - 82 tuổi tham gia và 10 em độ tuổi từ 12 - 15 cùng ngâm Kiều vào các vai phụ.

Ông Trần Xuân Thủ, cho hay: "Kịch bản chiếu Kiều của chúng tôi có gần 100 trang viết tay, kết cấu gồm 5 phần, 76 cảnh và 31 làn điệu. Các điệu cổ như: nói lối, xá, xướng, ngâm, còn có điệu "la chớ" rất khó diễn xuất".

"Các thành viên trong CLB Kiều đã luyện tập thành công 21 vai diễn và biểu diễn thuần thục hầu hết 76 cảnh của kịch bản, dựa theo tác phẩm Truyện Kiều nhằm phục vụ nhân dân địa phương và tham gia các liên hoan văn hóa-văn nghệ các cấp. Các lần đi lưu diễn, chiếu Kiều làng Pháp Kệ đều đưa lại ấn tượng khó phai với người xem", ông Thủ nói.

"Trước đây, khi có chủ trương xây dựng làng văn hóa, lãnh đạo xã Quảng Phương đã chọn làng Pháp Kệ xây dựng làng văn hóa đầu tiên. Đó là mảnh làng sống trên nền đất của người Chăm cổ. Gần một ngàn năm đã trở thành làng thuần Việt, những dòng họ ở Pháp Kệ đã hun đúc được gia tài văn hóa nổi trội cả vùng", ông Lê Hồng Việt – Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem