Hơn một tháng trước, quân đội Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên khắp Ukraine. Chiến sự khiến Thụy Điển và Phần Lan lo ngại rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo của một động thái tương tự từ Moscow.
Các quốc gia này sẽ là mục tiêu quan trọng đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vì cả hai quốc gia đều không phải là thành viên của NATO, vốn có hiệp ước phòng thủ chung.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Thụy Điển có thể "dựa vào" các nước EU khác trong trường hợp xảy ra xung đột. Cụ thể, ông Scholz đã đưa ra những bình luận trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại Berlin.
Ông nói với các phóng viên rằng điều khoản tương trợ của EU được "coi trọng" và sẽ được sử dụng nếu Thụy Điển có xung đột với bất kỳ quốc gia nào.
Đầu tháng này, bà Andersson và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin đã viết một bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Trong đó, hai bên nhấn mạnh rằng: "Các nhà lãnh đạo EU phải đoàn kết và rõ ràng về thực tế rằng EU cũng là một cộng đồng an ninh cho các quốc gia thành viên".
Bức thư cho biết thêm rằng điều khoản phòng vệ chung của EU "là một phần thiết yếu của điều này".
Nhận xét của ông Scholz có thể hiểu rằng Đức đồng ý với các điều khoản trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt mục tiêu nhắm vào các nước EU khác.
Điều khoản của EU quy định rằng nếu một thành viên của Liên minh châu Âu là nạn nhân của "hoạt động vũ trang trên lãnh thổ của mình", thì các quốc gia khác có "nghĩa vụ viện trợ và hỗ trợ bằng mọi cách trong khả năng".
Thủ tướng Thụy Điển cho biết sự hỗ trợ nên bao gồm cả trợ giúp của quân đội. Bà cũng nói thêm rằng Thụy Điển sẽ cung cấp viện trợ tương tự cho các thành viên EU khác nếu họ là mục tiêu của một cuộc tấn công.
Bà Andersson nói: "Kể từ khi gia nhập EU, chúng tôi không còn thực sự trung lập nữa vì đã có điều khoản đoàn kết này. Vì vậy, nếu một quốc gia EU bị tấn công hoặc xảy ra khủng hoảng ở đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ quốc gia đó. Điều đó có thể bao gồm việc gửi quân đội đến đấy".
Vào tháng trước, Thủ tướng Đức đã tuyên bố tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Trong một loạt các thay đổi chính sách được thúc đẩy bởi chiến dịch của Nga ở Ukraine, ông Scholz cho biết Đức sẽ tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng lên hơn 2% sản lượng kinh tế của mình.
Ông nói trong một phiên họp của hạ viện Bundestag vào cuối tháng Hai: "Chúng ta sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào an ninh của đất nước nhằm bảo vệ tự do và dân chủ".
Theo thống kê của NATO, Đức đã chi 1,53% tổng GDP cho quốc phòng vào năm 2021.
Ngân sách quốc phòng của đất nước trong năm 2021 là 47 tỷ euro, nhưng ông Scholz cho biết chính phủ đã quyết định cung cấp 100 tỷ euro cho các khoản đầu tư quân sự từ ngân sách năm 2022.