Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm thuận lợi trong dịch bệnh
Theo ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án "Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM" do IFAD tài trợ đã đạt được các mục tiêu và đầu ra với sự phối hợp, hỗ trợ của Văn phòng IFAD tại Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động của dự án phải điều chỉnh tiến độ thực hiện, nhưng dự án đã hoàn thành các kế hoạch đề ra, được các đơn vị, đối tượng hưởng lợi và đối tác ở Trung ương và địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
"Các kết quả đạt được từ hỗ trợ của IFAD trong khuôn khổ dự án đã góp phần hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được các mục tiêu. Trong đó, có mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, thương mại các sản phẩm hàng hóa dịch vụ tại khu vực nông thôn, làm nền tảng cho việc đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025", ông Lam nói.
Theo đó, dự án đã hỗ trợ 150 máy tính để bàn và máy tính xách tay cho cán bộ cán bộ cơ sở để theo dõi thông tin về các sản phẩm OCOP ở các địa phương; xây dựng được cổng thông tin https://ketnoiocop.vn để hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cũng như kết nối cầu, các tài liệu tập huấn cho các cán bộ, các chủ thể trong Chương trình OCOP...
"Từ các hỗ trợ như trên đã giúp các chủ thể có thể tự chủ và tự vươn lên sáng tạo, học hỏi lẫn nhau, hợp tác để cùng nhau phát triển, cùng nhau khởi nghiệp dựa trên các sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương.
Nhờ có dự án này mà người dân, các chủ thể OCOP có thể tự kết nối trên nền tảng số để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng quê, vừa giúp cho các địa phương hoàn thành các mục tiêu về xây dựng NTM", Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương khẳng định.
Cũng theo ông Lam, cổng thông tin điện tử https://ketnoiocop.vn được xây dựng thí điểm tại 3 tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Bến Tre đã phát huy được hiệu quả giúp phát triển kinh tế - xã hội, có sự tham gia của người dân nông thôn, đặc biệt là các chủ thể OCOP.
Dự án đã thu thập thông tin của hơn 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó, trực tiếp hỗ trợ đăng tải công khai trên hệ thống đối với thông tin của gần 300 sản phẩm OCOP thuộc 3 tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Bến Tre. Với hiệu quả đạt được, cổng thông tin điện tử trên có thể được nhân rộng, áp dụng trên địa bàn các tỉnh có sản phẩm OCOP trên cả nước.
Là địa phương được hưởng lợi từ dự án, ông Nguyễn Hữu Dực - Phó Chánh Văn phòng NTM Hà Tĩnh cho hay: Dự án "Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM" đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ bà con nông dân, chủ thể sản xuất của Chương trình OCOP được tập huấn, đào tạo và được kết nối vào hệ thống cổng thông tin điện tử.
Đến nay dự án đã mang lại hiệu quả nhất định giúp người dân quen dần với việc tiêu thụ sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử.
Theo ông Dực, trong thời gian vừa qua, tỉnh đã dùng các công nghệ số để quản lý sản xuất cũng như hỗ trợ người dân tiêu thụ các sản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử rất hiệu quả.
"Bước đầu, chúng tôi đã có một hệ thống dự liệu OCOP để quán lý thông tin sản xuất đầu vào của các cơ sở sản xuất như thông tin nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đạt chứng nhận như thế nào... và các sản phẩm có gắn con tem điện tử được quản lý trên hệ thống...
Hơn nữa trong thời gian vừa qua, chúng tôi còn tích cực tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trang bị các kỹ năng livestream bán hàng, nhờ thế nên mà người dân có thể dễ dàng tiêu thụ được các sản phẩm trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp", ông Dực chia sẻ.
Cần tập huấn, cung cấp kiến thức cho người tiêu dùng về sản phẩm OCOP
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng ông Lam vẫn còn băn khoăn với các khó khăn mà dự án đang gặp phải.
Theo ông Lam, khó khăn lớn nhất đối với đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai hoạt động là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến một số hoạt động phải điều chỉnh lại kế hoạch; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa, và một số chủ thể OCOP còn hạn chế; hạ tầng kỹ thuật, đội ngũ nhân lực để tiếp nhận và duy trì vận hành hệ thống còn hạn chế...
Để hệ thống thông tin điện tử ketnoiocop.vn hoạt động hiệu quả, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề nghị đơn vị tiếp nhận, đơn vị quản lý cần thường xuyên liên hệ, tiếp tục hợp tác với đơn vị tư vấn để vận hành trong thời gian đầu; thường xuyên cập nhật và thay đổi nội dung, chủ thể, giao diện hệ thống cho phù hợp với các chủ thể, xu hướng thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng...
Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ văn phòng NTM các cấp để triển khai đồng bộ việc sử dụng và vận hành một cách hiệu quả cổng thông tin thương mại điện tử sản phẩm OCOP.
Kiến nghị với dự án, ông Nguyễn Văn Trí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho rằng: Dự án "Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM" mang lại hiệu quả rất thiết thực giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất, tiêu thụ nông sản qua kênh truyền thống sang sử dụng nền tảng số, sàn thương mại điện tử rất hiệu quả.
Tuy nhiên, để dự án hiệu quả hơn, tôi đề nghị các đơn vị cần quan tâm tới việc tập huấn, đào tạo kỹ năng mua, tiêu dùng, thông tin về sản phẩm OCOP, qua đó giúp cho khách hàng có thể dễ dàng kết nối, phối hợp, hợp tác nhanh, hiệu quả với các chủ thể sản xuất.
Dự án "Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới" do Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế tài trợ theo Hiệp định Vốn viện trợ số 2000002467 được ký giữa Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và IFAD ngày 4/9/2019.
Dự án bắt đầu từ tháng 9/2019, các hoạt động được thực hiện từ tháng 10/2019 theo thỏa thuận đã ký giữa Ban Quản lý dự án và các đơn vị thực hiện. Đến ngày 30/9/2021, tất cả các hoạt động của dự án đã hoàn thành, đóng tài khoản ngày 31/3/2022.
Dự án có 2 hợp phần: Hợp phần 1: Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường; Hợp phần 2: Tập huấn/hội thảo nâng cao năng lực. Các địa điểm mục tiêu của dự án là các tỉnh được IFAD hỗ trợ thí điểm tại Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Bến Tre.
Ngân sách cho dự án là 500.000 USD.