Trong khi nhiều tuyến đường chuyên tập trung đông đúc hàng quán tại TP.HCM đã sôi động trở lại, tỷ lệ mặt bằng cho thuê đã được lấp trống nhiều hơn thì phố trà sữa ở trung tâm quận 1 nằm cạnh phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn hẩm hiu.
Ghi nhận của Dân Việt cho thấy, hiện mặt bằng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế - khu vực được giới trẻ kháo nhau là phố trà sữa lớn nhất Sài Gòn bỏ trống hàng loạt, thậm chí còn "bỏ của chạy lấy người" nhiều hơn so với cách đây vài tháng.
Kê mấy cái ghế nhựa bán nước giải khát trước một cửa hàng cà phê đã trả mặt bằng trên đường Ngô Đức Kế, chị Thúy cho biết quán này mới đóng cửa, dán bảng cho thuê gần đây. Thấy phía trước đang trống nên chị tận dụng, bán nước giải khát cho dân văn phòng trong khu vực.
"Tính ra ở đâu sầm uất lại thì không biết chứ chứ đường trà sữa, cà phê này không thấy ai tới thuê mà còn trả mặt bằng nhiều hơn. Bán buôn không được, họ bỏ của chạy lấy người chứ giá thuê trăm mấy, hai trăm triệu mỗi tháng, không có khách thì làm sao trụ nổi", chị nói.
Chỉ qua một cửa hàng chi chít thông tin số điện thoại của dân môi giới cạnh đó, chị cho biết, quán cà phê, trà sữa cũng vừa trả mặt bằng sau Tết. Chị đoán: "Chắc cũng không ai dám nhào vô".
Chị nói nhỏ, những người bán hàng rong như chị, không tốn tiền mặt bằng nhưng khách ít đi hẳn so với trước dịch nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Còn kinh doanh trên phố này, phải trả tiền mặt bằng, mà lại không có khách thì sớm muộn cũng phải trả mặt bằng.
Trên đường Ngô Đức Kế, đoạn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến Hồ Tùng Mậu dài khoảng trăm mét nhưng số lượng mặt bằng chi chít thông tin cho thuê nhiều hơn so với cửa hàng đang kinh doanh.
Trên đường Ngô Đức Kế, chỉ tính sơ qua đã có khoảng chục mặt bằng đang tìm chủ, một số quán mới đóng sau Tết. Các mặt bằng đã trả hầu hết trước đây đều kinh doanh trà sữa, cà phê, nhà hàng...
Đường Hồ Tùng Mậu lại càng hẩm hiu hơn, nhiều đoạn có đến 4-5 mặt bằng nằm cạnh nhau chi chít thông tin cho thuê. Khu vực nhộn nhịp nhất của phố trà sữa trước đây hiện buồn hiu, trở thành nơi để xe cho một số cửa hàng hoặc nơi đậu xe chờ "cuốc" của giới xe công nghệ.
Còn đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến đường Hồ Tùng Mậu, tuy có một cửa hàng trang sức mới mọc lên nhưng có đến hai cửa hàng trà sữa khác vừa trả mặt bằng.
Đi tìm một số quán trà sữa trong khu vực này để "tám chuyện", nhóm bạn của Kim Chi (quận 3) vừa thất vọng vừa có chút chạnh lòng khi thấy phố trà sữa lớn nhất Sài Gòn chưa thể gượng dậy sau dịch.
"Tụi mình tính kiếm vài quán mới để đổi gió nhưng tình hình là không tìm được quán nào luôn chứ chưa nói đến ưng ý. Do thấy khu vực Hồ Con Rùa, đường Phan Xích Long đều đã nhộn nhịp nên nghĩ rằng phố trà sữa đã đông vui. Tụi mình sẽ chuyển sang các quán cà phê ở chung cư cũ trên Nguyễn Huệ. Hy vọng lần ghé tới, phố trà sữa sẽ nhộn nhịp hơn", Chi nói.
Những mặt bằng đắc địa nhất nằm ngay các góc đường ở phố trà sữa, trước đây luôn được săn đón, thậm chí các thương hiệu phải giành giật nhau nhưng hiện chúng vẫn nằm bất động, chưa tìm được chủ mới sau 2 năm chịu ảnh hưởng của Covid-19.