Hiện các chuỗi cà phê đang tăng tốc mở thêm nhiều cửa hàng, trở lại đường đua sau cú sốc dịch Covid-19. Trong hai năm qua, "cuộc chiến" chuỗi cà phê đã có nhiều thay đổi bất ngờ, vị trí người dẫn đầu nếu so về số lượng cửa hàng cũng đã "đổi ngôi".
Phúc Long và Highlands Coffee diễn biến trái chiều
Chuỗi Phúc Long vừa khai trương một cửa hàng mới tại khu vực cầu Lê Văn Sỹ (quận 3) với góc nhìn ra đường Trường Sa, Hoàng Sa và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Mặt bằng với vị trí đẹp, góc nhìn thoáng đãng này trước đây là của The Coffee House.
Phúc Long đã thuê lại khi The Coffee House trả hàng loạt mặt bằng vào năm ngoái. Tại TP.HCM, một số cửa hàng mới với diện tích lớn của Phúc Long cũng đã bắt đầu mọc lên.
Thống kê của Dân Việt cho thấy, Phúc Long đang sở hữu gần 90 cửa hàng lớn. Sẽ càng bất ngờ hơn khi biết được số lượng ki-ốt Phúc Long bên trong các cửa hàng WinMart+.
Nếu tính luôn cả cửa hàng lớn và ki-ốt, Phúc Long đang sở hữu tổng cộng hơn 700 điểm bán, vượt mặt người cũ lâu năm Highlands Coffee.
Phúc Long đã bứt tốc, vươn lên dẫn đầu "cuộc chiến" chuỗi cà phê ở phân khúc từ trung cấp trở lên chỉ sau hơn một năm hợp tác với Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Ki-ốt là mô hình mà Masan tuyên bố sẽ tập trung để vừa tận dụng chuỗi WinMart+ sẵn có, vừa phát triển thần tốc chuỗi Phúc Long.
Đại diện Masan cũng đánh giá mô hình ki-ốt Phúc Long tích hợp trong các cửa hàng WinMart+ mang lại kết quả khả quan. Dự kiến, trong năm tài chính 2022, doanh thu chuỗi Phúc Long sẽ đạt 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc sự góp mặt của ki-ốt Phúc Long cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của hệ thống WinMart+.
Sự bứt tốc của Phúc Long đã đẩy Highlands Coffee lùi lại vị trí thứ hai trong "cuộc chiến" chuỗi cà phê về số lượng điểm bán. Thời gian qua, Highlands đã trả một số mặt bằng có vị trí đẹp ở trung tâm TP.HCM, song song đó, mở thêm ở một số nơi khác nên số lượng điểm bán vẫn loanh quanh ở mức hơn 400 quán.
Đáng chú ý, gần đây, Highlands Coffee liên tục vướng vào lùm xùm nợ tiền thuê mặt bằng, đến mức chủ nhà phải khiếu kiện. Tại TP.HCM, chủ nhà cho Highlands Coffee thuê mặt bằng ở quận Bình Thạnh, quận 5 đã phản ánh việc bị Highlands nợ tiền mặt bằng kéo dài nhiều tháng.
Đường đua còn dài
Theo các chuyên gia, ngành F&B (nhà hàng, ẩm thực, cà phê…) trong đó, phân khúc về chuỗi cà phê sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng bởi người Việt có nhu cầu cà phê rất lớn. Điều này thấy rõ ở các thành phố lớn.
Tại Hà Nội và TP.HCM, quán cà phê mọc lên san sát. Sự cạnh tranh của các thương hiệu cà phê lớn càng rõ ràng hơn tại khu vực trung tâm thành phố.
Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor đánh giá, giá trị thị trường cà phê và trà Việt Nam đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm nhưng vẫn chưa có đơn vị nào giành thị phần áp đảo. Dư địa phát triển còn rất lớn.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, chuỗi cà phê nào sẽ thống lĩnh đường đua này sẽ là một câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi gần đây, hàng loạt "ông lớn" với tiềm lực tài chính mạnh đã tấn công vào thị trường chuỗi cà phê. Các "ông lớn" đều vạch ra kế hoạch dẫn đầu thị trường.
Phúc Long có sự hậu thuẫn từ Masan. Mới đây, Masan đã chi thêm 110 triệu USD mua 31% cổ phần của chuỗi trà và cà phê Phúc Long, qua đó nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu Phúc Long lên 51%. Mục tiêu của Masan là có 1.000 ki-ốt bán trà sữa, cà phê vào giữa năm nay.
Tập đoàn Kido nhảy vào chuỗi cà phê với thương hiệu ChukChuk. Dù mới ra mắt nhưng Chuk Chuk đã khoảng 30 cửa hàng hiện hữu và sắp sửa ra mắt thêm khoảng 35 cửa hàng khác. Kido kỳ vọng có tổng cộng 1.000 điểm bán vào năm 2025 với các mô hình khác nhau và sẽ dẫn đầu thị trường.
Một "ông lớn" khác là Tập đoàn Nova. Công bố tấn công thị trường cà phê, Nova không chỉ tập trung vào một mà thực tế là tập trung vào nhiều thương hiệu cà phê khác nhau: PhinDeli, Saigon Casa, Gloria Jean's Coffees; Mojo Coffee, Soho Café & Lounge, Cà phê Cô Ba.
Ông Nguyễn Thế An - Giám đốc Quan hệ Định chế Tài chính NovaGroup, cho biết hiện Nova FnB (công ty con của NovaGroup) đã vận hành tổng cộng khoảng 50 quán cà phê, nhà hàng tại TP.HCM cũng như tại các dự án trọng điểm của tập đoàn. Năm 2022, con số này sẽ tăng gấp 4 lần, tức đạt mốc 200 cửa hàng các loại cùng hơn 200 ki-ốt chuyên cà phê. Đến năm 2025, mục tiêu là có 500 cửa hàng, chưa tính các ki-ốt F&B trong chuỗi bán lẻ.
Đó là chưa kể những thương hiệu đã tham chiến trong "cuộc chiến" chuỗi cà phê nhiều năm qua như The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks. Các thương hiệu này cũng đang liên tục làm mới mình trong cuộc chiến chuỗi cà phê.
"Chúng tôi là một thương hiệu chọn dịch chuyển. Chúng tôi cắt giảm những thứ kém hiệu quả, chưa phù hợp để dồn nguồn lực cho sự đổi mới. Trong ngắn hạn, sẽ có nhiều đau thương, nhưng dài hạn sẽ có nguồn tăng trưởng cùng với sự trở lại của nguồn thu cũ", CEO The Coffee House Lê Bá Nam Anh đánh giá những thay đổi của hệ thống này sau cú sốc dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.