Tranh cãi về các vụ sát hại dân thường ở Bucha
Các lực lượng Nga đã rút khỏi các thị trấn ở phía bắc thủ đô Kiev vào tuần trước khi nước này chuyển hướng tấn công sang phía nam và phía đông của Ukraine.
Quân đội Ukraine sau đó đã lấy lại quyền kiểm soát các thị trấn bị tàn phá sau gần 6 tuần chiến tranh, bao gồm cả thị trấn Bucha, nơi chính quyền Kiev nói nhiều thường dân được phát hiện chết la liệt trên đường phố.
Những hình ảnh thương tâm về một ngôi mộ tập thể ở Bucha và những thi thể bị bắn ở cự ly gần đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào hôm thứ Hai 4/4.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền.
Tuy nhiên, về phần mình, Nga bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến các vụ sát hại dân thường ở Ukraine nói chung và ở Bucha nói riêng. Moscow tuyên bố, họ sẽ đưa ra "bằng chứng thực nghiệm" tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào hôm nay 5/4 để chứng minh các lực lượng Nga không liên quan đến việc sát hại dân thường Ukraine.
Trong bài phát biểu qua video vào sáng sớm 5/4, Tổng thống Zelensky cho biết, ông cũng sẽ phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào hôm nay và kêu gọi HĐBA mở cuộc điều tra về các vụ giết người ở Bucha.
"Và đây chỉ là một thị trấn. Một trong nhiều thị trấn Ukraine mà lực lượng Nga chiếm được", ông Zelensky nói.
Reuters nhìn thấy một số thi thể dường như bị bắn ở cự ly gần, cùng với các khu chôn cất tạm thời và một ngôi mộ tập thể ở Bucha, nhưng không thể xác minh độc lập số người chết hoặc ai là người chịu trách nhiệm cho thảm kịch này.
Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về Bucha và nhấn mạnh "Ukraine sẽ sử dụng tất cả các cơ chế sẵn có của Liên Hợp Quốc để thu thập bằng chứng và buộc Nga phải chịu trách nhiệm".
Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2, nhằm phi quân sự hóa và "phi phát xít hóa" Ukraine.
Các lực lượng Nga được cho là đã không đạt được các mục tiêu của họ và bị "sốc" trước sự kháng cự bất ngờ và quyết liệt của quân đội Ukraine, được trang bị các vũ khí chống tăng hiện đại của phương Tây.
Các đòn trừng phạt mới
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố hôm 4/4 rằng, Tổng thống Putin và những người ủng hộ ông sẽ "cảm nhận được hậu quả" của các sự kiện ở Bucha và các đồng minh phương Tây sẽ đồng ý giáng thêm các biện pháp trừng phạt nặng nề nhằm vào Moscow trong những ngày tới.
Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Jake Sullivan cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Moscow sẽ được công bố trong tuần này. Bộ Ngoại giao Mỹ đang hỗ trợ một nhóm công tố viên và chuyên gia quốc tế để thu thập và phân tích bằng chứng về hành vi của Nga ở Bucha.
Pháp và Đức cho biết họ đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, Liên minh châu Âu phải thảo luận về việc cấm khí đốt của Nga, mặc dù các quan chức khác kêu gọi thận trọng xung quanh các biện pháp có thể gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Nga cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt cho châu Âu và Tổng thống Putin đã cố gắng sử dụng năng lượng như một đòn bẩy để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, Moscow vẫn duy trì nguồn cung cấp khí đốt qua các tuyến đường ống quan trọng vào châu Âu, bất chấp các yêu cầu của ông Putin rằng, các nước mua khí đốt của Nga sẽ phải thanh toán bằng đồng rúp.
Trong khi đó, gói trừng phạt mới chống lại Nga của Liên minh châu Âu (EU) có khả năng hạn chế việc cho thuê máy bay và xuất nhập khẩu các sản phẩm như nhiên liệu máy bay, sản phẩm thép và hàng xa xỉ, hai nguồn tin am hiểu về các cuộc thảo luận cho biết, theo CNBC.
Tuy nhiên, khối vẫn chia rẽ về việc có nên mở rộng các lệnh trừng phạt đó đối với nhập khẩu năng lượng hay không.
Việc áp đặt lệnh cấm ngay lập tức đối với khí đốt, dầu mỏ hoặc thậm chí than đá của Nga đã là một chủ đề gây tranh cãi lớn trong nội bộ EU kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2. Trong khi một số quốc gia ủng hộ việc cấm năng lượng của Nga, nhiều quốc gia EU khác lại cho rằng họ quá phụ thuộc về năng lượng của Nga và các lệnh cấm năng lượng Nga sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế của chính họ nhiều hơn là của Moscow.
Nga đã tuyên bố sẽ đáp trả một cách tương xứng với đòn trừng phạt của phương Tây đồng thời "đóng cửa các đại sứ quán phương Tây" ở Nga, cựu Tổng thống Nga kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev tuyên bố.
Cuộc chiến lớn sắp diễn ra ở Đông Ukraine
Ukraine cho biết, họ đang chuẩn bị cho khả năng khoảng 60.000 quân dự bị Nga được triển khai đến tăng cường cho các cuộc tấn công vào phía đông Ukraine của các lực lượng Nga. Các mục tiêu chính của Nga tại mặt trận phía Đông của Ukraine bao gồm cảng Mariupol và Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine
Tại Mariupol, một thành phố ở đông nam Ukraine trên Biển Azov đã bị bao vây trong nhiều tuần, hình ảnh của Reuters cho thấy, ba thi thể mặc quần áo dân sự nằm trên đường phố.
Nga hôm nay 5/4 tuyên bố mở đường rút khỏi thành phố Mariupol và cam kết đảm bảo an toàn cho các đơn vị quân đội Ukraine nếu họ hạ vũ khí.
"Chúng tôi đề nghị các đơn vị quân đội chính quy Ukraine, lực lượng phòng thủ địa phương và lính đánh thuê nước ngoài tại Mariupol ngừng giao tranh từ 6h ngày 5/4 theo giờ Moscow (10h giờ Hà Nội). Họ có thể hạ vũ khí và sơ tán đến khu vực do Kiev kiểm soát theo những tuyến đường được thống nhất từ trước. Mạng sống của những người đầu hàng sẽ được bảo đảm", tướng Mikhail Mizintsev, chỉ huy Trung tâm Quản lý Phòng thủ Quốc gia Nga cho biết hôm qua.
Quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho biết các hành lang sơ tán tại thành phố Mariupol, đông nam Ukraine, sẽ được mở từ hôm nay vì mục đích nhân đạo, thêm rằng Moscow sẵn sàng bảo đảm hoạt động ra vào cảng miền nam Berdyansk của các tàu làm nhiệm vụ sơ tán dân thường theo quy định hàng hải quốc tế.
Quân đội Ukraine và các lực lượng phòng thủ tại Mariupol hiện chưa bình luận về tuyên bố trên của Nga.
Mariupol là thành phố chiến lược bên bờ biển Azov của Ukraine, án ngữ hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea đến khu vực Donbass ở miền đông nước này. Lực lượng Nga đã bao vây Mariupol từ đầu tháng 3, nhưng tới nay chưa kiểm soát hoàn toàn được thành phố.
Quân đội Nga gần đây rút khỏi khu vực ngoại ô Kiev và miền bắc Ukraine để dồn lực lượng tấn công miền đông và miền nam nước này. Giới chức Ukraine dự đoán các trận đánh lớn sẽ sớm nổ ra ở Donbass và các khu vực lân cận.
Ukraine cũng cho biết họ đã sơ tán hàng nghìn dân thường trong vài ngày qua khỏi Mariupol, nơi đang bị bao vây quân ly khai do Nga hậu thuẫn nhưng vẫn còn khoảng 130.000 người mắc kẹt bên trong thành phố này.