Đầu vụ điều năm nay, giá thu mua hạt điều tươi khoảng 28.000 đồng/kg. Từ giữa tháng 3, giá điều tươi giảm xuống còn 25.000-27.000 đồng/kg.
Nhưng đến thời điểm hiện tại giá điều tươi chỉ còn 20.000-21.000 đồng/kg. Giá điều giảm càng khiến người trồng điều lo lắng khi đang vào chính vụ thu hoạch.
Mùa mưa năm 2021 kết thúc trễ. So với các vụ điều trước, vụ điều năm nay đến trễ hơn 1 tháng so với định kỳ. Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4, một số vườn điều ở Bình Phước vẫn đang trong giai đoạn ra trái.
Trong vòng một tuần trở lại đây, nhiều cơn mưa xuất hiện, tiếp tục ảnh hưởng đến năng suất vườn điều. Người trồng điều đang đối mặt với tình trạng mất mùa mất giá.
Những năm trước, vườn điều 1,2ha của ông Hoàng Văn Tùng ở xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng) khi vào vụ, ngày nào cũng có 3-4 nhân công thu hoạch. Năm nay, cứ 3 ngày ông đi nhặt 1 lần. Và ông nhặt cả ngày cũng chỉ khoảng 50 kg hạt.
Ông Tùng dự tính vụ điều này sản lượng đạt khoảng 1 tấn, chỉ bằng 1/4 sản lượng so với mọi năm. Dù buồn bã vì mùa đều thất thu nhưng ông Tùng vẫn đặt niềm tin vào cây điều và động viên gia đình hi vọng ở niên vụ sau.
"Dù sao cây điều vẫn là cây chủ lực của tỉnh. Nếu không trồng điều thì cũng không biết trồng cây nào khác", ông Tùng nói.
Nhiều năm về trước, bài toán trồng - chặt đã làm đau đầu ngành chức năng cũng như nông dân. Mỗi khi mất mùa mất giá, nhiều nông dân tìm cây trồng khác để chuyển đổi. Cây điều cũng gặp cảnh tương tự.
Thế nhưng gần đây, nông dân tỉnh Bình Phước đã thận trọng hơn. Người trồng điều không còn nóng vội chạy theo xu hướng chặt trồng nữa mà tính kế lâu dài hơn.
Vụ thu hoạch năm nay dù chịu ảnh hưởng của thời tiết, nhiều nông dân trồng điều vẫn sẽ tiếp tục lựa chọn gắn bó đó với loại cây trồng này.
Ông Nguyễn Xuân Lộc ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng) có hơn 10ha đất, trong đó phân nửa là trồng điều. Phần diện tích còn lại, ông trồng các loại cây công nghiệp khác.
Ông Lộc cho biết, điều mất mùa là do thời tiết. Người trồng phải tìm cách khắc phục dần và chăm sóc tốt diện tích trồng hiện hữu để đảm bảo nguồn thu. Nếu cứ lẩn quẩn bài toán trồng - chặt thì không ổn tý nào.
Ông Hoàng Văn Tùng ở xã Long Bình (huyện Phú Riềng) cũng cho rằng, mất mùa này thì đầu tư chăm sóc lại, chờ vụ khác.
Khí hậu và thổ nhưỡng ở Bình Phước vốn thích hợp với cây điều. Chất lượng hạt điều cũng thơm ngon nổi tiếng. "Điều là cây lâu năm. Nếu chặt bỏ, trồng cây khác lại tốn kém mà chưa chắc đảm bảo thu nhập ổn định", ông Tùng nói.
Huyện Bù Gia Mập là vùng chuyên canh trồng điều lớn tỉnh Bình Phước, gần 25.300ha.
Ông Lê Quang Oanh - Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết, cùng với các loại cây công nghiệp khác, cây điều là cây trồng chủ lực của huyện Bù Gia Mập nói riêng cũng như tỉnh Bình Phước nói chung.
Tỉnh Bình Phước đã có những chiến lược cụ thể để phát triển ngành điều bền vững. Vùng nguyên liệu được định hướng xây dựng tập trung, chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất điều quy mô lớn. Đây là những yếu tố để nông dân có thể tin tưởng vào tương lai của cây điều.
Ngành nông nghiệp cũng đang tiến tới sản xuất nông nghiệp sạch và hữu cơ đối với cây điều, cũng như nhiều loại cây khác.
"Chúng tôi khuyến cáo bà con không nên chuyển đổi cây điều sang một số loại cây trồng khác theo kiểu chạy đua mùa vụ, hoặc không có giá trị cao. Việc này dễ ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân", ông Oanh nói.
Theo Cục Trồng Trọt, giai đoạn từ năm 2007-2015, diện tích điều của Việt Nam liên tục giảm từ 440.000ha xuống còn 290.400ha.
Từ năm 2016, diện tích điều có xu hướng phục hồi trở lại. Đến năm 2021, diện tích điều cả nước tăng lên 304.400ha.
Sở NNPTNT Bình Phước cho biết, từ năm 2016 đến nay, diện tích điều không giảm mà còn có xu hướng tăng lên; từ 137.000ha lên hơn 140.000ha.