Thu nhập khủng, video triệu view là có thật nhưng để đạt được con số đó, phía sau là không ít trầy trật… mà tiền kiếm được đôi khi phải có duyên, gặp thời.
Hay không bằng hên
Khoảng 3 năm trở lại đây, kiếm tiền từ việc sáng tạo nội dung video trên các mạng xã hội trở thành chủ đề hướng nghiệp được nhiều bạn trẻ quan tâm. Một cái điện thoại thông minh tầm trung để quay video, một tài khoản mail để tạo lập kênh YouTube cho riêng mình, ai cũng có thể trở thành YouTuber và kiếm tiền trực tuyến.
P.V.L. (sinh năm 1994, chủ kênh L.F.H trên nền tảng chia sẻ video YouTube) cho biết: “Tôi lập kênh vào tháng 7-2019, sau 1 tháng, kênh của tôi được bật chế độ kiếm tiền, tháng cao nhất thu nhập 200 triệu đồng, còn lại rơi vào từ 40 đến 50 triệu đồng mỗi tháng”.
Thống kê vào quý 3-2021 của SocialBlade (trang web theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội, có trụ sở tại Carolina, Mỹ), doanh thu mỗi năm của kênh YouTube L.F.H từ 17.000USD đến 272.000USD (khoảng 380 triệu đồng đến 6,2 tỷ đồng).
Thành công của kênh L.F.H chỉ có thể lý giải như chuyện gặp thời. Từ một anh chàng phụ hồ chân chất, bắt đầu bằng những video nói chuyện về một ngày đi làm, dần dần kênh thu hút người xem và theo dõi bởi cách nói chuyện thật thà, có duyên.
Cứ thế mà P.V.L. kiến tiền khủng mỗi tháng, dù từ chất lượng nội dung đến kỹ thuật quay mỗi video chỉ ở mức bình thường.
Để kiếm được tiền từ các nền tảng chia sẻ video, trước hết, kênh phải sở hữu 1.000 lượt theo dõi và lượng người xem đạt 4.000 giờ trong vòng một năm.
Con số tưởng chừng như cái chớp mắt trong thời buổi bùng nổ của mạng xã hội, nhưng thực tế thì tiền về phải có cái duyên. Giới nghệ sĩ có sẵn người hâm mộ, lập kênh YouTube rất dễ được 1.000 lượt theo dõi. Bây giờ, xu hướng trở thành YouTuber ồ ạt, ai cũng muốn nhảy vào kiếm tiền trên mạng nên việc kiếm tiền khó hơn.
“Các kênh YouTube sở hữu video vài chục ngàn lượt xem rất nhiều, như kênh của tôi có video gần 100.000 lượt xem nhưng không kiếm được tiền vì lượng người đăng ký theo dõi chỉ mới hơn 300. Nhiều kênh đầu tư từ nội dung đến kỹ thuật quay dựng nhưng chẳng mấy ăn thua; có kênh nội dung nhạt, thậm chí là nhảm, nhưng cứ ăn khách vì đánh đúng tâm lý tò mò của người xem. Hay không bằng hên là ở chỗ đó”, Võ Trọng Hiếu (30 tuổi, ngụ quận Bình Tân) chia sẻ.
Muốn nhanh thì phải từ từ
Theo thông tin cập nhật từ nền tảng chia sẻ video YouTube, tiền quảng cáo mà nền tảng này chi trả có sự chênh lệch khá nhiều tại những quốc gia khác nhau.
Với mỗi 1 đơn vị CPM (1.000 lượt xem), bạn sẽ nhận được từ YouTube khoảng 0,3-0,5USD. Nếu chia ra 1 view (lượt xem) thì xấp xỉ chỉ có 0,0003-0,0005USD/view. Nhiều YouTuber cùng chung nhận định, ở Việt Nam, cứ mỗi video đạt 1 triệu lượt xem thì YouTuber có thể kiếm được trung bình khoảng 5 triệu đồng.
“Kênh nào video chỉ tầm vài chục ngàn lượt xem, thì thu nhập mỗi tháng chỉ tầm vài triệu hoặc chục triệu đồng, vừa đủ để bù lại phần đầu tư làm video. Còn nếu coi việc làm YouTube như công việc chính, muốn kiếm tiền lâu dài thì phải chịu khó đầu tư. Làm video kiểu nhảm nhí hay câu view thì người ta chỉ coi được một thời gian rồi chán… Cái chính là biết sáng tạo nội dung phù hợp với số đông và bắt kịp các xu hướng xã hội. Nói dễ thì dễ, nhưng có được tiền cũng khó nhằn”, Nguyễn Phan Tuấn (28 tuổi, chủ một kênh ẩm thực đường phố ở TPHCM) chia sẻ.
Không chỉ YouTube, người trẻ kiếm tiền từ các nền tảng trực tuyến sở hữu vài tài khoản mạng xã hội là chuyện bình thường. Tiền không chỉ đến từ một nguồn, bởi phần lớn các mạng xã hội hiện tại đều từ nước ngoài và không phải nền tảng nào cũng chia sẻ tiền quảng cáo tại Việt Nam.
Đơn cử như mạng xã hội Facebook đã bật chế độ kiếm tiền quảng cáo từ video ở một số quốc gia, nhưng Việt Nam chưa có trong danh sách này. Hay TikTok hiện tại vẫn chưa chia sẻ tiền quảng cáo tại Việt Nam, người trẻ kiếm tiền từ việc làm video trên nền tảng này chủ yếu nhận hoa hồng cho việc quảng cáo sản phẩm từ các nhãn hàng.
Trong tương lai, để có thể xem việc kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội như một công việc chính, người trẻ không chỉ đầu tư nội dung sáng tạo, kỹ thuật quay dựng theo xu hướng đương thời mà còn phải biết tính chuyện lâu dài… Ăn thua còn ở sức trụ lại của mỗi người sau những làn sóng trào lưu đi qua.
“Hiện có quy định nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân từ các khoản thu nhập trên mạng xã hội nhưng vẫn chưa thực sự cụ thể, chủ yếu là người làm kênh YouTube tự nguyện khai và đóng thuế, nên ai muốn đóng thì đóng, còn không thì cũng chẳng mấy ai gọi tên, trừ khi có sự cố khui ra thì mới biết thôi”, Trọng Hiếu cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.