Clip: Quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo tại cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Hoài Châu (SN 1976, ở thôn 2, xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của ông Nguyễn Hoài Châu (SN 1976, ở thôn 2, xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) trong lúc ông Châu đang loay hoay trong phòng nuôi cấy, kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của nấm.
Phải tận mắt chứng kiến quy trình nuôi cấy khép kín trong điều kiện vô trùng ở đây, chúng tôi mới thấy chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cho mọi công sức đổ sông đổ bể.
Cơ sở sản xuất của ông Châu chỉ rộng chừng 300m2 nhưng được đầu tư khá khoa học, bài bản, từ phòng vô trùng nuôi cấy giống, đến nơi trồng, chế biến nấm… đều khép kín.
Bên trong mỗi phòng nuôi trồng, hàng nghìn hộp đông trùng hạ thảo đủ các độ tuổi được xếp ngay ngắn thành hàng trên các giá đỡ. Mùi hương thơm ngầy ngậy từ những hộp giá thể nuôi cấy lan tỏa khắp phòng.
Ngoài ra, ông cũng lắp đặt hệ thống đèn led và máy điều hòa để có thể chủ động trong việc cung cấp ánh sáng và nhiệt độ thích hợp cho nấm sinh trưởng và phát triển.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan quy trình sản xuất đông trùng hạ thảo, ông Châu vừa chậm rãi kể về cơ duyên của mình với loại dược liệu quý này. Trước đây, ông cũng từng trải qua nhiều công việc ở thành phố lớn trước khi quyết định về quê gắn bó với ruộng vườn.
"Năm 2012, bố tôi bị ốm, cơ thể bị suy nhược, tôi đã mua đông trùng hạ thảo về cho ông dùng thử. Sau một thời gian sử dụng, sức khỏe của bố tôi hồi phục rõ rệt. Qua tìm hiểu, tôi thấy đông trùng hạ thảo có tác dụng bồi bổ cơ thể, rất tốt đối với những người bị bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp… nên tôi đã nhen nhóm ý tưởng tự sản xuất ra loại dược liệu này", ông Châu nhớ lại.
Sau đó, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi thêm về quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo ở nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh. Từ đó giúp ông hiểu được chất lượng của sản phẩm cao hay thấp là phụ thuộc vào các yếu tố như: nguồn giống quý hiếm, công nghệ nuôi cấy an toàn và chuyên nghiệp, nguồn nguyên liệu hữu cơ tự nhiên…
Ông Châu cũng có dịp gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật với các giáo sư hàng đầu của Viện Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cuối cùng, sau nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã tìm ra được một quy trình nuôi cấy bài bản, một nguồn gen quý hiếm giúp cho ra sản phẩm có hàm lượng dược chất cao.
Đầu năm 2021, ông Châu đầu tư 2,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở, mua sắm máy móc và thiết bị hiện đại, bắt tay vào nhân nuôi đông trùng hạ thảo. Mặc dù đã nắm đầy đủ về kiến thức, song ông vẫn không khỏi lo lắng, hồi hộp theo dõi từng ngày đến mất ăn, mất ngủ.
"Việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi sự tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn chăm sóc kỹ lưỡng. Để một sản phẩm đông trùng hạ thảo đạt hiệu quả tốt cần phải có nguồn giống tốt, nguồn nguyên liệu hữu cơ và kỹ thuật cấy giống, kỹ thuật chăm sóc nghiêm ngặt trong môi trường sạch sẽ, vệ sinh.
Nuôi cấy đông trùng hạ thảo đã khó nhưng cho ra được loại có hàm lượng dược chất cao như trong tự nhiên lại còn khó hơn rất nhiều lần. May mắn là tôi đã thành công ngay trong lần đầu tiên, nấm phát triển rất tốt và cho ra được những sản phẩm chất lượng", ông Châu chia sẻ
Về quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, ông Châu cho biết, đầu tiên cần xử lý cơ chất ban đầu. Ông Châu sử dụng gạo lứt, bột nhộng, khoai tây và các loại vitamin theo tỷ lệ nhất định, sau đó xay nhuyễn, cho vào các hộp rồi đưa đi hấp ở nhiệt độ 121 độ trong thời gian 60 phút.
Sau đó, làm mát cơ chất rồi đưa đi cấy giống trong phòng vô trùng và nuôi tối khoảng 6 -7 ngày. Sau 1 tuần nuôi tối, giá thể được đưa lên phòng nuôi sáng để chiếu ánh sáng, tạo quả thể. Một vòng đời của nấm sẽ vào khoảng trên dưới 50 ngày thì có thể thu hoạch sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi.
Theo ông Châu, có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của nấm đó là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức 19 - 20 độ C, độ ẩm 75 – 80%, tỷ lệ chiếu sáng là 16 giờ/ngày được duy trì cho đến khi thu hoạch.
Mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất 500 – 1000 phôi nấm đông trùng hạ thảo tươi. Ông Châu cũng nghĩ ra nhiều cách để làm phong phú sản phẩm để đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng. Ngoài đông trùng hạ thảo tươi, ông đầu tư mua máy sấy thăng hoa để chế biến đông trùng hạ thảo khô, cao đông trùng hạ thảo…
Sản phẩm đông trùng hạ thảo được ông lấy tên thương mại SUKHA, đưa ra và được thị trường tiếp nhận với giá rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu nước ngoài và một số nơi trong nước.
"Cái tên SUKHA được tôi lấy cảm hứng từ tiếng Phạn có ý nghĩa là sự hạnh phúc, niềm vui. Bản thân tôi mong muốn sản phẩm mình cung cấp ra thị trường là sản phẩm chất lượng tốt, đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho người tiêu dùng", ông Châu chia sẻ về ý nghĩa tên sản phẩm.
Hiện tại, cơ sở sản xuất và kinh doanh đông trùng hạ thảo của ông mới chỉ phát triển kênh bán hàng online. Với giá bán 100.000 đồng/hộp tươi, 350.000 đồng/hộp khô 12,5g, sau khi trừ chi phí ông thu khoảng 30% lợi nhuận và tiếp tục quay vòng tái đầu tư.
Ông Châu nhận định, với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, đặc biệt trong thời điểm này, di chứng hậu Covid-19 đang diễn biến phức tạp, sản phẩm đông trùng hạ thảo của ông có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai.
Hiện cơ sở sản xuất của ông đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.
Dự kiến trong năm nay, ông Châu sẽ xây dựng thêm một cơ sở sản xuất khoảng 1000m2 để có đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường và hoàn thành thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình.