Vĩnh Long: Thứ nấm mọc lạ-món ăn thủa nghèo khó của nông dân nay lên hàng đặc sản, nhà giàu săn lùng

Thứ năm, ngày 22/07/2021 05:15 AM (GMT+7)
Nấm mối một thời là món ăn dân dã của nông dân. Qua thời gian, loại nấm này trở thành món ăn đặc sản, đôi khi có tiền chưa hẳn mua được.
Bình luận 0

 Trong ký ức của tôi, nấm mối gắn liền với tuổi thơ nghèo khó, ngày hè theo chân ba len lỏi vào những khu vườn tìm nấm mối. Những kỷ niệm đó giờ chỉ còn trong ký ức...

Vĩnh Long: Thứ nấm mọc lạ-món ăn thủa nghèo khó của nông dân nay  lên hàng đặc sản, nhà giàu săn lùng - Ảnh 1.

Nấm mối thường mọc nhiều trên đất gò lâu năm, dưới tán cây lớn, có bóng râm mát và nơi từng có những ụ gò mối.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với vùng quê, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi đó tôi còn là một đứa bé, nhưng đến tận bây giờ, trong tiềm thức vẫn nhớ mãi những lần được theo ba đi nhổ nấm mối đem về cho mẹ đổ bánh xèo hay xào nấu, trước là để cúng ông bà, sau là cả nhà cùng ăn Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âl).

Theo kinh nghiệm của ba tôi, nấm mối mọc nhiều trên đất gò lâu năm, dưới tán cây lớn, có bóng râm mát và nơi từng có những ụ gò mối với điều kiện vùng đất dưới tán cây đó không bị đào bới hoặc cày xới gì trong nhiều năm. 

Nấm mối có liên quan đến con mối. Cứ hễ nơi nào nấm mối mọc thì nhất định ở đó có mối sinh sống. Nấm mối thường mọc nhiều vào ban đêm, sau ngày mưa và trời có nắng.

Ngày trước, nấm mối mọc rất nhiều, “muốn nhổ được nấm mối ngon thì phải đi nhổ từ lúc 4-5 giờ sáng”- ba tôi nói. 

Song, mãi đến bây giờ tôi mới biết là: nấm mối chỉ mọc vào lúc gần sáng, tới khi mặt trời mọc thì nấm bung dù. Và đặc biệt, khi đi vào đêm khuya chỉ cần rọi đèn ra vườn tìm nấm sẽ rất dễ thấy vì nấm mối có khả năng bắt sáng và phát quang.

Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa nấm mối, độ 4 giờ rưỡi sáng, ba tôi lại cầm đèn pin đi một vòng mấy bụi tre xung quanh nhà, rồi quay về với một rổ đầy ắp nấm nhỏ, nấm to. Nhìn mấy cây nấm nằm ngổn ngang trong rổ, trong đầu đứa con nít như tôi thời đó lại nghĩ tới bao nhiêu là món ăn ngon lành, thơm phức mà mẹ sẽ nấu.

Có lần, cha con tôi nhổ được cả rổ đem về, cả nhà tôi mừng lắm vì hôm đó chắc chắn được thưởng thức món ngon từ nấm mối. Nhớ lại những ngày còn đầy khó khăn, bữa ăn gia đình theo kiểu “mùa nào món ấy”, khi có nấm mối mẹ tôi xào dừa ăn rất ngon. 

Một bữa cơm với nấm mối bỗng trở nên ngon lành hơn bất kỳ món ăn xa xỉ nào, vị ngọt lịm tan trong lưỡi rồi chạy xuống cổ, thấm từ từ, thấm dần vào tâm thức, rồi lưu lại thành ký ức.

Ngày xưa, nấm mối không khan hiếm như bây giờ, nhà nào nhổ được nhiều thì đem chia cho bà con lối xóm chứ không bán buôn gì, mà bán thì cũng chẳng ai mua. Còn bây giờ, nấm mối ngày càng ít đi, hiếm dần và trở thành đặc sản hiếm có theo mùa.

Hiện nay, nhiều người dân nông thôn nhổ nấm mối bán với giá khá cao (vài trăm ngàn đồng/kg). So với những năm trước, thì năm nay lượng nấm mối mọc tự nhiên ít hơn. 

Chúng tôi có dịp theo chân ông Huỳnh Phước An (xã Phú Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) len lỏi qua mấy khu vườn để tìm nấm mối và đã nhổ được khoảng 1,5kg. Cái cảm giác gặp được nấm mối với tôi nó lâng lâng khó tả, thật thích làm sao.

Vĩnh Long: Thứ nấm mọc lạ-món ăn thủa nghèo khó của nông dân nay  lên hàng đặc sản, nhà giàu săn lùng - Ảnh 3.

Món nấm mối xào ngọt lịm rất được nhiều người yêu thích.

Ông An nhẹ nhàng nhổ từng tay nấm một cách nâng niu để lấy cả gốc. Với ông An nấm mối là “một sản vật” và “chỉ nhổ để ăn và chia sẻ cho con cháu chứ không bán”.

Theo nhiều người có kinh nghiệm nhổ nấm mối, loại nấm này không phải ai cũng phát hiện, nhiều người nói vui rằng: ai “nặng bóng vía” là không thấy nấm mối. 

Thông thường, mấm mối mọc tự nhiên trong đất thịt và chỉ sinh sôi ở những khoảnh đất có gò cao, nơi có ổ mối trú ngụ. Nấm mối thường có vào đầu mùa mưa và chỉ kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân sông nước miền Tây loại đặc sản chỉ có thể tìm thấy trong tự nhiên đó là nấm mối. 

Phía sau nhà anh Nguyễn Văn Đông (xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) có khu vườn, năm nào cũng mọc nấm mối. Anh cho biết: Năm nay nấm mối mọc trễ. Mỗi năm, anh hái được 1- 2kg “chủ yếu để ăn thôi”.

Với hơn 1 công đất trồng thanh long, mấy năm trước anh Võ Văn Thu (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) nhổ được vài ký nấm mối, bán được hơn 2 triệu đồng, nhưng năm nay thì nấm mối ít hơn hẳn, chỉ được khoảng nửa ký. “Năm nay nấm mối hiếm, nhiều người quen hỏi đặt mua nhưng không có bán”- anh Thu nói.

Những người sành ăn nấm mối cho rằng: hương vị nấm mối miền Tây đặc sắc hơn nơi khác và không đâu ngọt bằng nấm mối tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long... Nấm mối miền Đông thường lớn gần gấp đôi nấm mối vườn ĐBSCL, phủ trên mình một màu nâu đỏ đất bazan, còn nấm mối miền Tây “khoác áo” màu xám bùn của đất phù sa.

Thụy Vũ (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem