Tại huyện Lục Ngạn, vải thiều là một trong những cây ăn quả chủ lực của tỉnh Bắc Giang với diện tích đạt gần 18.00ha. Đây được coi là "thủ phủ" vải thiều của cả miền Bắc. Trong những năm qua, cây vải thiều đã góp phần rất lớn vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của huyện.
Chia sẻ bí quyết chăm sóc để vườn vải thiều của gia đình sai trĩu quả, ông Tẩy Văn Bôn (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) cho biết: Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện và cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Supe Phốt phát và hoá chất Lâm Thao, gia đình tôi luôn tuân thủ bón phân Lâm Thao khép kín cho cây vải theo nguyên tắc "4 đúng". Đó là đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.
"Tùy từng độ tuổi của cây vải thiều và năng suất quả vừa thu hoạch, chúng tôi sẽ ước tính được lượng phân bón hợp lý. Bên cạnh đó, nhà vườn cũng cần cắt tỉa các cành tăm, sâu bệnh, dày xít trong tán để cây thông thoáng, tạo điều kiện cho các cành hoa chính phát triển tốt, giảm sự trú ngụ của sâu bệnh" - ông Bôn cho biết.
Ông Tẩy Văn Bôn tiết lộ thêm: "Hiện nay, gia đình tôi có 7ha trồng vải thiều, với 1.200 cây, đa phần cây đã trên 30 năm tuổi. Nhờ bón phân NPK-S Lâm Thao và chăm sóc tốt nên cây vải rất khỏe, năng suất cao, đạt gần 10 tấn/ha, trái to đều, mã đẹp".
Những ngày này, vườn vải thiều rộng hơn 3ha của gia đình chị Trần Thị Hương, thôn Lâm, xã Nam Dương (huyện Lục Ngạn) bắt đầu vào cùi, quả lớn nhanh từng ngày. Toàn bộ cây vải được chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
"Từ khi nắm chắc kỹ thuật canh tác, vườn vải của gia đình tôi năm nào cũng sai quả, dễ bán. Nếu thời tiết thuận lợi từ nay đến cuối vụ, sản lượng thu được ước gần 70 tấn quả", chị Hương chia sẻ.
Theo chị Hương, cốt lõi của việc áp dụng phương pháp này là phải tuân thủ những quy định khắt khe về bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn. Ngoài ra, cần thường xuyên dọn vệ sinh vườn, rắc vôi bột định kỳ để tránh phát sinh sâu bệnh, tỉa cành tạo tán. Với cách làm này, vải của gia đình chị luôn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tại Bắc Giang những ngày này, đâu đâu cũng thấy những vườn vải thiều xanh tốt, đang trong thời kì tạo quả non. Bà con cho biết, thời điểm vải thiều phân hoá mầm hoa, thời tiết có nhiều ngày lạnh sâu, cộng với việc sử dụng phân bón mới Supe lân vi sinh Lâm Thao nên những cây vải phân hoá mầm hoa mạnh, giúp vải ra hoa đạt tỷ lệ cao, hứa hẹn một vụ vải bội thu trong năm 2022.
Anh Vũ Nguyên Đức, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết: Chúng tôi trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP nên công tác chăm sóc cho cây vải đảm bảo áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật. Phân bón cho cây vải cũng phải tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.
"Những năm qua, chúng tôi luôn sử dụng phân bón của Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao để bón cho cây vải. Uy tín, chất lượng sản phẩm phân bón Lâm Thao đã được chứng minh thực tế, các cây vải đều cho năng suất cao, chất lượng vải tốt, mẫu mã đẹp.
Đặc biệt, từ đầu năm nay, chúng tôi sử dụng sản phẩm mới là Supe lân vi sinh Lâm Thao, kết quả cho thấy vườn vải thiều ra hoa đạt gần 100%. Nhiều vườn vải thiều khác của người dân xung quanh tỷ lệ ra hoa cũng cao hơn năm trước nên ai cũng phấn khởi" - anh Đức chia sẻ.
Cũng theo anh Đức, sử dụng phân bón mới Supe lân vi sinh còn giúp người trồng vải giảm lượng phân bón cần sử dụng từ 10 - 20% so với phân bón thông thường. Từ đó, tiết kiệm được chi phí do trong phân bón vi sinh có các chủng vi sinh vật, giúp chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong đất nhanh hơn, cây trồng tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, tăng tối đa hiệu suất sử dụng phân bón.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Chu Văn Hiểu - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, công ty tiêu thụ được gần 500 tấn Supe lân vi sinh của Lâm Thao. Mặc dù phân bón này mới đưa ra thị trường, song đã được bà con nông dân nhiệt tình đón nhận, đưa vào sử dụng.
"Nhiều năm qua, Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang là một trong những khách hàng tiêu thụ nhiều nhất sản phẩm phân bón của Lâm Thao. Là đại lý cấp 1 của Supe Lâm Thao, chúng tôi đánh giá cao về chất lượng các sản phẩm phân bón do công ty sản xuất, đặc biệt bà con nông dân rất tin tưởng. Supe Lâm Thao là 1 trong những lựa chọn hàng đầu của bà con khi chọn mua phân bón, nhất là cho cây vải thiều" - ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cho biết thêm, hiện Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang có khoảng 1.500 đại lý, phân bố tới tận cấp thôn, do đó bà con mua phân bón rất thuận tiện. Trung bình mỗi năm, công ty tiêu thụ khoảng 45.000 tấn phân bón Lâm Thao các loại.
So với hàng chục loại phân bón cùng phân khúc khác trên thị trường, bà con đánh giá rất cao phân bón Lâm Thao cả về chất lượng, giá cả, trong đó hàng Supe Lâm Thao được nông dân huyện Lục Ngạn tiêu thụ mạnh nhất.
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh sẽ duy trì sản xuất 18 mã số vùng trồng với diện tích 218ha; sản lượng 1.600 tấn để xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi yêu cầu cao như EU, Mỹ… Các diện tích vùng trồng này đã được Mỹ cấp mã số IRADS.
"Đối với sản phẩm mới Supe lân vi sinh, chúng tôi đã tiêu thụ hết ngay sau khi nhận hàng và đang tiếp tục có nhiều đơn đặt hàng mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng tiêu thụ hàng trăm tấn phân hữu cơ khoáng, điều đó cho thấy bà con nông dân ngày càng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nông sản.
Tuy nhiên, hiện nay các mặt hàng phân bón đều đang tăng giá do ảnh hưởng tình hình chung, trong khi giá bán nông sản thì bấp bênh. Vụ vải thiều 2022 dự báo được mùa, nhưng bà con trồng vải thì đang rất hoang mang lo lắng vì không biết sắp tới, giá vải như thế nào khi cửa khẩu Trung Quốc lúc đóng, lúc mở, dịch Covid-19 vẫn phức tạp. Đó cũng là lí do khiến năm nay, nhiều hộ giảm đầu tư chăm sóc cho vườn vải, giảm tiêu thụ phân bón" - ông Hiểu cho biết thêm.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2022, Bắc Giang có kế hoạch sản xuất vải với diện tích ổn định 28.300ha; sản lượng khoảng 160.000 tấn; trong đó vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400ha, sản lượng khoảng 112.900 tấn; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 82ha, sản lượng 1.000 tấn. Trong đó, sản lượng vải sớm khoảng trên 50.000 tấn; vải chính vụ 110.000 tấn.