"Ông lớn" ngành xuất khẩu ngao của Việt Nam tiết lộ vì sao "có bao nhiêu Mỹ, Nhật Bản đều mua hết"?
"Ông lớn" ngành xuất khẩu ngao của Việt Nam tiết lộ vì sao "có bao nhiêu Mỹ, Nhật Bản cũng mua hết" ?
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 08/04/2022 08:20 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, sản phẩm ngao của Việt Nam có tiềm năng cả về thị trường nội địa và xuất khẩu và "có bao nhiêu Mỹ, Nhật Bản cũng mua hết".
Vì sao ngao Việt "có bao nhiêu Mỹ, Nhật Bản đều mua hết"?
Ông Nguyên cho biết, giai đoạn 2019 đến 2021 là những năm hết sức khó khăn với Công ty của ông. Cuối năm 2019, ngao chết trên diện rộng từ Hải Phòng đến Thanh Hóa. Năm 2020 và 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, điều đặc biệt và có đôi chút "lạ lùng", dù khó khăn nhưng sau mỗi năm thì Công ty đều có sự tăng trưởng rất nhanh. Năm 2021 so với 2020 tăng trưởng từ 30 đến 35%.
Về xuất khẩu của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, năm 2020 đạt 11,8 triệu USD; 2021 đạt 14,5 triệu USD.
Đối với thị trường nội địa, năm 2020 đạt 33 tỷ đồng và năm 2021 tăng lên tới 49 tỷ đồng. Dự kiến 2022 là 70 tỷ đồng.
Ông Nguyên khẳng định, ngao của Việt Nam có tiềm năng rất lớn cả về thị trường nội địa và xuất khẩu.
Thế nhưng, ông Nguyên cho rằng, phát triển ngành nhuyễn thể của Việt Nam, trong đó có ngao vẫn chưa bền vững.
Hiện, thị trường xuất khẩu ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam 90% sang châu Âu. Và size ngao quanh quẩn 60, 80 và 100 con/kg, thậm chí 120-130 con/kg. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường này đòi hỏi ngao 40 - 60 con/kg.
Thị trường Mỹ, Nhật Bản đưa ra yêu cầu ngao size từ 20 - 40 con/kg. "Họ nói có bao nhiêu cũng mua hết. Nhưng chúng tôi không có đủ nguyên liệu là con ngao hoa", ông Nguyên cho biết.
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, EU vẫn là thị trường nhập khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 71%, tiếp đó là Mỹ 14% và Nhật Bản 3%.
Theo ông Nguyên, hiện nay, khách hàng yêu cầu ngao phải có chứng chỉ MSC và ASC. Về điều này, năm 2020, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã có chứng chỉ ASC cho Lerger Farm đối với 500 ha của các cơ sở nuôi ngao ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).
Tuy nhiên, năm 2019 ngao chết trên diện rộng nên cả năm 2020 bà con phải dọn sạch ngao chết trên bãi để năm 2021 bắt đầu thả giống ngao. "Đầu năm nay, chúng tôi mới có ngao size 80 - 100 con/kg. Chúng tôi cũng nói thật với khách hàng là chưa có ngao size 60 – 80 con/kg. Và vui mừng là chúng tôi đã có những đơn hàng đầu tiên".
Muốn ra thế giới...ngao Việt cần có "visa"
Ông Nguyên cho biết, các thị trường xuất khẩu ngao của Việt Nam yêu cầu khắt khe về chứng chỉ ASC và MSC. Bởi vậy, các cơ sở nuôi ngao trong nước rất cần thiết phải có sự đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn để có được những chứng chỉ này.
Bên cạnh ngao thì có các loài nhuyễn thể như: hàu, vẹm, tu hài…Nhưng ông Nguyên cho rằng: "Thành thực mà nói tôi đã xem xét tất cả các thị trường thì không ai hỏi mua con hàu, vẹm... Mặc dù có thể cung cấp ở thị trường trong nước, đem lại lợi nhuận nhất định nhưng nếu để phát triển ngành nhuyễn thể 2 mảnh vỏ một cách bền vững thì chúng ta phải nghĩ ngay đến giống mới để có sản lượng lớn hơn khi nhu cầu ngày càng tăng".
Ông Nguyên lấy ví dụ từ con ngao lụa. Nếu như trước đây xuất khẩu lớn cho nước ngoài và cho đến bây giờ vẫn có những khách hàng người Ý họ hỏi mua ngao lụa thịt với số lượng 4.000 tấn/năm, tương đương 30.000 tấn nguyên liệu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu cũng như chất lượng con giống bây giờ là một bài toán khó.
Theo VASEP, năm 2021, xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam đạt 141,6 triệu USD, tăng 35% so với năm 2020. Trong đó, nghêu là sản phẩm chủ lực, chiếm 73% với gần 103 triệu USD, tiếp đến là sản phẩm sò điệp, hàu...
Cụ thể, giá trị xuất khẩu nhuyễn thể 2 mảnh vỏ của Việt Nam năm 2021, vào thị trường EU đạt 88,7 triệu USD, Mỹ 17,9 triệu USD, Nhật Bản 3,4 triệu USD và một số thị trường khác ở châu Á 15 triệu USD.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến sản lượng ngao thấp được ông Nguyên chỉ ra, đó là, ngao ngày càng nhỏ, có dấu hiệu cận huyết và suy thoái giống. Nên phải cấp thiết xem lại nguồn con giống.
Thêm nữa, là hiện nay, bà con thấy nuôi ngao hiệu quả nên sản xuất ồ ạt. Tuy nhiên, lại thiếu đi quy trình nuôi. Thực tế cho thấy, bà con cảm thấy bãi nào nuôi được là nuôi, thiếu đi tìm hiểu xem bãi đó có nuôi được hay không, dẫn đến năng suất cũng khác nhau.
Một thực tế mà ông Nguyên chỉ ra, hiện nay, ở miền Bắc các bãi nuôi ngao đang bị bùn hóa, dẫn đến tỷ lệ cát và bùn nằm trong con ngao rất lớn. "Trước đây, nhà máy của chúng tôi chỉ mất 1 ngày là rửa sạch cát nhưng cũng với dây chuyền như vậy bây giờ phải mất 4-5 ngày mới làm sạch được bùn, cát, dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên", ông nói.
Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thành viên của Tập đoàn Lenger Seafoods, Hà Lan.
Ngày 22/11/2021, Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã xuất khẩu lô thịt ngao đóng hộp đầu tiên của Việt Nam sang Châu Âu.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết, container với 200.000 hộp thịt ngao (tương đương 2.000 tấn ngao nguyên liệu) được xuất đi trong ngày 22/11 này chỉ là lô đầu tiên trong tổng đơn hàng 10 container với 2 triệu hộp của Lenger Việt Nam xuất sang Châu Âu. 9 container còn lại sẽ được doanh nghiệp tiếp tục sản xuất và xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.