Clip: Điểm trường gieo ước mơ cho học sinh nghèo nơi vùng cao Tây Bắc
Những ngày đầu tháng 4, tiết trời ở vùng cao Tây Bắc bắt đầu bước vào mùa mưa, việc đi lại trở nên khó khăn hơn. Con đường gập ghềnh với những con dốc quanh co đưa chúng tôi đến điểm trường mầm non Púng Khoai thuộc Trường Mầm non Bình Minh (xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) sau 2 năm được khách thành.
Đây là điểm trường do Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phối hợp cùng Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) xây dựng.
Điểm trường gồm 2 phòng học, nhà vệ sinh, sân bê tông, bể chứa nước, 30m đường bê tông. Tổng kinh phí xây dựng hơn 600 triệu đồng.
Chúng tôi gặp lại cô Hà Thị Loa - giáo viên mầm non đã gắn bó với điểm trường Púng Khoai được gần chục năm nay. Đang trong giờ giải lao, cô Loa cùng các giáo viên ở điểm trường tranh thủ phân luống, xới đất, trồng, chăm sóc, cắt tỉa các loại hoa và rau xanh quanh ngôi trường. Ai nấy đều phấn khởi khi được dạy và sinh hoạt trong không gian kiên cố, có đủ các công trình phụ trợ.
"Có lớp học mới khang trang, an toàn cho các con đến lớp, không còn tình trạng bỏ trường, bỏ lớp. Hiện, giáo viên có thể ở lại lớp, không phải đi đi lại lại như trước" - cô Loa nói.
Nhớ lại những ngày đầu công tác tại Púng khoai, cô Loa kể: Trước đây lớp học được dựng lên bằng các tấm ván gỗ kết cùng tranh tre, mái thì được lợp bằng những tấm bằng tôn rất tạm bợ.
"Vào mùa khô thì không sao nhưng vào mùa mưa gặp gió lớn lớp học bị tốc hết mái. Mùa đông đến, gió lạnh về, gió lùa qua từng kẽ ván, cô trò cứ co ro trong lớp. Vì vậy, cô trò phải nhờ dân bản gia cố bằng các tấm bạt dày để hạn chế gió lùa vào. Mọi sinh hoạt nơi đây đều phải tự cung tự cấp là chính, do đường xá khó khăn, cách xa với trung tâm xã.
Các em học sinh không có không gian hoạt động nhiều, giáo viên dạy tại trường không có chỗ ăn ngủ, học sinh thường xuyên bỏ học, sáng đi chiều về nên vất vả, ngã xe nhiều vì đường gập ghềnh sỏi đá" - cô Loa nhớ lại.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sồng A Dê - Trưởng bản Púng Khoai cho biết: Bản 100% là dân tộc Mông. Người dân mưu sinh chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống vật chất rất khó khăn và thiếu thốn. Cả bản có 31 hộ thì cả 31 hộ đều là hộ nghèo. Chính vì những khó khăn như vậy, bản khó có thể có kinh phí đi tu sửa điện trường.
"Từ khi được Báo NTNN/Điện tử Dân Việt và Quỹ Thiện Tâm xây cho điểm trường này, bà con dân bản chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng. Con em chúng tôi có được lớp học mới, có nhiều điều kiện hơn, không phải học ở nhà tạm nữa. Có lớp học mới, bà con trong bản cũng không cho con bỏ học nữa"- Trưởng bản Sồng A Dê nói.
Anh Hoàng Văn Sơn, bản Púng Khoai, xã Chiềng Đông chia sẻ: "Gia đình tôi có 2 cháu đang học tại điểm trường, từ khi có lớp học mới, gia đình tôi rất yên tâm để con đến lớp. Các con đến lớp học cùng với các cô giáo, 2 vợ chồng tôi có thời gian đi làm".
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Khuất Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường MN Bình Minh cho biết, hiện tại, điểm trường có 1 giáo viên với 28 em học sinh.
Từ điểm trường Púng Khoai đến điểm trường chính khoảng hơn 22km đường núi nên việc đưa các em học sinh về học tại điểm trung tâm rất khó khăn.
Trước đây điểm trường, chỉ là những phòng học đơn sơ được dựng lên tạm bợ, thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất, không đủ điều kiện để thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Các em học sinh nơi đây phải học tập, vui chơi và phát triển dưới nền đất, đá gồ ghề.
"Nói là lớp học nhưng thực chất tất cả các phòng học đều đã bị xuống cấp trầm trọng, không đủ khả năng giữ ấm cho các em mỗi đợt gió mùa về. Điểm trường nằm xa trung tâm, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, khiến các thầy cô giáo và học sinh đều vất vả trong việc đến trường để gieo và tiếp nhận con chữ" cô Thanh nói.
Có được điểm trường mới, khang trang, kiên cố để tránh mưa tránh gió, nhất là tránh được cái lạnh cắt da cắt thịt nơi vùng cao Tây Bắc chính là mong ước của tất cả thầy cô giáo và học sinh nơi đây.
Giờ đây, điểm trường Púng Khoang được xây dựng khang trang, đầy đủ giúp các thầy cô yên tâm giảng dạy, các em yên tâm học tập và phát triển, nuôi dưỡng ước mơ của mình. Đồng thời góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.