Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,07% lên 95,3 USD/thùng vào lúc 6h56 (giờ Việt Nam) ngày 12/4. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 6 tăng 0,14% lên 99,41 USD/thùng.
Giá dầu ngày 11/4 đã giảm khoảng 4%, với dầu thô Brent giảm xuống dưới 100 USD/thùng do lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ làm giảm nhu cầu ở Trung Quốc (nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc được dự báo giảm khoảng 450.000 thùng/ngày) trong khi nguồn cung dư khi các thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) có kế hoạch giải phóng lượng dầu kỷ lục từ các kho dự trữ chiến lược của mình.
Thị trường bắt đầu “định giá” trở lại yếu tố nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm do tác động của dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Tương tự như giai đoạn tháng 08/2021, khi Trung Quốc mạnh tay áp dụng các lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch, kết hợp với thay đổi trong chính sách kinh tế, kiểm soát nợ và chuyển dịch trọng tâm trong chính sách kinh tế đã gây áp lực lớn đến triển vọng tăng trường của nước này. Thời điểm đó, chỉ số sản xuất lẫn doanh số bán lẻ suy yếu tại Trung Quốc và Mỹ đã khiến cho giá dầu rơi vào chuỗi giảm 7 phiên liên tiếp.
Hiện tại, với một loạt các thành phố lớn đang bị đặt dưới các lệnh hạn chế, mới nhất là Quảng Châu với 18 triệu dân đang tiến hành xét nghiệm toàn bộ 18 triệu dân, trong khi Thượng Hải vẫn chưa công bố khi nào kết thúc phong tỏa, giá dầu đang chịu áp lực lớn.
Đặc biệt, khi các dữ liệu kinh tế sáng nay của Trung Quốc cũng được đánh giá là tiêu cực hơn so với kỳ vọng. Chỉ số giá tiêu dùng CPI, biểu thị lạm phát đầu ra tăng 1,5% trong tháng 3, cao hơn so với kỳ vọng 1,2% trong khi Chỉ số giá Sản xuất PPI, đại diện chỉ lạm phát đầu vào tăng 8,3%, lớn hơn so với kỳ vọng 7,9%, bất chấp Trung Quốc chỉ mới thắt chặt các biện pháp phong tỏa từ cuối tháng trước, cho thấy áp lực lạm phát hiện tại là rất lớn.
Khi các thành phố cảng phía Đông, đầu tầu sản xuất lẫn tài chính của nước này hiện mới đang là “điểm nóng" trong đợt dịch năm nay. Khả năng cao, với các chỉ số tiếp theo về tài trợ vốn, cung tiền của Trung Quốc được công bố trong ngày mai, tiếp tục không cho thấy sự nới lỏng chính sách của chính phủ, sẽ là yếu tố khiến giá chính thức bước vào đà giảm, sau khi giằng co trong khoảng giao dịch tuần trước.
Về mặt kỹ thuật, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 05/2022 đã phá vỡ hỗ trợ tại vùng 97 USD/thùng, và đang "test" hỗ trợ vùng 95,5 USD/thùng. Nếu hỗ trợ bị phá vỡ, giá có thể thiết lập xu hướng giảm và đi xuống vùng 93 USD/thùng trong 1-2 phiên tới.
Trong nước, cập nhật đến ngày 11/4 của doanh nghiệp xăng dầu cho thấy, giá xăng RON95-III nhập trong 10 ngày qua trên 121,6 USD/thùng, xăng E5 RON92 trên 118,5 USD/thùng, dầu diesel 129,6 USD/thùng... Cả 3 sản phẩm này được dự báo giá bán lẻ ngày 12/4 (chưa tính quỹ bình ổn) giảm lần lượt 1.120 đồng/lít, 1.020 đồng/lít và 980 đồng/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore kỳ này giảm so với kỳ trước. Cụ thể, giá xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 trung bình là 120,36 USD/thùng, còn xăng RON95 là 123,76 USD/thùng. Trong khi bình quân giá xăng kỳ điều hành trước là 126,83 USD/thùng xăng RON92 và 130,55 USD/thùng xăng RON95.
Theo doanh nghiệp xăng dầu, kỳ này giá xăng có thể giảm từ 1.000 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 800 - 900 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu như kỳ điều hành trước thì giá xăng sẽ giảm ít hơn khoảng 800 - 900 đồng/lít. Như vậy, nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 3 liên tiếp, về quanh mức 26.000 - 27.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu hôm nay 12/4: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 12/4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.309 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 28.153 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.080 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.764 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.929 đồng/kg.