Mường Lạn là xã vùng biên, địa hình núi cao, kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là người làm nông nghiệp. Cây trồng chính ở xã là cây ngô, cây sắn và một số diện tích cây ăn quả ( xoài, nhãn, ổi ). Từ tháng 8/2021, trên địa bản xã đã chuyển đổi một số diện tích (51ha) để trồng cây gai xanh AP1.
Đến nay, đa phần diện tích trồng cây gai xanh tại xã đã sinh trưởng và phát triển tốt. Năm nay mưa sớm nên nhiều ruộng, cây đã cao 2,5m đến 3m, trung bình các ruộng có cây cao từ 1 - 1,2m, dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 5. Ước tính thu được từ 25 - 28 triệu/ha/lứa. Năm 2022, dự kiến thu được 4 lứa.
Đây là mô hình sản xuất tạo chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nông, nhà đầu tư và nhà máy sản xuất, có hiệu quả kinh tế lâu dài, mang đến việc làm thường xuyên, ổn định đời sống cho người nông dân.
Ưu điểm của cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 01 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng từ 8-10 năm, mỗi năm có 4 - 6 vụ; việc trồng và chế biến cây gai xanh sẽ mang lại thu nhập cao gấp 3 - 4 lần các loại cây truyền thống.
Trồng cây gai anh, còn giúp chống xói mòn, bảo vệ môi trường, tăng độ phì nhiêu cho đất. Cây gai xanh cũng là cây rất phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho sản phẩm chất lượng khá cao.
Đặc biệt, hiện nay, Công ty HTM Dragon Việt Nam là đối tác cung cấp nguyên liệu cho Công ty CP Đầu tư phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu An Phước đã xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất sợi dệt tại thôn Thuần Lương xã Cẩm Tú với công suất 10.000 cọc sợi/năm, tương ứng với đầu ra 1.700 tấn sợi/năm; bông gai 1.500 tấn/năm với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, giúp sản phẩm của bà con được phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Công ty HTM Dragon Việt Nam cũng chia sẻ các thông tin, chính sách đầu tư và hỗ trợ phát triển cây gai xanh AP1 đến các hộ nông dân tại xã Mường Lạn như: Chính sách đầu tư ứng trước cây giống gai xanh AP1, 100% phân bón; 50% giá trị máy tuốt vỏ gai.
Đối với cây giống gai công ty sẽ thu hồi trong 4 vụ, mỗi vụ thu 25% tổng giá trị của cây đã đầy tư và bắt đầu thu từ vụ thứ 2 đến vụ thứ 5. Đối với máy tuốt vỏ gai cũng sẽ thu hồi đều từ vụ thứ 4. Đơn giá thu mua ổn định, không lo hiện tượng được mùa mất giá như một số cây trồng khác.
Những chính sách này sẽ giúp bà con hiểu hơn về giống cây mới có hiệu quả kinh tế cao, từ đó quyết tâm chuyển đổi xu hướng cây trồng để phát triển kinh tế.
Cây gai xanh AP1 tỉnh Sơn La đưa vào làm cây trồng chủ lực trên địa bàn từ năm 2020.
Việc HTM Dragon vừa cung cấp giống, vừa hỗ trợ sản xuất, vừa thu mua 100% sản phẩm sau khi thu hoạch sẽ là cơ hội tạo nguồn thu ổn định và bền vững cho người nông dân xã Mường Lạn nói riêng và huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nói chung.