Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những quán cà phê hoài cổ, "vintage hay retro" theo phong cách Sài Gòn xưa.
Song, không kể đến những trường hợp chỉ đơn giản là khoác lên mình "chiếc áo xu hướng" đó, nếu muốn tìm một không gian Sài Gòn xưa chính hiệu, trưng bày hàng nghìn hiện vật đến mức xác lập kỷ lục Việt Nam, thì phải nhắc đến quán Lúa Sài Gòn.
Nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, quán cà phê Lúa Sài Gòn tưởng như chỉ gói gọn trong một diện tích nhỏ hẹp như khá nhiều không gian hoài cổ khác. Nhưng không.
Nơi đây có không gian sân vườn lẫn trong nhà, lại có phòng máy lạnh riêng, khá rộng rãi, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách.
Dù vậy, quán có phần hơi… bộn bề, bởi sự có mặt của vô số vật dụng được trưng bày. Cũng chính vì điều đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận Lúa Sài Gòn là "quán cà phê trưng bày các hiện vật tái hiện Sài Gòn xưa (trước năm 1975) nhiều nhất Việt Nam".
Chủ quán cà phê Lúa Sài Gòn là nhà sưu tập, kỷ lục gia Huỳnh Minh Hiệp. Từ ý tưởng của anh và Kim Tuyến - nữ diễn viên thủ vai Ba Trang trong bộ phim truyền hình Mộng phù hoa, quán đã ra đời.
Tại Lúa Sài Gòn có treo những bức ảnh của chủ quán cùng nữ diễn viên. Ngồi cạnh "cô Ba Trang" xinh đẹp, anh Hiệp trong trang phục bà ba, khăn rằn ra dáng "rặt" Nam Bộ.
Không chỉ đơn thuần là quán nước, đây còn là không gian trưng bày những hiện vật nhuốm màu thời gian mà anh Huỳnh Minh Hiệp đã dày công sưu tầm suốt gần 30 năm qua - gần 2.000 món đồ từ thập niên 1930 đến trước năm 1975, được sử dụng trong đời sống thường ngày của người Sài Gòn.
Là người công tác trong ngành di sản, đam mê, yêu thích lịch sử, văn hóa truyền thống, anh Hiệp đã bỏ công sức, thời gian lẫn tài chính để sưu tầm các món đồ này. Ban đầu là sưu tập tiền, sau anh dần mở rộng, tìm kiếm gần như tất cả mọi thứ.
Khi mở Lúa Sài Gòn, anh đem "thành quả" có được ấy đem trưng bày trong không gian quán, trở thành một nét đặc trưng, thu hút người Sài Gòn tìm đến quán cà phê độc lạ hiếm thấy.
Bước vào quán cà phê Lúa Sài Gòn, thời gian như ngừng lại. Chỉ đơn giản là nhìn những miếng gạch bông lót sàn ngay dưới chân, hay nhìn những bộ bàn ghế gỗ ngả màu được bày biện, đã gợi nhắc ngay một miền ký ức thuở nào.
"Lang thang" trong không gian quán, nhiều vị khách không ít lần thích thú khi tình cờ bắt gặp những vật dụng gắn với ký ức tuổi thơ, từng rất quen thuộc, nhưng cuộc sống xô bồ, hối hả đi qua nhanh quá, khiến nó "lẩn khuất" đâu mất, nay bất chợt ùa về.
Đó có thể là chiếc máy may của hãng Singer nổi tiếng một thời. Đó là cái gạc-măng-rê (garde-manger) xếp những chồng chén, dĩa từ gốm Lái Thiêu, Biên Hòa, cái chạn nơi mà lúc bé từng lục đồ ăn "má cất ở trỏng".
Đó là xe nước giải khát với máy bào đá, những chai nước ngọt Con Nai, Con Cọp… uống vào ngọt ngào, mát rượi. Đó là những chiếc xe PC, Suzuki M30, Motobecane Pony từng rong ruổi khắp các nẻo đường Sài Gòn.
Hoặc đó có thể là những vật dụng linh tinh như cục xà bông Cô Ba, hộp cờ domino Kim Cương, hộp chỉ máy may hiệu Gà Tây, dầu cù là Mac Phsu hiệu Con Công, lon sữa Guigoz… hay vô số vật dụng không tên khác.
Trên những bức tường của quán Lúa Sài Gòn cũng không thiếu những tranh ảnh, poster phim, tờ nhạc rời, bìa báo Xuân, tờ rơi quảng cáo, những tấm biển hiệu với nét chữ kẻ tay… Tất cả giúp tái hiện đời sống vật chất, tinh thần phong phú một thời của người Sài Gòn.
Ngay quầy pha chế nước uống của quán Lúa Sài Gòn cũng là không gian hoài niệm, với tủ đựng thuốc lá bằng gỗ, những chiếc thẩu thủy tinh có nắp nhựa đựng đầy quà vặt tuổi thơ như bánh men, bánh sâm-panh, bánh tai heo…
Tại quán Lúa Sài Gòn có phục vụ những món bánh này, cùng các thức uống quen thuộc khác như cà phê sữa đá, sâm dứa, si rô đá bào… với mức giá trung bình 40.000-50.000 đồng. Quán còn có các món ăn sáng, cơm trưa mang hương vị Nam Bộ. Lúa Sài Gòn mở cửa đón khách từ 7h sáng tới 22h đêm.
Giữa quán là dàn máy hát AKAI có từ mấy thập kỷ, ngang ngửa "tuổi đời" của chủ quán. Chúng tôi ngồi trong không gian sân vườn rợp bóng tre xanh, chợt nghe vang lên từ dàn máy hát ấy giọng ca Khánh Ly, cũng là "nữ hoàng chân đất" của một thời Sài Gòn. Chất giọng trầm dày ấy vẫn vang vọng giữa thành phố hôm nay, trong góc quán này.
Nhạc đang vọng tiếng Khánh Ly hát Gọi tên bốn mùa của Trịnh Công Sơn: "Em đứng lên gọi mưa vào hạ. Từng cơn mưa, từng cơn mưa. Từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà…". Ừ, nhỉ? Ngoài kia, mùa hạ đang về.