Đây không phải là lần đầu tiên Bảo hiểm Agribank điều chỉnh chính sách dành cho Bảo an tín dụng nhằm gia tăng quyền lợi cho khách hàng. Trước đó, nhiều nội dung quan trọng của sản phẩm này cũng đã được điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi cho khách hàng như: mở rộng phạm vi, đối tượng bảo hiểm; chia nhiều độ tuổi để áp dụng mức phí bảo hiểm phù hợp; thu hẹp các điều khoản loại trừ và giảm trừ...
Từ ngày 15/4/2022, Bảo hiểm Agribank đã nâng số tiền bảo hiểm tối đa từ 300 triệu đồng lên 500 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu của những khách hàng cần được bảo vệ nhiều hơn.
Không những thế, khi khách hàng tham Bảo hiểm Bảo an tín dụng của Bảo hiểm Agribank từ nay đến hết ngày 31/5/2022 sẽ có cơ hội trúng nhiều giải thưởng hấp dẫn từ Chương trình khuyến mại "Trao gửi tri ân - Hành trình gắn kết".
Được biết, sản phẩm Bảo an tín dụng được thiết kế chuyên biệt dành cho người dân vay vốn tại Agribank. Trường hợp người vay vốn được bảo hiểm không may gặp rủi ro ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng hoàn trả vốn vay, Bảo hiểm Agribank sẽ thay mặt người vay trả cho ngân hàng số tiền tương ứng dư nợ khoản vay (bao gồm cả lãi vay).
Trường hợp dư nợ hiện tại thấp hơn số tiền bảo hiểm chi trả thì phần chênh lệch giữa số tiền chi trả và dư nợ khoản vay sẽ được trả cho người được bảo hiểm/ người thụ hưởng còn lại.
Trong khi đó, người vay không tham gia bảo hiểm thường đối mặt với rất nhiều khó khăn khi gặp rủi ro: vừa phải trang trải các chi phí chữa trị và vừa phải trả nợ ngân hàng, kể cả trường hợp có tài sản đảm bảo thì thủ tục thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng cũng rất phức tạp. Trong một số trường hợp, đây cũng sẽ trở thành gánh nặng tài chính đối với các thành viên khác trong gia đình của người vay vốn.
Không chỉ san sẻ rủi ro cho người vay vốn và gia đình người vay vốn, hệ số tín nhiệm của người vay đối với hệ thống tín dụng đối với ngân hàng cũng được nâng cao khi tham gia bảo an tín dụng. Nhờ tham gia bảo hiểm bảo an tín dụng, người dân giảm bớt được gánh nặng nợ nần khi rủi ro xảy ra, hạn chế các vấn đề tiêu cực và mâu thuẫn trong cuộc sống.
Về phía đơn vị cho vay, khi người vay vốn có được sự bảo đảm tài chính từ gói bảo hiểm tham gia, các đơn vị cho vay vốn sẽ yên tâm và đẩy mạnh việc cấp vốn. Thông qua hoạt động chi trả bồi thường, giảm bớt nợ xấu, nguy cơ mất vốn của tổ chức tín dụng.
Chia sẻ với Dân Việt, ông Lê Đức Thực (Thái Bình) thừa nhận, Bảo an tín dụng là một trong những sản phẩm "hay" của bảo hiểm Agribank.
"Ví dụ như bản thân mình đứng tên một món tiền vay không đóng bảo hiểm, nếu như không may một lý do nào đó mất đi khả năng lao động, không có bảo hiểm hỗ trợ cho thì đương nhiên người thân trong gia đình phải chịu gánh nặng nợ nần. Ông chú ruột tôi vay vốn của Agribank Sơn Tây và cũng tham gia bảo hiểm. Đến khi mất vì ung thư, số tiền chi trả cũng vừa đủ để thanh toán khoản vay 100 triệu tại Agribank", ông Thực dẫn chứng.
Khi được hỏi về việc Bảo hiểm Agribank nâng số tiền bảo hiểm tối đa từ 300 triệu lên 500 triệu từ 15/4, ông Thực cho rằng đó cũng là tín hiệu tích cực cho cả ngân hàng và người vay vốn khi tham gia bảo hiểm.
Lấy dẫn chứng ngay từ bản thân, ông Thực cho biết tháng 2/2022 ông vay vốn tại Agribank để quy hoạch sản xuất theo mô hình "vườn – ao – chuồng". Ngoài vốn liếng tự có, số vốn mà ông Thực cần vay tại Agribank là 450 triệu đồng.
"Nhân viên tư vấn cho tôi tham gia bảo hiểm Bảo an tín dụng với số tiền bảo hiểm tối đa là 300 triệu. Nếu rủi ro xảy ra, dù áp lực tài chính cũng sẽ giảm đi phần nào nhưng ít nhất 150 triệu còn lại các thành viên trong gia đình vẫn phải gánh và nếu không trả được nợ lại thành nợ xấu, không thể tiếp tục vay vốn, ngân hàng cũng khó khăn trong thu hồi nợ. Thế nhưng, nếu như tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm tối đa là 500 triệu, phí đóng cao hơn nhưng đổi lại nếu rủi ro xảy ra, dư nợ tại ngân hàng có thể sẽ được Bảo hiểm Agribank thay gia đình chi trả hoàn toàn, người thân không còn phải lo lắng về số tiền còn nợ của ngân hàng. Rất nhiều bà con nông dân có nhu cầu được bảo vệ với mức trách nhiệm cao hơn", ông Thực chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính có hàng chục năm nghiên cứu trong lĩnh vực bảo hiểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng phải thừa nhận, những điều chỉnh của sản phẩm Bảo an tín dụng cho thấy bảo hiểm Agribank đang rất tích cực và nỗ lực vì bà con nông dân, vì nền nông nghiệp nước nhà.
Các nghiên cứu trước đây đã từng chỉ ra rằng, khi bà con nông dân ít được tiếp cận với bảo hiểm, những cú sốc rủi ro sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của họ sau khi chúng xảy ra, mà chúng còn ảnh hưởng đến các quyết định về sinh kế của họ. Hơn nữa, trong điều kiện không được bảo vệ thì kỳ vọng về những điều bất lợi có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hành vi của nông dân, khiến họ "rụt rè" trong đầu tư cho nông nghiệp.
Bên cạnh đó, những cú sốc tiêu cực có thể ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người nông dân và dẫn đến việc mất khả năng trả trợ đối với các khoản vay. Hệ quả là việc các tổ chức cho vay sẽ có xu hướng giảm thiểu cấp vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Theo thời gian, việc không thể tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài sẽ giới hạn khả năng mở rộng, đa dạng hóa và hiện đại hóa các hoạt động nông nghiệp của người nông dân.
Theo ông Thịnh: "Việc bà con nông dân được tạo điều kiện đối phó tốt hơn với những rủi ro trong sản xuất kinh doanh bằng công cụ bảo hiểm là điều cần thiết. Vừa cải thiện được thu nhập của người nông dân, vừa thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển bền vững".