Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, ông Sung Kim và phó của ông, Jung Pak, đã gặp các quan chức Hàn Quốc, bao gồm cả đặc phái viên hàng đầu về hạt nhân Noh Kyu-duk, sau khi đến Seoul vào đầu ngày 18/4. Chuyến thăm dự kiến kéo dài 5 ngày.
"Điều quan trọng nhất đối với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là gửi một tín hiệu rõ ràng tới CHDCND Triều Tiên rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận các cuộc thử nghiệm leo thang của nước này", ông Kim nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm với ông Noh.
Ông nói: "Chúng tôi đều nhất trí rằng cần phải duy trì khả năng răn đe chung mạnh nhất có thể trên bán đảo".
Ông Kim cũng cho biết các đồng minh sẽ "phản ứng một cách có trách nhiệm và dứt khoát trước các hành vi khiêu khích", đồng thời nhấn mạnh ông sẵn sàng can dự với Triều Tiên "ở bất kỳ đâu mà không cần bất kỳ điều kiện nào".
Ông Kim được cho là sẽ gặp chính quyền của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol, người sẽ nhậm chức vào tháng 5, trong chuyến thăm này.
Người phát ngôn cho biết chưa có cuộc gặp nào được xác nhận giữa ông Yoon và ông Kim, nhưng ứng viên ngoại giao của ông Yoon, Park Jin, cho biết ông đã lên kế hoạch gặp ông Kim. Ông Sung Kim cũng nói trong cuộc nói chuyện với ông Noh rằng Washington mong muốn được hợp tác chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống Yoon.
Sự xuất hiện của ông Kim trùng với thời điểm bắt đầu cuộc diễn tập quân sự chung kéo dài 9 ngày của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Cuộc tập trận bao gồm "huấn luyện sở chỉ huy phòng thủ sử dụng mô phỏng máy tính" và sẽ không liên quan đến các cuộc diễn tập thực địa của quân đội, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết hôm 17/4.
Triều Tiên cáo buộc các cuộc tập trận chung này là diễn tập cho chiến tranh. Các cuộc tập trận đã được thu hẹp lại trong những năm gần đây trong bối cảnh nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng, đồng thời cũng bởi các hạn chế do Covid-19.
Hôm 16/4, Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa thành công, truyền thông nhà nước cho rằng vụ thử tên lửa liên quan đến việc chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Đặc phái viên Mỹ nhiều lần đề nghị kết nối lại với Triều Tiên, nhưng Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn bác bỏ đề xuất này, với lý do Washington duy trì các chính sách thù địch như nhiều biện pháp trừng phạt lẫn tổ chức các cuộc tập trận.