Được Hội nông dân huyện Đạ Tẻh giới thiệu một mô hình khởi nghiệp mới của người dân địa phương với loài rắn ráo trâu, phóng viên khá bất ngờ người nuôi rắn này lại là người đàn ông đam mê và có nhiều thăng trầm với thời gian trồng lan giả hạc đột biến.
Hiện tại anh Thư vẫn đang chăm sóc và có thu nhập được từ phong lan. Ngoài ra, anh Thư cùng vợ là chị Tô Thị Cúc vẫn nuôi hàng ngàn con rắn ráo trâu trong trang trại hàng ngàn mét vuông.
Dẫn phóng viên tham quan khu vực nuôi rắn ráo trâu của gia đình mình, anh Nguyễn Văn Thư chia sẻ: "Năm 2016, tôi bắt đầu chơi phong lan, nhưng chủ yếu là các loại phong lan bình dân, giá rẻ. Thế nhưng, khi các loại phong lan đột biến như 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hiển Oanh, 5 cánh trắng Hồng Yên Thủy có giá thì tôi đã bàn với vợ mua một cây về để chăm thử...".
Theo lời anh Thư kể vợ anh nghe chuyện cũng đồng ý nên anh quyết định vay lãi 25 triệu đồng để mua 1 cây lan giả hạc đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ về chăm. 4 tháng sau anh bán được hơn 100 triệu đồng. Trả hết nợ rồi anh bắt đầu đầu tư thêm các loại lan giả hạc đột biến khác để kiếm thêm thu nhập.
Thế nhưng, xác định được mặt hàng nào cũng đến ngưỡng của nó, kể cả hoa lan đột biến, giá lên cao đến đỉnh rồi chắc chắn sẽ bị hãm lại. Vậy là tháng 4/2021, gia đình anh Thư bắt đầu đầu tư thêm nuôi rắn ráo trâu...
Vì có người anh em bên ngoại nuôi rắn ráo trâu ở phía Bắc nên anh Thư đã mạnh dạn làm 100 chuồng nuôi vào tháng 4/2021. Sau đó, anh Thư tiếp tục mua 1.000 quả trứng rắn ráo trâu với giá 25 triệu đồng về ấp. Sau khoảng 3 tháng, trứng rắn nở anh Thư tiếp tục đưa rắn vào chuồng gỗ đã làm trước đó để chăm sóc.
Ban đầu, vợ chồng anh nuôi rắn khá khó khăn. Vì rắn ráo trâu là loại động vật hoang dã, chúng săn các loại động vật còn sống để ăn. Chính vì vậy, vào ban đêm vợ chồng anh phải đi bắt ếch, nhái, cóc để cho rắn ăn. Nhưng việc làm này không được lâu vì ếch, nhái bắt lâu ngày cũng hết.
"Chính vì vậy, gia đình tôi phải đến các lò ấp trứng mua vịt, gà con thải loại về để làm thức ăn cho rắn. Rất may, rắn cũng chịu ăn mồi và phát triển mạnh. Hiện, trong trang trại của tôi có khoảng 500 con rắn bố mẹ đang đẻ trứng, rắn thương phẩm là 1.000 con. Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ chọn lựa những con rắn ráo trâu đủ tiêu chuẩn để tăng số lượng rắn bố mẹ lên 1.000 con", anh Thư tâm sự.
Với 1.000 con rắn thương phẩm, tương đương 1,5 tấn rắn anh Thư hiện đang bán rắn với giá từ 400-450 ngàn đồng/kg. Rắn giống được bán từ 150.000 - 200.000 đồng/con tùy vào độ lớn của rắn.
Theo anh Thư, hiện nay rắn thương phẩm chủ yếu xuất bán đi Trung Quốc và các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, giá bán rắn cũng phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc, thời điểm này năm ngoái, anh Thư bán rắn được với giá 650.000 đồng/kg.
"Hiện nay, nhu cầu về thịt rắn của các nhà hàng, quán nhậu đang tăng lên cao và dần ổn định. Chính vì vậy, hiện vợ chồng tôi đang mở rộng thêm chuồng trại để tăng đàn rắn lên. Việc nuôi rắn ráo trâu không khó, người nuôi phải kiên trì và dọn dẹp sạch sẽ chuồng trại cho rắn. Rắn ráo trâu thường bị bệnh đường ruột và viêm phổi. Để khắc phục hai bệnh trên, tôi thường cho chúng uống men tiêu hóa chống tiêu chảy và ăn ít lại so với những ngày thường", anh Thư chia sẻ.
Chị Cúc, vợ anh Thư tiếp lời: "Ban đầu vợ chồng tôi nuôi rắn ráo trâu, do chưa nắm vững các kỹ thuật nên tổng đàn liên tục bị hao hụt, đầu ra thì chưa ổn định. Vì vậy, đã có lần toan bỏ làm việc khác. Nhưng vì chồng tôi động viên kiên trì tiếp tục tìm hiểu, nâng cao kỹ thuật nuôi rắn cho đến bây giờ. Chỉ sau khoảng 5 tháng nuôi lứa rắn đầu tiên, vợ chồng tôi đã bán được khoảng 40 triệu đồng".
Đại diện Hội Nông dân huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình anh Thư tuy còn mới nhưng đã mang lại kết quả khả quan sau khoảng 1 năm thử nghiệm. Theo dõi quá trình sinh trưởng của rắn cho thấy rắn ráo trâu sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu tại huyện Đạ Tẻh. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ rắn ráo trâu cũng ổn định nên địa phương đã hỗ trợ làm mô hình điểm để người dân trong huyện tham quan học hỏi.