Thao túng chứng khoán đang là câu chuyện nóng nhất trên mọi diễn đàn, khi tối qua (20/4), Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt (TVB), Công ty cổ phần Louis Holdings, Công ty cổ phần Louis Capital, Công ty cổ phần Louis Land và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 cá nhân, gồm: Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty cổ phần Louis Holdings, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Louis Capital, Công ty cổ phần Louis Land; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc Hành chính Công ty cổ phần Louis Holding; Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt; và Lê Thị Thùy Liên, nhân viên dịch vụ tài chính Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt, về tội "thao túng thị trường chứng khoán", theo quy định tại điều 211 bộ luật Hình sự.
Theo C03, trong thời gian từ ngày 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Louis Capital, Công ty cổ phần Louis Land, thông đồng với ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt, và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Cùng tội danh thao túng chứng khoán, trước đó, ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố, bắt giam Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Tiếp đó, bà Hương Trần Kiều Dung - phó chủ tịch hội đồng quản trị, cựu tổng giám đốc tập đoàn FLC và Nguyễn Quỳnh Anh - tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán BOS cùng 2 em gái ruột của Trịnh Văn Quyết là Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thuý Nga cũng bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra hành vi giúp sức cho Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán.
Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022 - phiên mà chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
Theo đó, ông Quyết đã vẽ ra một "kịch bản" khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để "lùa gà" nhiều nhà đầu tư rồi "úp sọt" bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Cụ thể, ông Quyết chỉ đạo các cá nhân có quan hệ gia đình hoặc thân thiết điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS (Công ty CK BOS) và các công ty con, công ty vệ tinh sử dụng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán với tần suất lớn, nhằm tạo ra cung, cầu giả.
Mục đích là đẩy giá chứng khoán FLC từ 14.650 đồng/cổ phiếu ngày 1.12.2021 lên giá "trần" cao nhất 24.050 đồng/cổ phiếu (trung bình là 22.586 đồng/cổ phiếu, tăng 64%). Sau đó, ông Quyết giao cho người thân trong gia đình đặt lệnh bán 175 triệu cổ phiếu FLC và đã khớp lệnh bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC với giá 22.586/cổ phiếu, nhưng không công bố thông tin trước khi giao dịch chứng khoán, với số tiền 1.689 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền khoảng 530 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng nhận định ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan vụ thao túng thị trường chứng khoán, che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vụ việc đang được các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây là vụ thao túng giá có tầm ảnh hưởng rộng nhất và gây rúng động lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 22 năm hoạt động đến nay.
Nghị định 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ định nghĩa, thao túng thị trường chứng khoán là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi như sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.
Hai, đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.
Ba, liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.
Bốn, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.
Năm, đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.
Sáu, sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.