Rau ngót rừng có 2 loại, đó là rau ngót thân leo và thân gỗ. Trong đó, về giá trị, rau ngót thân gỗ hơn hẳn với rau ngót thân leo, vì rau ngót thân gỗ thu hoạch cả lá non và hoa, còn rau ngót thân leo chỉ thu hoạch lá non.
Cách chế biến, rau ngót rừng ngắt lá nấu thả canh hoặc nấu canh đậu trắng, thịt băm. Rau ngót rừng ăn rất ngọt, thanh nhẹ, cung cấp can xi, chất sắt cho cơ thể.
Rau dạ hiến (bò khai) có loại ngọn xanh và đỏ tía, sinh trưởng gần núi đá ẩm mát. Rau hái ngọn non có mùi thơm hơi hắc nhẹ, xào với thịt bò, trứng, phở tươi sẽ thơm dậy mùi.
Theo dân gian, rau dạ hiến ăn vào tốt cho thận, tăng cường đạm thực vật cho cơ thể.
Rau dớn là cây họ dương xỉ, sinh trưởng nơi ẩm gần khe núi, khe suối. Rau hái từ ngọn non, thân ống mềm, giàu dinh dưỡng.
Cách chế biến, rau dớn luộc qua, vớt ra rồi trộn với nước dấm, đường, lạc thành món nộm, hoặc xào với măng chua ăn rất ngon. Rau dớn ăn vào cải thiện thoái hóa đốt sống lưng.
Rau thau ca (tiếng Tày) là cây thân dây leo, có tay cuộn mọc gần bờ suối. Rau thau ca hái lá và ngọn non đem xào với mỡ lợn cho thêm chút nước để rau không bị dai quắt, xào xong ăn hơi đắng và bùi. Theo dân gian, rau thau ca ăn vào rất tốt cho tim mạch và làm sạch thành mạch.
Rau ngải là loại thân thảo mọc gần bờ ruộng, nương, bãi ẩm dưới chân núi. Mùa xuân vào tháng 1 - 2 âm lịch, cây mọc ngọn non, bà con hái về nấu ăn. Rau ngải rửa sạch, vò nát nấu canh xương, thịt băm hay rau ngải giã nhỏ trộn với bột nếp làm bánh dày, bánh rán lá ngải. Rau ngải ăn vị hơi nồng, đắng mát, tốt cho xương khớp, ôn tỳ, nhuận tiêu hóa.
Vào mùa xuân, cây sau sau-một loại rau rừng đặc sản khác ở Cao Bằng đâm chồi non màu đỏ tím biếc, bà con hái ngọn non về ăn sống chấm với mẻ trưng. Chồi lá cây sau sau ăn vào tốt cho đường ruột.
Củ mài là củ thân cọc đâm sâu dưới lòng đất, sinh trưởng trên núi cao nên có chất bột, nhiều chất nhầy dạng collagen tự nhiên. Cách chế biến, củ mài nấu canh xương, chè củ mài, cháo củ mài ăn rất tốt cho xương cốt, tinh tủy.
Rau diền toòng (lá non cây giảo cổ lam) mọc ở hốc đá ẩm mùa xuân sinh trưởng tốt. Người dân hái lá non nấu canh thịt băm, canh xương, ăn có vị đắng thanh nhẹ, bùi, rất tốt cho tim mạch.
Măng rừng có nhiều loại: măng vầu, măng nứa… mọc gần khe rừng có độ ẩm cao. Măng hái về luộc qua cho bớt hăng, sau đó đem xào với thịt bò, lá mác mật, tía tô, rau mùi... Ăn măng có tác dụng làm sạch mỡ máu, người bị đau xương cốt, dạ dày không nên ăn.
Món ăn từ trứng kiến rất hấp dẫn, có thể làm bánh trứng kiến ăn có mùi thơm, ngậy; nấu cháo trứng kiến sánh và thơm bởi độ đạm cao dùng để bồi bổ cơ thể rất tốt.