Cao Bằng: "Hái" ra tiền từ bóc vỏ cây kỳ lạ này đem nấu thành thứ giấy vừa dai vừa bền

Chiến Hoàng Chủ nhật, ngày 13/09/2020 06:05 AM (GMT+7)
Những khi nông nhàn, các hộ dân ở Lủng Quang (thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) lại chặt cây Năng Sla lấy vỏ đun, giã để làm ra những tấm giấy bản dai, chắc, bền, đẹp. Cũng không biết từ khi nào, nghề làm giấy bản đã thành nghề "hái ra tiền" của những người nông dân ở Lủng Quang này.
Bình luận 0

CLIP: Nghề làm giấy bản ở thị trấn Thông Nông (Hà Quảng, Cao Bằng).

12h trưa, trời nắng như đổ lửa, con đường nhựa mảnh tựa tấm khăn voan bốc hơi nghi ngút sau trận mưa rào. Chúng tôi có cảm giác như đang đi trên một cung đường lửa. Ấy vậy mà chớm chạm địa phận Lủng Quang (tổ dân phố 6, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, Cao Bằng), đã như thể trời xanh thắp gió, lùa sương. Nắng vẫn nắng mà mát đến lạ lùng.

Cao Bằng: Chặt cây, bóc vỏ.... hái ra tiền nhờ nghề ông cha để lại - Ảnh 2.

Những cây Năng Sla chụm tán vào nhau dọc hai bên đường tới Lủng Quảng.

Cô bạn đi cùng tôi bảo, nhìn xem, những cây Năng Sla (Vỏ dưỡng) đang chụm đầu thì thầm hai bên lối đi kìa. Đúng vậy, cả một đoạn đường dễ chừng đến 2km, những cây Năng Sla xanh ngắt chụm tán vào nhau che bóng lối vào. Lủng Quang trở nên thơ mộng bắt đầu từ chính cung đường này.

Đang giữa trưa, các hộ xung quanh cửa nhà đã đóng, nhưng ông Hứa Ngọc Hội vẫn nhiệt tình đón khách đường xa. Những tờ giấy bản tinh khôi nằm trên vách lò như biết nói, gió từ đại ngàn tràn xuống lòng thung mang theo những thanh âm của núi, của những cây Năng Sla và lời cha ông người Nùng Lủng Quang dặn lại về việc giữ nghề.

Cao Bằng: Chặt cây, bóc vỏ.... hái ra tiền nhờ nghề ông cha để lại - Ảnh 3.

Ông Hứa Ngọc Hội (tổ dân phố 6, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng) thoăn thoắt đưa tay tách những tờ giấy bản đem phơi.

Cầm trên tay tờ giấy bản, ông Hội cho biết, dân Lủng Quang này gần như nhà nào cũng theo nghề cổ truyền do cha ông truyền lại, đó là nghề làm giấy bản. Cây Năng Sla, nguyên liệu làm giấy bản ở đây nhiều lắm.

"Chúng tôi làm vì giữ nghề, vì sự hiếu kính, và làm vì... không biết làm nghề gì khác. Hiện nay nghề này cũng cho thu nhập khá mà lại làm được quanh năm, suốt tháng", ông Hội cho hay.

Từ khu vực làm giấy của gia đình ông Hội phóng tầm mắt ra bốn xung quanh, đâu cũng chạm màu xanh ngắt của cây Năng Sla, đâu cũng chạm những con người thuần nông chăm chỉ, khéo cấy trồng, gặt hái và giỏi nghề làm giấy bản.

Cao Bằng: Chặt cây, bóc vỏ.... hái ra tiền nhờ nghề ông cha để lại - Ảnh 4.

Công đoạn đun nấu vỏ cây Năng Sla để làm giấy bản.

Cao Bằng: Chặt cây, bóc vỏ.... hái ra tiền nhờ nghề ông cha để lại - Ảnh 5.

Công đoạn vớt giấy cần có đôi bàn tay khéo léo để ra được những tờ giấy bản tinh khôi, dai, chắc.

Ông Hội bảo, trước kia, người dân làm giấy bản chủ yếu vào những lúc nông nhàn, còn bây giờ nghề làm giấy bản ở Lủng Quang đã thành nghề chính rồi.

Theo ông Hội, làm giấy bản có rất nhiều công đoạn, tuy nhiên cũng không phải quá khó. Thông thường, từ công đoạn chặt cây, bóc vỏ ngâm vôi, đun, giã, lọc vớt… đến khi ra thành phẩm sẽ mất tầm một phiên (bà con nơi đây tính theo phiên chợ, một phiên là 5 ngày – PV).

"Trung bình mỗi mẻ cho ra được khoảng 6.000 tấm giấy bản. Giấy bản được làm từ cây Năng Sla cho độ bền đẹp và đặc biệt rất dai. Nếu cầm xé không đúng chiều sẽ chẳng thể nào làm rách dù có khỏe tay đến mấy.

Hiện, giấy bản đổ mối có giá 600 đồng/tờ. Năm nay, do dịch Covid-19 nên giấy bán chậm, thương lái ít lên và thương lái nước bạn không sang nên cũng có chút khó khăn cho đầu ra", ông Hội chia sẻ.

Cao Bằng: Chặt cây, bóc vỏ.... hái ra tiền nhờ nghề ông cha để lại - Ảnh 6.

Sau khi vớt lên, giấy bản được ép nước, đem phơi khô và bán ra thị trường.

Anh Nông Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hà Quảng cho biết, nghề làm giấy bản là nghề đã có từ xa xưa, ở Lủng Quang gần như 100% người dân thực hành nghề làm giấy. Cây Năng Sla - nguyên liệu làm giấy bản rất sẵn dù chưa được quy hoạch thành vùng. Tuy nhiên hiện nay, người làm giấy bản ở Lủng Quang cũng đang gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bà Nông Thị Tuyết Mai - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thông Nông cho biết, hiện nay, bà con làm tự phát là chủ yếu, chúng tôi đang có kế hoạch vận động bà con xây dựng tổ hợp tác, tạo nhãn hiệu để quảng bá sản phẩm.

"Đây là nghề cổ truyền rất cần được gìn giữ và phát huy. Về cơ bản, giấy do bà con làm ra vẫn đang có thị trường tốt. Nếu đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để quảng bá ra thị trường, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi cho bà con làm giấy ở Lủng Quang này", Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thông Nông khẳng định.

"Nghề làm giấy bản ở thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Hiện nay sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên làm giấy bản tại Lủng Quang, về phương thức sản xuất còn lạc hậu. Chúng tôi cũng đã đề xuất đầu tư thiết bị máy móc để thay đổi phương thức sản xuất và hướng tới thành lập các tổ hợp tác".

(Ông Triệu Lưu Cương - Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế - xã hội, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem