Dân Việt

"Nóng" vụ Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng, sếp ngân hàng bị cổ đông "chất vấn"

Huyền Anh 22/04/2022 07:55 GMT+7
Cho vay đối với lĩnh vực bất động sản luôn là một trong những vấn đề cổ đông ngân hàng chất vấn trong các mùa đại hội cổ đông. Điểm mới lạ trong mùa ĐHĐCĐ năm nay là việc các cổ đông muốn làm rõ quan hệ của ngân hàng với các vụ việc liên quan tới Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng.

Vụ Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng và chất vấn HĐQT ngân hàng của các cổ đông

Tại đại hội thường niên ngày 20/4 của Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB), một nhà đầu tư đặt câu hỏi: Thời gian qua, vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng đã tác động tiêu cực đến một số ngân hàng và tổ chức tín dụng. Vậy liệu ABBank có liên quan gì tới 2 đơn vị này không, là điều mà cổ đông ngân hàng này quan tâm và chất vấn. 

Trả lời cổ đông, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank - khẳng định ở thời điểm hiện tại, ngân hàng không có khoản cho vay nào liên quan đến hai vụ việc trên.

"Bản thân ABBank cũng có quan hệ với ông Trịnh Văn Quyết khi phát triển chi nhánh Thanh Hóa. Đây là nhu cầu nội tại của doanh nghiệp khi phát triển, nhưng việc thẩm định thì không phù hợp. ABBank không có món vay nào liên quan đến doanh nghiệp của hai vụ việc trên tại thời điểm này. Chủ trương của Hội đồng quản trị là không phát triển quá nhanh, không có khẩu vị rủi ro nào lớn", ông Kháng thông tin.

Sếp ngân hàng bị cổ đông 'chất vấn' về Trịnh Văn Quyết, FLC và Tân Hoàng Minh - Ảnh 1.

Cổ đông chất vấn HĐQT ABBank về việc có cho vay liên quan tới Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng hay không. (Ảnh: ABB)

Không chỉ cổ đông ABBank đặt câu hỏi liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết hay Đỗ Anh Dũng sau khi 2 vị này bị bắt. Tại đại hội đồng cổ đông của SHB, cổ đông cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến tín dụng dành cho lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của SHB, SHB có "vướng" vào hệ sinh thái của hai vị này hay không?,...

Trả lời về tín dụng bất động sản và trái phiếu dành cho lĩnh vực này, ông Võ Văn Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm phụ trách điều hành SHB cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của SHB chiếm 6,75% trên tổng dư nợ và lượng trái phiếu doanh nghiệp sở hữu là 6.600 tỷ đồng trong đó có 4.100 tỷ đồng là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Liên quan đến chất vấn của cổ đông về việc SHB đã mua trái phiếu bất động sản của doanh nghiệp nào, độ rủi ro ra sao, có mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh không? Tín dụng của SHB cho hai hệ sinh thái này là bao nhiêu? Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định trái phiếu và dư nợ tại ngân hàng đều đúng mục đích, tuân thủ pháp luật và có tài sản đảm bảo. Hơn nữa, đây đều là những trái phiếu của các doanh nghiệp, dự án có tài chính và thanh khoản tốt.

"Trái phiếu và dư nợ của SHB đều đúng mục đích, an toàn tuyệt đối. Tôi khẳng định là tài sản bảo đảm an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao. Điều này đảm bảo an toàn bền vững cho ngân hàng", ông Hiển nói.

Sếp ngân hàng bị cổ đông 'chất vấn' về Trịnh Văn Quyết, FLC và Tân Hoàng Minh - Ảnh 2.

FLC, Tân Hoàng Minh làm "nóng" đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của ngân hàng. (Ảnh: HT)

Cho vay bất động sản: "Kẻ đóng, người mở"?

Sau "cú sốc" Trịnh Văn Quyết và Đỗ Anh Dũng, cổ đông tại ABBank cũng bày tỏ băn khoăn về việc ngân hàng gia tăng hoạt động cho vay bất động sản, xây dựng. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà băng này vẫn khẳng định ngân hàng chưa có kế hoạch dừng cho vay bất động sản.

Dẫn số liệu, lãnh đạo ABBank cho biết trong năm 2021, ABBank có tăng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản để ở nhưng hiện tỷ trọng trong tổng dư nợ không cao.

Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng trên 6%, cho vay mua nhà để ở là khoảng 17%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng không nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước về cho vay lĩnh vực bất động sản và được cơ quan quản lý đánh giá cao về khả năng kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực này.

Vì vậy, nhiều ngân hàng vừa qua có chủ trương không tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả cho vay mua nhà để ở, nhưng ABBank chưa có định hướng này.

"Năm 2022, ABBank vẫn chủ trương tăng dư nợ cho vay trong lĩnh vực cho vay mua nhà để ở với bộ đệm là khẩu vị rủi ro vẫn ở mức tốt, đây cũng là lĩnh vực ABBank có thế mạnh để phát triển và vẫn còn room để mở rộng", lãnh đạo ngân hàng này cho hay.

Sếp ngân hàng bị cổ đông 'chất vấn' về Trịnh Văn Quyết, FLC và Tân Hoàng Minh - Ảnh 3.

Một số ngân hàng vẫn khẳng định tiếp tục gia tăng cho vay bất động sản. (Ảnh: TK)

Hay như tại VIB, lãnh đạo nhà băng này cũng cho biết, trong những năm tới, cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn sẽ là sản phẩm chủ đạo trong hoạt động ngân hàng bán lẻ và vẫn sẽ được VIB tiếp tục quan tâm phát triển.

Hiện, danh mục cho vay của ngân hàng có 87% là cho vay khách hàng cá nhân, 10% cho vay khách hàng doanh nghiệp và 3% là cho vay các định chế tài chính. Trong đó, cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm khoảng 48% danh mục cho vay khách hàng cá nhân. Đây cũng là sản phẩm VIB cho vay nhiều nhất.

Về cho vay dự án, VIB có cho vay để phát triển các dự án bất động sản. Tuy nhiên, chính sách của ngân hàng là "hạn chế tối đa số lượng cho vay dự án và chủ yếu là cho vay người tiêu dùng".

Theo lãnh đạo VIB, hiện ngân hàng chọn lọc rất kỹ và hợp tác với một số tập đoàn phát triển bất động sản như Phú Mỹ Hưng, Gamuda, Daewoo, ParkCity. VIB không tài trợ các dự án tại Cần Giờ, Phú Quốc hay những dự án có tính chất rủi ro cao.

Trái ngược với 2 ngân hàng nêu trên, vào những ngày cuối tháng 3/2022, Sacombank đã ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6/2022.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hạn mức tín dụng được tạm cấp trong năm 2022 không nhiều, ngân hàng sẽ hạn chế cho vay bất động sản để tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…

Trước đó, Techcombank cũng thông báo kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản.

Trong khi đó, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng này không siết chặt mà chỉ hạn chế cho vay đối với kinh doanh bất động sản. Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này ở Agribank hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỷ đồng.

"Bên cạnh việc tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank vẫn cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân một cách bình thường," ông Thành cho biết thêm.