Loạt chuyển động "nóng" tại FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 16/04/2022 07:28 AM (GMT+7)
2 thành viên ban kiểm soát từ nhiệm, lùi lịch đại hội đồng cổ đông thường niên, tập đoàn bị bán giải chấp cổ phiếu,... đó là những chuyển động mới nhất tại FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.
Bình luận 0

Trong văn bản công bố thông tin gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM ngày 14/4, FLC cho biết đã nhận được đơn từ nhiệm chức vụ thành viên Ban kiểm soát (BKS) công ty của ông Nguyễn Chí Cường và bà Phan Thị Bích Phượng vì lý do cá nhân.

Hậu ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, 2 thành viên ban kiểm soát từ nhiệm

Tại FLC, ông Cường hiện đang là trưởng ban kiểm soát và bà Phượng là thành viên ban kiểm soát mới được bầu cách đây 1 năm (12/4/2021) để thay vị trí của ông Phạm Anh Dũng - người bị miễn nhiệm cùng ngày.

Theo báo cáo quản trị năm 2021, 2 thành viên ban kiểm soát xin từ nhiệm này đều không sở hữu cổ phiếu FLC.

Như vậy, với việc cả ông Cương và bà Phượng xin từ nhiệm, ban Kiểm soát của Tập đoàn FLC chỉ còn 1 thành viên duy nhất là ông Nguyễn Đăng Vụ.

Loạt chuyển động "nóng" tại FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết - Ảnh 1.

2 thành viên ban kiểm soát của FLC từ nhiệm sau nửa tháng ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. (Ảnh: DV)

Cũng trong thông báo phát đi, FLC cho biết Hội đồng quản trị sẽ báo cáo và trình Đại hội đồng cổ đông Tập đoàn FLC thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên ban kiểm soát đối với ông Nguyễn Chí Cường và bà Phan Thị Bích Phượng tại cuộc họp gần nhất.

Trước đó Hội đồng Quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC cũng đã có Nghị quyết về việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Nghị quyết do tân Chủ tịch Đặng Tất Thành ký ban hành vào ngày 12/4/2022.

Theo Nghị quyết, FLC gia hạn thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 chậm nhất tới ngày 30/6/2022.

Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cũng hủy ngày chốt quyền (23/3) để tham dự Đại hội đồng cổ đông năm nay theo Nghị quyết số 05/2022/NQ/HĐQT-FLC của Hội đồng quản trị công ty ngày 03/03/2022. Đây cũng là Nghị quyết cho ông Trịnh Văn Quyết với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị ký khi trước khi bị bắt vào cuối tháng 3 khi bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Việc từ nhiệm của 2 thành viên ban kiểm soát và quyết định lùi ngày họp đại hội đồng cổ đông được đưa ra trong bối cảnh FLC vừa trải qua hàng loạt biến cố liên quan đến một số lãnh đạo thượng tầng.

Cụ thể, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố và bắt tạm giam bà Trịnh Thị Minh Huế - cán bộ kế toán Tập đoàn FLC và bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch Chứng khoán BOS.

Bà Hương Trần Kiều Dung ngày 6/4 còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 70 triệu đồng vì làm thành viên Hội đồng quản trị của quá nhiều doanh nghiệp.

Hiện, Hội đồng quản trị của FLC còn thành viên là ông Đặng Tất Thắng, bà Bùi Hải Huyền và ông Lã Quý Hiển.

Như vậy, tại phiên họp thường niên sắp tới, FLC sẽ phải bầu bổ sung thành viên vào Hội đồng quản trị, thay thế cho ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung và bầu thành viên ban kiểm soát thay thế 2 cá nhân vừa từ nhiệm.

Loạt chuyển động "nóng" tại FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết - Ảnh 3.

FLC đối mặt với nhiều sóng gió sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. (Ảnh: TA)

Tập đoàn FLC bị bán giải chấp cổ phiếu

Trong một diễn biến khác, ngày 15/4 - Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (tên cũ là Chứng khoán Artex - Mã: ART) thông báo bán giải chấp 8 triệu cổ phiếu HAI thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC.

Công ty Chứng khoán BOS cho biết, lượng cổ phiếu dự kiến bán giải chấp là con số ước tính tại thời điểm công bố thông tin. Thực tế có thể ít hoặc nhiều hơn do giá thị trường làm thay đổi giá trị tài sản đảm bảo, hoặc do chủ tài khoản bổ sung tài sản đảm bảo để đủ tỉ lệ giao dịch ký quỹ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, tại ngày 31/12, Tập đoàn FLC sở hữu một lượng cổ phiếu HAI có giá trị gốc gần 261 tỷ đồng, giá trị dự phòng gần 74 tỷ đồng.

Được biết, Chứng khoán BOS và HAI đều là những công ty trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC. Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch FLC trước đây từng là Chủ tịch Chứng khoán BOS. Bà Bùi Hải Huyền, Tổng giám đốc FLC hiện là thành viên Hội đồng quản trị HAI.

Động thái bán giải chấp được Chứng khoán BOS thực hiện khi cổ phiếu HAI lao nhanh từ vùng 6.800 đồng còn 4.750 đồng, tức mất 30% từ khi cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt đến nay.

Còn trong phiên bán giải chấp này (15/4), giá cổ phiếu HAI giảm kịch sàn còn 4.550 đồng/cp, tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 6,2 triệu đơn vị, còn dư bán giá sàn gần 890.000 đơn vị.

Phiên 15/4, không chỉ HAI giảm sàn mà các cổ phiếu FLC, ROS, AMD, ART cũng giảm kịch biên độ, KLF mất 5,8%.

Loạt chuyển động "nóng" tại FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết - Ảnh 4.

Diễn biến cổ phiếu HAI.

Cơ quan thuế mở phong tỏa tài khoản

Cũng trong ngày 15/4, FLC đã có văn bản số 218 "Bổ sung thông tin về các Quyết định cưỡng chế thuế" của Chi cục thuế khu vực TP.Sầm Sơn – Quảng Xương.

Cụ thể, FLC cho biết: "Đến nay, Chi cục thuế TP.Sầm Sơn – Quảng Xương đã có văn bản về việc ngừng áp dụng cưỡng chế thuế, mở phong tỏa các tài khoản ngân hàng của Tập đoàn FLC".

Trước đó, ngày 30/3, Chi cục thuế khu vực TP.Sầm Sơn – Quảng Xương đã ban hành 11 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với FLC mở tại các ngân hàng.

Lý do FLC bị cưỡng chế là công ty này còn nợ tiền thuế quá hạn 90 ngày. Số tiền bị cưỡng chế là gần 124,8 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem