Clip: Trồng bí xanh, nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) có thu nhập cao hơn so với trồng ngô, trồng sắn.
Nông dân vùng cao chọn cây bí xanh để phát triển kinh tế
Xuôi theo QL6, chúng tôi về xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La), nơi đây từng được coi là thủ phủ của cây ngô, cây sắn; cũng chính nhờ những cây trồng này người dân có thêm thu nhập.
Thế nhưng trải qua nhiều năm canh tác, đất đai đã dần thoái hóa, bạc màu, cùng với đó thời tiết ngày càng khắc nghiệt lúc nắng nóng khô hạn, lúc mưa lạnh thấu xương, việc canh tác các loại cây trồng trên nương của người dân nơi đây ngày càng gặp nhiều khó khăn, thu nhập từ đó cũng giảm đi nhiều. Đó là chưa kể, những năm gần đây giá ngô, sắn bấp bênh, không ổn định.
Như nhiều hộ gia đình khắc trong bản, không khuất phục trước những khó khăn, quyết tâm tìm cho mình một hướng đi mới. Anh Điêu Chính Thật, bản Sơn Pha, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã thành công với mô hình trồng bí xanh, mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng.
Chúng tôi gặp anh Điêu Chính Thật cùng vợ đang tất bật với việc chăm sóc ruộng bí xanh của gia đình, dừng tay với chiếc kéo đang tỉa lá cho giàn bí xanh, anh Thật cho biết: Trước kia gia đình anh trồng ngô, chi phí đầu tư cao mà hiệu quả mang lại thấp. Sau vài lần được đến tham quan, học học các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhận thấy cây bí xanh dễ trồng, sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với thổ nhưỡng nơi đây, gia đình anh đã quyết định chuyển hướng sang trồng cây bí xanh.
"Gia đình tôi đã đầu từ khoan giếng nước để phục vụ tưới tiêu, mạnh dạn chuyển đổi gần 5000m2 đất trồng ngô, sang trồng bí xanh. Với diện tích đó, một năm gia đình tôi canh tác 2 vụ bí xanh, năng xuất đạt gần 60 tấn, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng", anh Thật nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bí xanh, anh Thật cho biết: Vụ chính khi trồng cây bí xanh thường từ tháng 3 – 7 hàng năm. Thế nhưng gia đình anh trồng sớm hơn 1 tháng, bắt đầu trồng từ tháng 2, vì trái vụ như vậy giá bán cao hơn chính vụ.
Để cây bí xanh phát triển tốt thì người trồng phải nắm vững các kỹ thuật chăm sóc. Sau khi trồng, cần bón thúc 3 lần, lần 1 khi cây có 2 lá, bón hoặc tưới đạm kết hợp xới vun nhẹ vào gốc. Bón thúc lần 2 khi cây có 5 - 6 lá. Bón thúc lần 3 khi chuẩn bị làm giàn.
Khi cây bí dài khoảng 1 mét trở lên thì cho leo giàn, dây leo cần để ở tư thế tự nhiên. Mỗi cây để 2-3 nhánh chính, mỗi nhánh để 2-3 quả.
Bên cạnh đó, vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ lá già, lá bệnh tạo điều kiện môi trường thông thoáng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại và có biện pháp phòng trừ.
Bí xanh sau khi xuống giống đến lúc thu hoạch lứa đầu chỉ mất 55 – 60 ngày. Với 5.000m2 ha đất, nếu chăm sóc tốt, sẽ cho sản lượng từ 25 – 30 tấn/vụ, giá bán trung bình cả vụ khoảng 5.000 đồng/kg thì 5.000m2 bí sẽ cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/vụ, cao hơn nhiều so với trồng ngô, trồng sắn.
"Vụ trước, giá bí xanh chỉ giao động từ 6.000– 10.000/kg. Nhưng vụ này, do trái vụ, thị trường đang khan hiếm, vì thế giá bán sẽ cao", anh Thật nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Bí xanh mới được người dân trên địa bàn đưa vào trồng trong vài năm gần đây, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho người dân. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền về hiệu quả của mô hình này cho nông dân ở địa phương.
Đồng thời, xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hội viên Hội Nông dân và tham mưu cho cấp ủy trong việc định hướng quy hoạch lại đất sản xuất với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp hộ dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế theo hướng bền vững".
Nhờ chọn được hướng đi đúng mà bí trái vụ đã trở thành cây hàng hóa mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân trên địa bàn xã Cò Nòi. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng ở địa phương.