Cánh đồng Mường Tấc ở Sơn La, bình thường gạo đã ngon, nay trồng lúa hữu cơ gạo càng nổi tiếng

Mùa Xuân Thứ sáu, ngày 08/04/2022 09:31 AM (GMT+7)
Thay đổi phương thức sản xuất, giờ đây trên cánh đồng Mường Tấc của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã và đang được bà con nông dân chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ, mang đến những hạt gạo thơm ngon, sạch, an toàn và đạt chất lượng cao cho người tiêu dùng.
Bình luận 0
Sơn La: Nông dân mở rộng sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc - Ảnh 1.

Mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX Quang Huy, huyện Phù Yên (Sơn La) đang mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân. Ảnh: Bích Luyện.

Trồng lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói giới thiệu về bốn vựa lúa lớn cho hạt cơm dẻo ngon nức tiếng của vùng Tây Bắc từ xa xưa. 

Đứng đầu toàn huyện Phù Yên về số hộ và quy mô tham gia mô hình trồng lúa hữu cơ trên cánh đồng lúa của xã Quang Huy, ngoài áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp bằng việc tiếp cận các biện pháp kỹ thuật tiên tiến.

Đó là phương pháp cấy lúa SRI, hiệu ứng hàng biên trong sản xuất lúa nước, từ khi huyện Phù Yên triển khai mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân xã Quang Huy mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Đinh Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Huy, huyện Phù Yên, cho biết: Sau 6 vụ trồng lúa hữu cơ, từ quy mô 50 ha vụ chiêm xuân, năm nay xã Quang Huy đã mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ lên 130 ha, với hơn 895 hộ tham gia, tập trung chủ yếu ở 10 bản. 

Theo ông Đinh Văn Hải lợi ích thiết thực khi triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ thứ nhất là thân thiện với môi trường, thứ hai là giá cả khi bán ra thị trường cao hơn so với giống lúa thường như lúa J02 và Đài Thơm 8, được thị trường Hà Nội và thành phố Sơn La rất ưa thích mua sản phẩm lúa gạo hữu cơ dùng.

Vào những ngày đầu tháng 4, hầu hết diện tích lúa trên địa bàn xã Quang Huy đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân trên địa bàn xã đang tranh thủ ra đồng điều tiết lượng nước trong ruộng, làm cỏ, bắt ốc bươu vàng, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây lúa.

Sơn La: Nông dân mở rộng sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc - Ảnh 2.

Cơ cấu giống lúa được đưa vào cấy chủ yếu là các dòng lúa thuần chất lượng cao có đặc tính chống sâu bệnh và chất lượng gạo thơm ngon như Đài Thơm 8, BC15, J02, séng cù, Bắc Thơm… Ảnh: Bích Luyện.

Đồng hành cùng người nông dân, các cơ quan chuyên môn của huyện Phù Yên cũng đã bám sát đồng ruộng, tích cực hướng dẫn người dân duy trì cách bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đạt chuẩn theo hướng sản xuất hữu cơ.

Hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo hữu cơ

Bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, hiện có 166 hộ, với tổng diện tích trồng cây lúa nước là 24,7 ha. Năm 2019 từ 5ha mô hình thí điểm trồng lúa hữu cơ ban đầu, đến nay, 100% người dân trong bản đã chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ. Sản phẩm lúa gạo trong bản được HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy thu mua toàn bộ. 

Sơn La: Nông dân mở rộng sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc - Ảnh 3.

Nông dân đang chuyển đổi từ hình thức canh tác lúa vô cơ sang hữu cơ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đưa sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao. Ảnh: Bích Luyện.

Trước đây, giá bán lẻ thóc ngoài thị trường chỉ khoảng từ 9 – 10 nghìn đồng/kg thì nay được HTX thu mua với mức giá 13 nghìn đồng/kg. 

Với lợi ích kép về mặt kinh tế và môi trường do sản xuất lúa hữu cơ mang lại, ngay từ đầu vụ, bà con nhân dân trong bản đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất lúa để cho ra sản phẩm chất lượng lúa gạo chất lượng.

Năm 2019, xã Huy Tân là một trong những địa phương cùng với xã Quang Huy được huyện Phù Yên lựa chọn áp dụng triển khai “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm”. Đến nay, xã đã phát triển diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ lên 36 ha, tăng 11 ha so với năm 2019. 

Để sản xuất vụ chiêm xuân năm 2022 đạt năng suất, chất lượng, ngay từ đầu vụ xã Huy Tân đã chỉ đạo các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân bám sát đồng ruộng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hướng dẫn bà con cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cho lúa.

Xã Huy Tân đã chỉ đạo cán bộ xã cùng với viên chức Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên xuống các bản tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cho bà con theo hướng “cầm tay chỉ việc”.  Quan trọng nhất là việc sử dụng các sản phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại đối với diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ.

Ông Đinh Văn Chiêm, Phó chủ tịch UBND xã Huy Tân cho hay: “Chúng tôi cũng báo cáo lên các phòng ban chuyên môn của huyện để kịp thời triển khai phun phòng trừ sâu bệnh hại, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật dòng sinh học để phòng trừ sâu bệnh, còn dòng đi-tếch để trừ sâu cuốn lá và sâu đục thân và phòng rầy, bọ trĩ.

Sơn La: Nông dân mở rộng sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc - Ảnh 4.

Hiện nay, gạo sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ của người dân huyện Phù Yên đã được HTX nông nghiệp Quang Huy bao tiêu sản phẩm và có bao bì, nhãn mác đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Bích Luyện.

Trong khi đó chúng tôi cũng chỉ đạo cán bộ nông lâm bám các hộ dân trên địa bàn xã nhất là các khu trồng lúa hữu cơ, chỉ đạo bà con nhân dân phun đúng đủ, bà con nhân dân tránh để lây lan ra diện rộng sâu bệnh hại”.

Tham gia vào mô hình trồng lúa hữu cơ đến nay là vụ thứ 7, gia đình chị Hà Thị Việt, bản Puôi 2, xã Huy Tân gieo đã chuyển đổi toàn bộ 3.000m2 lúa ruộng của gia đình sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trước đây do, chưa chú trọng việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gia đình chị sử dụng 100% sản phẩm hóa học để bón cho lúa.

Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ khuyến nông thường xuyên tập huấn hướng dẫn nên chị đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc từ sinh học theo “4 đúng”, qua đó vừa tiết kiệm chi phí, vừa sản xuất ra những hạt lúa gạo thơm ngon, đảm bảo “sạch” và an toàn.

Chị Hà Thị Việt, chia sẻ: Từ khi nhà tôi thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ đến nay kể cả phân, thuốc BVTV nhà tôi toàn dùng loại sinh học hữu cơ hết. Ruộng nhà tôi đang xuất hiện vàng lá nhẹ và bọ xít đen chích hút, hôm nay tôi đang dùng thuốc để trị bệnh vàng lá và bọ xít do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cung ứng.

Cánh đồng Mường Tấc huyện Phù Yên có diện tích trên 1.300 ha, nằm dọc theo con suối Tấc dọc theo các xã Quang Huy, Huy Thượng, Huy Tân, Huy Bắc, Huy Hạ, Tường Phù...với diện tích thâm canh lúa nước 2 vụ trên 4.650 ha/năm. 

Để xây dựng mô hình gạo hữu cơ, hơn  2 năm nay, huyện Phù Yên đã triển khai “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm” tại 2 xã Quang Huy và Huy Tân, với quy mô 150 ha và sự tham gia của gần 1.100 hộ dân.

Mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ, làm ra gạo hữu cơ chuẩn sạch

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình, năm 2022, huyện Phù Yên tiếp tục nhân rộng mô hình thêm gần 62 ha tại 10 xã lân cận, nâng tổng số diện tích trồng lúa hữu cơ trong toàn huyện lên hơn 212 ha, trong đó, 130 ha lúa đã được cấp chứng nhận chuyển đổi.

Anh Vì Văn Ngân, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phù Yên: “Để làm tốt công tác quy trình sản xuất lúa gạo hữu cơ thì Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, triển khai tuyên truyền, tập huấn cho người dân thứ nhất là chỉ sử dụng phân bón hữu cơ của Quế Lâm. Thứ 2 nứa là sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học vào sản xuất lúa.

Sơn La: Nông dân mở rộng sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc - Ảnh 5.

Nhận thấy nhiều lợi ích từ trồng lúa hữu cơ, người dân huyện Phù Yên tiếp tục mở rộng thêm diện tích. Ảnh: Lan Anh.

Tập huấn cho bà con phòng trừ sâu bệnh hại lúa, hướng dẫn bà con cách diệt ốc bươu vàng, côn trùng gây hại cho lúa, diệt ốc bươu vàng thì sẽ phải sử dụng thuốc BVTV để đặt vào ruộng để ốc bươu vàng đó chết dần.

Để sản phẩm lúa gạo hữu cơ có mẫu mã đẹp, vươn xa hơn ra thị trường, huyện Phù Yên còn hướng dẫn các hộ sản xuất lúa liên kết thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, hướng dẫn thiết kế logo, nhãn mác, bao bì. Đến nay, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX đã được cấp “Giấy chứng nhận sản phẩm tiêu chuẩn phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ”, được HTX mang đi giới thiệu tại hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Chị Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, cho biết: Có sản phẩm lúa gạo hữu cơ đạt chất lượng, mỗi năm HTX đều chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cung ứng toàn bộ phân bón, thuốc BVTV từ tập đoàn Quế Lâm đến các hộ trồng lúa. Qua triển khai, 100% các hộ đều sử dụng các sản phẩm do HTX cung ứng, không sử dụng các sản phẩm khác ngoài thị trường.

Sơn La: Nông dân mở rộng sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc - Ảnh 6.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phù Yên hướng dẫn nông dân cách phòng trừ sâu bệnh và bón phân đúng quy trình kỹ thuật cho cây lúa hữu cơ. Ảnh: Lan Anh.

“Chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư mua các sản phẩm phân bón hữu cơ, ký kết với tập đoàn Quế Lâm để cung ứng cho các thành viên trong HTX, các thành viên hàng năm đăng ký phân bón giống thuốc BVTV sinh học để bón cho cây trồng, HTX cũng bao tiêu sản phẩm cho các thành viên...", chị Cầm Thị Ngân nói.

Qua tham gia các hội chợ chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, của Trung ương HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy cũng đi quảng bá sản phẩm, sản phẩm lúa gạo của HTX đã đi đến các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, thành phố Sơn La. 

Sản phẩm gạo hữu cơ HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. HTX cũng đang bỏ lỡ mấy đơn hàng như của Thanh Hóa, Hà Nội không đủ để bán ra thị trường,.. 

Với những kết quả đã được khẳng định về mặt môi trường, giá trị kinh tế, năng suất chất lượng, mô hình sản xuất lúa hữu cơ đã và đang là hướng đi giúp nông dân Phù Yên giải quyết bài toán thị trường, nâng cao giá thành sản phẩm, từng bước giúp người nông dân chuyển đổi từ tập quán canh tác cũ sang sản xuất sản phẩm hữu cơ an toàn.

Để hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Phù Yên, hiện nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất lúa gạo hữu cơ tại các địa phương, nhất là quá trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc lúa.

Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã cùng tham gia xây dựng thương hiệu gạo có uy tín, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị hạt gạo trên cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem