Bất ngờ: Một xã miền núi của tỉnh Sơn La thu hàng trăm tỷ đồng chỉ nhờ bán một loại hạt

K.Nguyên - N.Chương Thứ năm, ngày 21/04/2022 10:29 AM (GMT+7)
Qua một vụ cà phê được mùa, được giá, nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) thu được khoảng 400 tỷ đồng, một con số ấn tượng với một xã miền núi.
Bình luận 0

Cà phê, trái cây được mùa, được giá, nông dân vùng đất này của Sơn La phấn khởi

Chúng tôi đến thăm xã Chiềng Ban (huyện Mai Sơn, Sơn La) khi nông dân nơi này vừa có một vụ thu hoạch cà phê được mùa được giá.

Ông Hoàng Văn Chất, ở bản Củ 2, xã Chiềng  Ban, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Tiến cho biết, nông dân xã Chiềng Ban vừa có một vụ thu hoạch cà phê rất thuận lợi trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp.

"Năng suất cà phê toàn xã đạt khoảng 16 - 17 tấn/ha, dù tác động của dịch Covid-19 nhưng vụ cà phê vừa rồi, giá cà phê rất cao, trong khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg cà phê tươi nên những người trồng cà phê trên địa bàn ai cũng có thu nhập khá" - ông Chất cho biết.

Như gia đình ông Chất, ngoài hơn 4ha diện tích trồng cam, ông có 2ha cà phê, với năng suất và giá bán như vụ vừa qua, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cà phê.

Là một trong những người đầu tiên đưa cây cà phê vào trồng ở đất Chiềng Ban, ông Chất bảo: "Không mấy khi cà phê vừa được mùa vừa tiêu thụ thuận lợi như năm vừa qua. Với giá đó, riêng xã Chiềng Ban này, nông dân thu khoảng 400 tỷ đồng chỉ từ cây cà phê" - ông Chất khẳng định.

Bất ngờ: Một xã miền núi của Sơn La thu 3.000 tỷ đồng chỉ nhờ bán một loại hạt - Ảnh 1.

Qua một vụ cà phê được mùa, được giá, nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) thu được khoảng 400 tỷ đồng. Trong ảnh: Ông Hoàng Văn Chất, Giám đốc HTX Trường Tiến kiểm tra sức khỏe cây cà phê sau vụ thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Chương.

Ông Lò Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban cũng khẳng định, cây cà phê đã góp phần mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã. 

"Cả xã Chiềng Ban có khoảng 1.250ha cà phê, năng suất cà phê bình quân toàn xã đạt khoảng 16 - 17 tấn/ha, giá cà phê rất ổn định nên nông dân có thu nhập khá" - ông Sâm cho biết.

Cũng theo ông Sâm, nhờ nhiều loại nông sản, trong đó có cà phê được giá, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 ở Chiềng Ban đạt 41 triệu đồng/người/năm, xã chỉ còn 70 hộ nghèo trong tổng số 8.000 dân, chiếm 4,2%. Chiềng Ban cũng có 9 hộ có thu nhập cao nhất, được xếp vào hàng tỷ phú.

Chiềng Ban hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Như nhiều vùng đất khác của Sơn La, nông dân Chiềng Ban hôm nay đang rất tích cực chuyển đổi trong tư duy sản xuất, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Như hợp tác xã của ông Chất, với 32 ha cây cây ăn quả có múi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2021, tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã vẫn thuận lợi nhờ sự chủ động liên kết và sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở một số tỉnh, thành phố lớn. 

Ngay từ đầu vụ sản xuất, hợp tác xã đã được các tư thương đến từ Hà Nội và Hải Phòng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm tại vườn. 

Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết sản xuất, cung ứng cây giống, tư vấn kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm với 13 HTX trên địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Sốp Cộp, Sông Mã...

Bất ngờ: Một xã miền núi của Sơn La thu 3.000 tỷ đồng chỉ nhờ bán một loại hạt - Ảnh 2.

Nông dân Chiềng Ban (Mai Sơn, Sơn La) rất tích cực chuyển đổi trong tư duy sản xuất, đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Cán bộ Hội Nông dân huyện Mai Sơn, cán bộ Hội Nông dân xã Chiềng Ban cùng đánh giá quá trình sinh trưởng của diện tích cam trong vườn nhà ông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2. Ảnh: Nguyễn Chương.

Ông Lò Văn Sâm cho biết, nhờ đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao, tư vấn kỹ thuật nên nông dân xã Chiềng Ban rất thức thời trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất.

"Để nâng cao thu nhập, bà con mạnh dạn đưa cây ăn quả lên đất dốc, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, trong tổng số 370ha cây ăn quả của xã chỉ có khoảng 165ha là trồng thuần, còn lại là trồng xen với cà phê. Với cách làm này, bà con vừa có thu nhập kép, cây cà phê vừa phát triển tốt vì đây là cây ưa tán" - ông Sâm nói.

Báo cáo của UBND xã Chiềng Ban cho thấy, cơ cấu cây trồng của xã hiện rất đa dạng, tạo thu nhập cho người dân. Tổng diện tích đất canh tác của xã khoảng 1.780ha, trong đó diện tích lúa  218 ha, cà phê 1.250ha; diện tích cây ăn quả 370ha... 

Từ những triền đất dốc của Chiềng Ban, trái cây bén rễ và cho quả ngọt với sản lượng 350 tấn mận hậu, 370 tấn xoài, 600 tấn nhãn, 350 tấn cam, bưởi... Ngoài ra, đàn gia súc của xã cũng rất phát triển với 4.547 con, vừa tăng thu nhập cho bà con, vừa phục vụ phát triển nông nghiệp tuần hoàn. 

Nhờ thực hiện mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, xã Chiềng Ban đã về đích nông thôn mới vào năm 2015, hoàn thành nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, hiện đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Hoàng Bình, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Ban cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Chiềng Ban khoá XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/ĐU ngày 26/01/2021 về lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Chiềng Ban giai đoạn 2021- 2025. 

Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xã đã phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiếp tục thực hiện duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn nâng cao, đồng thời triển khai các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 theo đăng ký với huyện.

Để duy trì giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nhất là môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp, phấn đấu xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia xã Chiềng Ban đã phân công cụ thể cho các thành viên phụ trách địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đã đăng ký. 

Ông Hoàng Bình cho biết, với mục tiêu đạt xã nông thôn kiểu mẫu, Chiềng Ban tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung với các sản phẩm chủ lực là cà phê và các loại cây ăn quả, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ nghèo, đặc biệt khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cảnh quan tự nhiên để phát triển du lịch sinh thái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem