Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của Vùng (ĐBSCL-PV); chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái tự nhiên".
Hệ quả của tư duy "ăn xổi"
Đặc thù của ĐBSCL là mưa, lũ vào mùa mưa; hạn, mặn, phèn, chua, thiếu nước ngọt vào mùa khô. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nhiều năm qua, các tỉnh ở ĐBSCL đã vượt qua những thách thức, khó khăn điển hình trên; thắng được thiên nhiên khi xóa được hiện tượng phèn, chua vùng tứ giác Long Xuyên và vùng rốn trũng Đồng Tháp Mười.
Tuy nhiên, cái giá mà ĐBSCL phải trả cho cái "thắng" ấy, là diện tích rừng tràm giảm sút nhanh chóng ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Để bội thu những mùa vàng, tại các vùng trũng người ta "chắt" cạn nước để tăng vụ. Nhưng điều này cũng làm giảm diện tích trữ nước ngọt. Và, xâm nhập mặn gia tăng mạnh vào mùa khô.
Hay như phong trào nuôi trồng thủy sản "trăm hoa đua nở", ĐBSCL chiếm đến 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của quốc gia. Quy hoạch nuôi tôm cho 5 năm, các tỉnh ven biển nhanh nhảu làm trong… 1-2 năm. Cái giá phải trả là rừng ngập mặn bị tàn phá, nhường đất cho hàng vạn vuông tôm, dẫn đến đất ven biển sạt lở ngày càng nhiều…
"ĐBSCL được thành tích sản xuất lúa gạo vượt bậc, nhưng rừng bị giảm sút trầm trọng; những vùng thấp nhất cũng bị vắt ra cho bằng được để trồng lúa. Bây giờ, nước mặn từ biển xâm nhập, xì phèn lên, các địa phương lại quay trở lại làm các hồ trữ chứa nước ngọt. Vì vậy, chỉ vấn đề "nước ngọt", làm gì để trữ nước ngọt cho ĐBSCL, cần phải đặt ra và thực hiện một cách hệ thống, mang tính dài hạn" – ông Trân từng nói như vậy.
GS.TS Võ Tòng Xuân – chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp – cho rằng, cần đến lúc phải thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Lâu nay, nghĩ đến ĐBSCL là ai cũng nghĩ tới cây lúa, là an ninh lương thực quốc gia. Song, trước tình hình hạn, mặn, hiệu quả độc canh cây lúa không còn mang lại giá trị kinh tế tốt nhất.
"Hiện nay, người ta lén nuôi tôm vì người ta biết nhà nước bắt trồng lúa thì đi vào nghèo nàn. Chính quyền địa phương vẫn để cho người dân nuôi tôm nhằm có chút thu nhập, nộp thuế cho ngân sách nhà nước của chính quyền xã, huyện.
"Nuôi tôm không thành công vì làm tự phát. Nước ông này thải ra, ông kia nuốt vô; cuối cùng, tôm bị bệnh, chết ráo trọi. Nuôi tôm tự phát như hiện nay, giàu 2,3 năm đầu; sau đó, sạt nghiệp. Bây giờ, muốn giàu, phải làm kênh, mương đàng hoàng, tạo ra vùng chuyên canh bài bản" – GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Ở ĐBSCL, từ năm 2010-2015, diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 750.000ha. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản lại thiếu kênh, mương, không đạt chuẩn, chủ yếu là quảng canh, không có đường cấp và thoát nước riêng. Mặt khác, việc kiểm soát độ mặn, ngọt không rõ ràng, chồng chéo giữa vùng nuôi trồng thủy sản với vùng trồng trọt.
Hậu quả từ những chính sách đầu tư, với lối tư duy cũ, không thích hợp với thực tế đã dẫn tới những hệ quả không lường trước. Trong đợt hạn mặn năm 2016, riêng tỉnh Cà Mau có tới 158.000ha thủy sản nuôi bị thiệt hại từ 30-100%, tương đương với thiệt hại của khoảng 51.000ha lúa và 15.000ha rau, màu và cây ăn trái.
Có ý kiến cho rằng, chính những chính sách không phù hợp với thực tế, không theo kịp hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra, khiến người dân ĐBSCL "loạng choạng", mất phương hướng trong đường hướng làm ăn, phát triển kinh tế… Đơn cử, phát triển nuôi trồng thủy sản, nhưng giải pháp cấp nước ngọt lại không có. Vì vậy, để đáp ứng nuôi trồng thủy sản trước mắt, người dân tự ý khai thác nước ngầm vô tội vạ.
Một báo cáo về tình trạng khai thác nước ngầm ở tỉnh Cà Mau cho thấy: Tỉnh này có hơn 100.000 giếng nước ngầm, khai thác mỗi ngày hơn 370.000m3 nước ngọt. Lượng nước ngầm được bổ sung tự nhiên khoảng 100.000m3/ngày. Như vậy, lượng nước ngầm thiếu hụt trên 270.000m3/ngày. Đó là nguyên nhân chính gây ra lún sụt đất nghiêm trọng ở Cà Mau khoảng 3-7cm/năm.
Người ta đã cảnh báo, nếu khai thác nước ngầm như trên không thay đổi, thì sau 50 năm nữa, mặt đất của vùng Cà Mau sẽ hạ thấp từ 120 – 210cm. Nước ngầm bị khai thác tràn lan, sử dụng không kiểm soát đang đe dọa "nhấn chìm" cả vùng đất "chín rồng" (ĐBSCL).
Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL – cho rằng: "Không nên nghĩ làm kè hết bờ biển, bờ sông, lấp hố sâu tự nhiên của sông thì sẽ hết sạt lở, mà chỉ nên bảo vệ những nơi nào quan trọng, khẩn cấp. Tốn nhiều tiền mà trái quy luật thì không hiệu quả, gây hối tiếc".
Giữ được đất, giữ được nước, giữ được người… mới "thành nơi đáng sống"
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện tại cũng như tương lai, ĐBSCL phải đối mặt với thực tế biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Không thể chống lại thiên nhiên, mà chấp nhận sống chung, hay nói cách khác là "thuận thiên" (thuận theo thiên nhiên) để biến "nguy cơ" thành "cơ hội sống".
Để ứng phó với biến đổi khí hậu trên cả nước, cũng như của riêng ĐBSCL, chính sách quốc gia hay chính sách vùng, là không thể nóng vội đưa ra những các chính sách "ăn xổi ở thì", lợi trước mắt, mà hại về lâu dài; không thể vì những kết quả đạt được trong ngắn hạn mà bỏ qua hậu quả trong tương lai.
GS.TS Tăng Đức Thắng – Phó Giám đốc Viện khoa học thủy lợi Việt Nam – nói: "Hiện nay, chúng ta thiên về giải pháp công trình để hạn chế, hơn là chấp nhận nó. Cái này cần phải điều chỉnh. Mặn cũng là một lợi thế, chứ đâu phải chỉ có tác hại. Nếu chỉ trồng lúa thì tác hại thật, nhưng ta tiếp cận theo cách khác thì chẳng phải hại. Cần phải kiểm soát được nó, mà kiểm soát mức độ, chứ không phải bằng mọi giá. Xu hướng bây giờ là phải thích ứng và giảm thiểu. Thiên nhiên không thể chống được".
Chuyên gia Lê Anh Tuấn nói: "Nếu đánh giá đúng tiềm năng, không có vùng châu thổ nào trên thế giới có khả năng tạo nên một năng suất sinh học cao trong sản xuất lúa gạo như ở vùng ĐBSCL: chỉ cần khoảng 100-110 ngày trong năm, ĐBSCL có thể cung cấp cho quốc gia trên 7-8 triệu tấn lúa. Chúng ta chắc chắn không thiếu lúa gạo, Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu lúa gạo, nhưng người sản xuất ra lúa gạo là nông dân vẫn nghèo ?
Thiếu nước ngọt, nhưng sản lượng lúa gạo, các loại nông sản thì luôn gia tăng, có lúc hư hỏng, phải đổ bỏ là nghịch lý đau lòng". Ông Tuấn đặt vấn đề, một đe dọa lớn nhất cho mong muốn phát triển bền vững vùng châu thổ ĐBSCL là vấn đề an ninh nguồn nước.
Ngày 22/4 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của Vùng (ĐBSCL-PV); chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hóa – xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái tự nhiên".
Hơn lúc nào, việc chuyển tư duy nông nghiệp từ thuần túy sản xuất số lượng sang kinh tế nông nghiệp là hướng đi cần thiết hiện nay. TS.Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn (Bộ TN-PTNT) – phát biểu: "Thay vì lấy lúa làm gốc, chúng ta lấy thủy sản làm gốc, đặc biệt là con tôm. Thời gian qua, hơn 100.000ha ở ĐBSCL đã được bà con chuyển đổi sang mô hình lúa – tôm, sản xuất 2 vụ tôm, 1 vụ lú; lúc đó tôm là chính, lúa là phụ… Người nông dân, bằng những trải nghiệm thực tiễn của mình đã từng bước hòa hợp thiên nhiên với con người".
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) vào tháng 11/2017, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu: "Phải giữ được đất, giữ được nước, giữ được người ĐBSCL mới gọi là thành công".
Với Nghị quyết 13 này sẽ thổi một làn gió mới, thêm sức sống mới, mãnh liệt hơn cho vùng đất và con người ĐBSCL.