Làm gì để Đồng bằng sông Cửu Long thành nơi đáng sống: Sống trên vựa lúa, cái nghèo vẫn đeo đuổi (Bài 1)
Làm gì để Đồng bằng sông Cửu Long thành nơi đáng sống: Sống trên vựa lúa, cái nghèo vẫn đeo đuổi (Bài 1)
Đông Anh
Thứ hai, ngày 25/04/2022 15:48 PM (GMT+7)
Ngày 22/4, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Không phải ngẫu nhiên, tầm nhìn phát triển vùng ĐBSCL trong tương lai đã được Bộ Chính trị xác định, là trở thành "nơi đáng sống" đối với người dân, điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động; Phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng.
Song, không thể phủ nhận, so với nhiều vùng trên cả nước, lâu nay, đời sống của người dân ĐBSCL vẫn bị cái nghèo đeo đuổi, dù sống trên vựa lúa. Tại sao?
Nghèo vì… trồng lúa 3 vụ
Vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam.
ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% sản lượng lúa gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông…
Tiềm năng vượt bậc là thế, nhưng trong nhiều năm trở lại đây, so với nhiều tỉnh, thành, vùng, miền trên cả nước, thì đời sống người dân ĐBSCL vẫn còn không ít khó khăn, nghèo khó.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ phát sinh cái nghèo trên là ở chỗ: Với tư duy cơ học "1+1= 2" trong thời gian dài rằng: sản lượng, năng suất lúa càng cao đồng nghĩa với thu nhập của nông dân càng cao. Nhưng thực tế cho thấy, nếu cư canh tác lúa 3 vụ, người nông dân miền Tây sẽ vẫn cứ nghèo triền miên.
Cụ thể: tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, lợi nhuận của nông dân canh tác 3 vụ lúa/ha là 38 triệu đồng; còn ở thị xã Hồng Ngự, canh tác 2 vụ, lợi nhuận đạt gần 35 triệu đồng/ha.
Canh tác 3 vụ không mang lại lợi nhuận cao đáng kể so với 2 vụ, vì vụ 3 kéo giảm năng suất và sản lượng của 2 vụ trước đó, dù đã tăng lượng phân bón gấp 2 lần. Nhiều nông dân vẫn nghèo, trong khi họ càng nỗ lực sản xuất 3 vụ/năm, có nơi 7 vụ/2 năm, thay vì, phải tiết kiệm chi phí đầu vào.
Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: "Cái bất cập ở ĐBSCL diễn ra lâu nay, là do chúng ta chỉ nghỉ đến gạo. Nước ta không nên tiếp tục chuyển tất cả những giá trị của đất, nước, môi trường, đa dạng sinh học thành tiền thông qua lúa gạo, vì việc sử dụng tài nguyên như vậy là không hiệu quả".
Thật vậy, số liệu từ Bộ NN-PTNT cho biết, từ năm 2010-2015, sản lượng lúa khu vực ĐBSCL tăng 4 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ số giá bán lúa giảm 3-4%/năm, trong khi chỉ số giá bán nguyên liệu, vật tư nông nghiệp lại tăng 10%.
15 năm trước, mức sống của người dân ĐBSCL cao hơn mức trung bình cả nước; nhưng thời gian gần đây, lại thấp hơn. Song song với đó là tình trạng làn sóng người dân ĐBSCL, với hàng trăm ngàn người, không chỉ ly nông, còn ly hương về TP.HCM, Bình Dương… để kiếm sống, khi sản xuất lúa không đủ chi phí cho đời sống của họ ngay tại quê nhà.
Sạt lở, hạn, mặn, đường sá nghèo nàn… bào mòn sức dân
Vùng ĐBSCL hiện có 564 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 834km; trong đó, có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài 170km (riêng bờ sông có 39 điểm, với tổng chiều dài 85km, bờ biển có 18 điểm, với tổng chiều dài 85km).
Báo cáo của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên niên (WWF) cho biết, từ năm 2003 – 2012, vùng bờ biển từ Bạc Liêu trở xuống Kiên Giang, nhiều nơi bị sạt lở hơn 50m/năm ăn sâu vào đất liền. Đặc biệt là đoạn 180km phía biển Đông; hơn 50% chiều dài của bờ biển 700km của ĐBSCL đã bị sạt lở trong thời gian này.
Biển Tây sóng ít dữ dội hơn, nhưng khoảng 60% bờ biển phía Tây cũng sạt lở nghiêm trọng. Tính trung bình từ năm 2003-2012, ĐBSCL mất khoảng 5km2 đất mỗi năm.
PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu, thuộc Trường ĐH Cần Thơ – cho rằng: "ĐBSCL là điển hình cho những vùng bị tác động của biến đổi khí hậu. Thể hiện rõ nhất là tình hình nước biển dâng, sạt lở đất, hạn, mặn hoành hành liên tục trong những năm gần đây. Sự tác động tiêu cực của tự nhiên đã dẫn tới năng suất, sản lượng cây trồng giảm sút nghiêm trọng.
Có năm hạn, mặn khiến hàng chục ngàn héc-ta đất lúa bị "chết" hoàn toàn. Nhiều loại hoa màu, cây ăn trái bị thiệt hại nặng; có không ít vùng nuôi thủy sản bị tan hoang, vì nước biển xâm lấn vào đất liền có độ mặn quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng của một số loại thủy sinh nuôi trồng".
Theo ông Tuấn, chính những tác động tiêu cực trên làm gia tăng nguy cơ tổn thương cho cộng đồng , gây thiệt hại kinh tế, bào mòn sức chịu đựng của người dân vùng ĐBSCL. Vùng tứ giác Long Xuyên – Hà Tiên, nơi ngày xưa có thể trữ gần 10 triệu m3 nước ngọt vào mùa lũ từ nguồn sông Mê Kông. Nay đã thu hẹp không gian trữ nước, chỉ còn hơn một nửa.
Ước tính mùa khô mỗi năm, ĐBSCL bị mất khoảng 4,7 triệu m3 nước điều tiết, khiến khô hạn và xâm nhập mặn thêm nghiêm trọng.
Trong khi đó, sự thua kém về hạ tầng giao thông, càng khiến cho vùng ĐBSCL thêm tụt hậu so với các vùng miền khác trên cả nước.
Một báo cáo của Bộ GTVT năm 2019 cho biết: Từ năm 2011-2015, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là 67.552 tỷ đồng, chiếm 12,26% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước.
Từ năm 2016-2020, con số trên không được nâng lên, còn giảm xuống 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước.
Theo TS. Lê Bá Chí Nhân (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): " Một vùng đất đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% sản lượng lúa gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu; nhưng thiếu sự đầu tư thích đáng về đường sá giao thông sẽ không kích thích được sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chưa nói, càng không khai thác, tận dụng hết những tiềm năng của vùng đất phì nhiêu này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.