Xây dựng thương hiệu lúa tôm từ chính cảm xúc tự hào
Làm gì để "lúa, tôm" trở thành thương hiệu của đồng bằng sông Cửu Long?
Chúc Ly
Thứ năm, ngày 10/02/2022 16:57 PM (GMT+7)
Ngày 10/2, Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức hội thảo phát triển mô hình lúa thơm – tôm sạch vùng Mê Kông. Tại đây, nhiều ý kiến đã chia sẻ về việc xây dựng mô hình "lúa, tôm" ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2001, tỉnh bắt đầu tổ chức sản xuất mô hình tôm - lúa. Hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất tôm - lúa trong giai đoạn này khá nhanh, từ 5.851ha sản xuất ban đầu đã tăng lên 39.578ha vào năm 2020 và tăng gấp gần 6,8 lần so với năm 2001 (sau 20 năm).
Đến năm 2021 diện tích mô hình này tiếp phát triển và mở rộng đạt 39.404ha, chiếm khoảng hơn 33% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Bạc Liêu (tốc độ tăng diện tích bình quân/năm là 5,26%). Hiện, tổng thu nhập trên 90 triệu đồng/ha; lợi nhuận 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Ông Phạm Văn Thiều – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận: Trong chuyển dịch cơ cấu, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và giá trị gia tăng. Đây là mô hình phát triển bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa; có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất.
"Có thể nói mô hình tôm - lúa là mô hình bền vững, hiệu quả, mô hình "thông minh" tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình GAP, giúp nông dân áp dụng các biện pháp canh tác, phòng chống dịch ít sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,…", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo, nông dân Phạm Chí Mến (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), cho hay: "Gia đình tôi đã trồng được 5 vụ lúa ST trong mô hình lúa tôm. Cái được nhất của việc trồng lúa ST là năng suất và giá thành ổn định. Từ khi áp dụng không chỉ riêng tôi mà nhiều nông dân trong khu vực rất phấn khởi. Hiện nay, mô hình cho tổng nguồn thu khoảng 170 triệu/10 công (mỗi công gần bằng 1.300m2)".
Tại hội thảo, nhiều đại biểu và nhà khoa học nhìn nhận, sau nhiều năm thực hiện mô hình, hiện nông dân đã áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới như: Giống chịu mặn, cải tiến thời vụ, sử dụng phân bón, thuốc vi sinh, sinh học trong canh tác lúa phục vụ cho vùng tôm – lúa, nhất là vùng mở rộng diện tích từ diện tích nuôi tôm kém hiệu quả sang thực hiện mô hình luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, cho hiệu quả cao; ít sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất.
Đặc biệt, mô hình tôm – lúa tạo ra hệ sinh thái, môi trường an toàn, ổn định có lợi cho nuôi tôm và trồng lúa bền vững. Từ đó cho ra sản phẩm an toàn đáp ứng cho người tiêu dùng và xuất khẩu hiện nay; đó là cơ sở để mở rộng diện tích tôm - lúa cho những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc nhân rộng mô hình đang gặp nhiều khó khăn, bởi người sản xuất đã quen với tập quán sản xuất cũ, dựa vào kinh nghiệm và điều kiện thực tại của họ.
Bên cạnh đó, kinh tế và kỹ thuật nông hộ không đồng đều, đa phần cuộc sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên chưa mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất manh mún, thiếu tính liên kết…
Đặc biệt, hội thảo cũng thừa nhận rằng, nhìn vào kết quả sản xuất (năng suất, sản lượng thu hoạch) thu được thấy rằng sự phát triển của mô hình chưa thật sự tương xứng với tiềm năng lợi thế sẵn có.
Cùng nông dân xây dựng thương hiệu lúa tôm
Theo GS. TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ), nhìn lại quy trình sản xuất mô hình lúa tôm thì chúng ta cần xem lại tính ổn định. Quan trọng nhất là chúng ta có xuất khẩu được sản phẩm hay không. Chính vì vậy, ngành chức năng cần quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Hiện nay, tỷ lệ hộ nuôi có ao để gièo tôm trước khi thả giống ra ruộng rất thấp, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng con tôm. Đây là vấn đề chúng tôi nhìn thấy nhưng có nhiều hộ dân chưa làm được. Khi chất lượng con giống được đảm bảo thì rủi ro là rất thấp, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn để phục vụ xuất khẩu", GS Long nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Miền Trung, cho rằng: Các cơ quan chuyên ngành cần có khảo sát cụ thể về sản lượng, quy hoạch, giá trị, thị trường tổng thể của mô hình trong khu vực. Sau khi có khảo sát thì cung cấp thông tin đến địa phương để có quy hoạch cụ thể nhằm có hướng phát triển mô hình một cách hiệu quả.
"Bên cạnh đó, ngành chuyên môn cần có khuyến cáo cụ thể và quản lý chặt về thời vụ. Từ nhưng mô hình thành công thực tiễn của nông dân, các địa phương cần quan tâm nhân rộng. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý xây dựng mô hình để từng địa phương cụ thể áp dụng một cách phù hợp", ông Hoàng Anh nêu ý kiến.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cũng nhìn nhận, hiện nay hiệu quả của mô hình tôm lúa là rất rõ. Tuy nhiên, vấn đề cần phải quan tâm là tổ chức quy hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm và tính ổn định của mô hình.
Nói về vấn đề này, ông Lê Anh Xuân – Giám đốc Công ty Trúc Anh, cho rằng: "Cơ quan chuyên môn, cán bộ phải cầm tay chỉ việc cùng nông dân thực hiện mô hình. Ở công ty chúng tôi, nhiều năm qua đã tích cực hỗ trợ đưa con giống, kỹ thuật để cùng nông dân thực hiện. Bên cạnh đó, cán bộ cơ sở phải theo sát nông dân, cùng nông dân làm nên những sản phẩm tốt".
Nói về việc làm thương hiệu sản phẩm từ mô hình lúa tôm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: "Chúng ta phải làm thương hiệu từ chính cảm xúc và niềm tự hào với sản phầm của mình. Việc xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ những đúc kết, những câu chuyện được khắc hoạ một cách dễ hiểu nhất".
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đối với mô hình lúa tôm, ngoài yếu tố lợi nhuận thì điều chúng ra cần quan tâm hơn là về môi trường, hệ sinh thái. Môi trường sản xuất là câu chuyện cần được ngành chức năng và các doanh nghiệp nghiên cứu. Làm tốt vấn đề môi trường thì mới làm ổn định về lợi nhuận.
"Còn một khoảng trống mênh mông giữa tâm huyết của các nhà khoa học, doanh nghiệp với bà con nông dân. Người nông dân nghĩ gì và nhận thức gì về mô hình mới là điều quan trọng nhất. Những kết tinh về mô hình phải đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, địa phương phải tổ chức để nông dân có dịp ngồi lại với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhằm cùng nhau chia sẻ những kiến thức về mô hình", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.