Một đám cháy bùng phát vào sáng 25/4 tại một kho dầu ở Bryansk, một thành phố lớn của Nga cách Ukraine khoảng 150km và cách Moscow 370km về phía Tây Nam.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại một cơ sở do Transneft-Druzhba JSC điều hành, các quan chức nói với RIA Novosti. Không có thương vong nào được ghi nhận và không có mối đe dọa đối với các tòa nhà dân cư, Bộ Tình trạng Khẩn cấp khuyến cáo.
"Chúng tôi không có kế hoạch sơ tán dân. Theo thông tin sơ bộ, không có nạn nhân nào", dịch vụ báo chí của hãng cho biết, theo TASS.
Một vụ cháy khác được ghi nhận tại quận Fokinsky của thành phố, nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định, Moscow Daily Kommersant đưa tin. Bryansk là nơi sinh sống của hơn 400.000 người và là một trung tâm quan trọng của khu vực.
Nguồn tin của Interfax tiết lộ rằng một thùng nhiên liệu diesel nặng 10.000 tấn đã bốc cháy. Hãng truyền hình Rossiya-24 thuộc sở hữu nhà nước cho rằng vụ cháy thứ hai xảy ra tại kho chứa nhiên liệu diesel trong một đơn vị quân đội.
Một số báo cáo chỉ ra rằng đây có thể là một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine vào đường ống Druzhba, nơi đưa dầu từ Nga đến châu Âu thông qua Ukraine và Belarus.
Chuyên gia về NATO, ông Thomas C Theiner viết: "Nếu đám cháy này xảy ra ở trạm bơm đường ống dẫn dầu Druzhba… thì đường ống dẫn dầu duy nhất của Nga đến châu Âu sẽ bị phá hủy. Điều này có nghĩa là Đức, Áo và Hungary sẽ không có dầu của Nga. Và điều này cũng khiến kho dầu chính của Nga tại Ust-Luga ngừng hoạt động".
Đường ống Druzhba, kéo dài 5500km, đưa dầu thô từ Siberia, Ural và Biển Caspi tới một số quốc gia châu Âu, chạy qua Mozyr ở Belarus, nơi nó chia thành hai nhánh phía Bắc và phía Nam.
Nhánh phía bắc tiếp tục qua Belarus và Ba Lan đến Đức. Trong khi nhánh phía nam chạy qua Ukraine, sau đó đưa dầu xuống Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary thông qua nhiều tuyến đường khác nhau.
Mặc dù đường ống này chịu trách nhiệm vận chuyển tới 1,2-1,4 triệu thùng dầu/ngày vào châu Âu, nhưng trên thực tế thì đây không phải là con đường chính để dầu của Nga vào châu Âu.
Thay vào đó, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Nga vào châu Âu được thực hiện thông qua các tàu chở dầu và cảng.
Khoảng 70% đến 85% lượng dầu thô của Nga đến qua các cảng phía tây trên Biển Baltic và Biển Đen.
Hàng quý, một phần lượng dầu của Nga cũng sẽ đi qua vùng biển Bắc Cực.
Vào năm 2019, phần dầu qua đường ống Druzhba chiếm 4% đến 8% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 25/4, EU xem xét một biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, đặc biệt là ở lĩnh vực dầu. Tuy nhiên, Đức, Hungary, Áo đã phản đối các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga.
Một nhóm 50 nghị sĩ quốc hội châu Âu đã gửi cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz một bức thư giận dữ yêu cầu Đức nhượng bộ và cho phép áp dụng lệnh cấm ngay lập tức đối với nhập khẩu dầu từ Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Hungary Viktor Orban cho biết các lệnh cấm khai thác dầu khí từ Nga là một "lằn ranh đỏ" vì chúng sẽ "giết chết Hungary".
Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner cho biết đất nước của ông "chống lại các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực dầu khí".
Tổng thống Nga Vladimir Putin thu về hàng tỷ euro từ xuất khẩu dầu cho EU. Năm ngoái, Moscow đã kiếm được 48,5 tỷ euro cho dầu thô và 22,5 tỷ euro cho dầu mỏ không phải dầu thô.