Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 23: Ngày mai sẽ ra sao?

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý từ Dormund Thứ hai, ngày 25/04/2022 09:30 AM (GMT+7)
"Hôm nay là ngày thứ bao nhiêu của cuộc chiến rồi, tôi và nhiều người di tản không nhớ nữa. Khái niệm về thời gian dường như không còn hiện hữu. Cảm xúc đông đặc lại khi trái tim rớm máu hướng về Ukraine", trích nhật ký chiến sự của nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý viết riêng cho Dân Việt.
Bình luận 0
Chiến sự Nga-Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt phần 23: Ngày mai sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Chú chó ở Bucha ôm chặt lấy chân ông chủ khi thấy ông trở về. Ảnh Mushenko

Tiếng súng nổ, tiếng tên lửa xé gió, tiếng còi báo động vẫn rú lên từng hồi. Khói đen ngùn ngụt, lửa cháy rừng rực, những con người hiền lành bỗng dưng bị mất mạng oan uổng, bao em thơ vụt tắt nụ cười... ôi đau đớn làm sao!

Kharkiv vẫn bị bắn phá dữ dội. Odessa các chung cư cũng không thoát tên lửa tấn công. Mariupol vẫn kiên cường chống trả. Một bác sĩ quân y ở Mariupol nơi vẫn đang bị lực lượng Nga bao vây đã viết "Hãy chuyển lời tới mẹ tôi, tôi đã thấy rất nhiều nỗi đau nhưng tôi sẽ không gục ngã". 

Ở đó có biết bao nhiêu dân thường và trẻ em trú ẩn dưới boongke trong tình trạng thiếu lương thực, thiếu nước uống và những gì tối thiểu nhất. Kyiv vẫn báo động liên tục. Chính quyền nhiều thành phố vẫn tiến hành điều động các phương tiện cho người dân đi di tản. Bên cạnh đó những người dân trở về Ukraine ngày một đông hơn, đặc biệt là Kyiv đã dẫn đến tình trạng tắc đường nghiêm trọng. Ở Bucha người dân cũng trở về, đau đớn trước cảnh hoang tàn và xúc động khi chú chó nhỏ chạy ra ôm chầm lấy chân ông chủ...

Cuộc chiến tại Ukraine đã ảnh hưởng đến toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo cùng người dân khắp nơi trên thế giới hướng về Ukraine bằng sự yêu thương, chia sẻ và đồng cảm sâu sắc.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đánh giá, chiến tranh đã làm Ukraine mất 60 tỷ đô la, chỉ riêng bởi các cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Và con số này sẽ tiếp tục tăng lên, chưa kể chi phí phục vụ chiến tranh và tổn thất về kinh tế.

Theo nhận định của Tổng thống Volodymyr Zelensky, tổng thiệt hại kinh tế của Ukraine đến thời điểm này đã lên tới 550 tỷ đô la. Ông cho biết, trong cả nước có 1141 cơ sở giáo dục bị phá hủy hoặc hư hại, gồm các trường phổ thông, mẫu giáo, đại học... nhiều hơn cả số trường học của một số quốc gia. Từ con số này, có thể liên tưởng số lượng cơ sở hạ tầng khác, như nhà máy, bệnh viện, nhà ở... đã bị phá hủy lớn như thế nào...

Sau chuyến công du ngắn ở Kyiv, nữ Thủ tướng Đan Mạch đã viết trên Facebook:

''Tôi đang trên đường về nhà từ Kyiv ở Ukraine. Thật khó để nói về tất cả những điều tôi đã phải chứng kiến.  Tôi đã nhìn thấy những căn hộ bị phá hủy đến mức không ai có thể ở được... Tôi đã lái xe trên những con đường bị bom đạn xuyên thủng. Tôi nhìn thấy những ngôi nhà vỡ nát nối tiếp nhau, những ngôi nhà mất cửa sổ, mất mái hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Tôi lắng nghe những câu chuyện về những vụ giết người, những tội ác chiến tranh và những nạn nhân bị tra tấn...

Tất cả những điều đó đều thật vô nghĩa làm sao. Hai tháng trước, triệu triệu gia đình Ukraine đã sống ở đây bên nhau. Họ đã có cuộc sống giống như bạn và tôi. Bây giờ, những người đàn ông nơi đây phải khoác lên mình bộ quần áo lính, còn phụ nữ và trẻ em phải chạy trốn.

Chúng ta không cho phép sự đau khổ mà người dân Ukraine phải gánh chịu tiếp tục xảy ra với chúng ta. Hôm nay, tôi đã hứa sẽ viện trợ Ukraine nhiều hơn về mặt quân sự và nhân đạo. Họ sẽ cần một sự giúp đỡ lâu dài. Cuộc chiến xảy ra trên lục địa của chúng ta đã và đang trở thành một cuộc chiến chung. Tôi tự hào khi những người Đan Mạch chúng ta đang cùng nhau giúp đỡ họ. Cảm ơn rất nhiều.''

Chúng tôi là những người từ Ukraine di tản sang nước Đức. Chúng tôi khắc ghi ân tình của đất nước và người dân Đức cũng như người Việt Nam tại Đức đã dang rộng vòng tay bao dung, bảo bọc chúng tôi. Trên các chuyến xe buýt tôi thường đi đa phần là người tị nạn từ cuộc chiến Syria cho tới Ukraine. Tôi cảm thấy vô cùng áy náy vì chúng tôi đang sống bằng thuế của người dân Đức cũng như sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc, Hội Chữ thập đỏ! Chỉ mong sao chiến sự sớm kết thúc để chúng tôi được trở về...

Ở đây đang là mùa Xuân, các loài hoa bung nở rực rỡ dưới vòm trời. Sau Lễ Phục sinh, dù thời tiết chưa được ấm lắm, những cơn gió vẫn còn ào ạt thổi trên những cánh đồng mênh mông nhưng những thảm cỏ đã xanh mướt rực rỡ màu vàng của hoa bồ công anh, những bông cúc nhỏ xíu xinh xắn lung linh dưới nắng non. Hoa anh đào đua sắc cùng hoa lê trắng muốt, hoa táo phớt hồng. Tôi chợt bắt gặp vài cây dẻ sồi cổ thụ, ngọn cao vút, những tán lá vươn lên vòm trời xanh chứ không rợp tán như dẻ sồi Ukraine. Một vài khóm tử đinh hương trăng trắng tim tím, hoa Tulip muôn màu đua nở khiến lòng người lại càng cồn cào hơn nỗi nhớ Ukraine.

Cuối tháng Tư, đầu tháng Năm ở Ukraine cũng đẹp rực rỡ vô cùng với những hàng dẻ sồi thơm ngát muôn chùm hoa hình tháp đặc trưng của Kyiv. Những thảm cỏ xanh mát mắt rực rỡ hoa vàng. Những khóm tử đinh hương muôn màu: trắng, hồng, xanh ngọc, tím hoa cà, tím huế nồng nàn bên lối đi. Những giàn hồng leo, những cụm hoa hồng kiêu sa rung rinh trong nắng gió. Hoa Tulip đỏ rực một khoảng trời... Và những dòng sông xanh dịu dàng liễu rủ. Những chiếc thuyền câu êm đềm trên mặt sông, bên trên là những cây cầu soi bóng, những mái vòm thâm nghiêm của biết bao nhà thờ cổ kính... Tất cả vẻ đẹp ấy giờ đây còn lại những gì?

Ngày 23/4

Hò hẹn qua tin nhắn mãi, hôm nay tôi mới gọi được cho chị Vân Anh, 2 chị em ríu rít chuyện trò, chia sẻ với nhau những nỗi niềm của người đi di tản.

Thạc sĩ Ngôn ngữ Hà Thị Vân Anh là giảng viên bộ môn tiếng Việt của trường Đại học Tổng hợp Shevchenko Đại học Quốc gia Kyiv. Chị cũng là người chung tay cùng chúng tôi điều hành lớp tiếng Việt Kyiv tại trung tâm Ngoại ngữ Up & Go trong 2 năm. Vào năm 2021 chị đã cho ra mắt Bộ Giáo trình tiếng Việt dành cho sinh viên người Ukraine đang theo học khoa tiếng Việt tại trường. Nhà chị ở ngay cạnh Ủy ban hành chính của quận Pechersky trung tâm thủ đô Kyiv, khi chiến sự nổ ra, gia đình chị vẫn kiên quyết bám trụ lại. Lúc Kyiv bị đánh phá ác liệt chị kể cho tôi nghe về hình ảnh những người lính bồng súng đứng nghiêm nghị và trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu dọc theo con phố chạy dài qua nhà chị.

 Những ngày đó Kyiv trong tình trạng vô cùng căng thẳng, người dân phải xuống các hầm trú ẩn, các ga tàu điện ngầm để tránh thương vong. Sức khỏe chị lúc đó rất yếu sau tai nạn, khi nghe còi báo động rú liên hồi chồng chị dìu chị xuống ga tàu điện ngầm cạnh nhà nhưng chỉ được 10' lạnh quá không chịu nổi chị đành phải về nhà. Vậy là từ đó, chồng chị chuẩn bị cho chị một góc thật êm ái để chị nằm nghỉ thoải mái trong nhà chứ không chạy đi trú ẩn nữa.

 Tuy nhiên, cuộc chiến ngày càng khốc liệt nhiều dịch vụ dân sinh không hoạt động nữa. Đặc biệt là loại thuốc chị đang dùng đã hết, không mua ở đâu được nên chị buộc phải rời Kyiv trong khi chồng và 2 con của chị đều ở lại. Ngày 7/3, chị lên đường cùng cô bạn, sang đến Hungari có người nhà đón, nghỉ ngơi lại sức rồi chị đi tiếp sang Tây Đức, chị nghỉ lại nhà chị gái của chồng mình. 

Tại đây chị được đưa đi khám bệnh, soi chụp rất kỹ lưỡng và lấy thuốc điều trị. Nghỉ ngơi thoải mái sau những ngày căng thẳng, mệt mỏi đến 1/4 chị lại tiếp tục bắt tay vào viết sách dành cho sinh viên ngành dịch thuật. Đây là một công trình mà chị ấp ủ từ lâu vì chưa hề có giáo trình tiếng Việt dành cho sinh viên Ukraine trong lĩnh vực dịch thuật ở chuyên ngành: du lịch, kinh tế, giáo dục, y tế, pháp luật, chính trị - ngoại giao. Cuộc chiến này đã khiến chị có một chút thay đổi trong dự định và chị bắt tay ngay vào viết về lĩnh vực quân sự.

 Chỉ trong chưa đầy 3 tuần chị đã hoàn thiện phần Một bằng tiếng Việt với các lĩnh vực: quân sự, chính trị - ngoại giao và pháp luật; Tiến sĩ Việt Nam học Victoria Musiychuk sẽ là người chuyển ngữ sang tiếng Ukraine. Khi nhận được phần Một bản thảo, cô Victoria vô cùng ngạc nhiên vì chị viết quá nhanh và chuẩn xác các từ chuyên môn. Bản thân tôi khi nghe chị kể cũng vô cùng ngưỡng mộ và chúc chị có thật nhiều sức khỏe để hoàn thành tốt công trình này!

Câu chuyện của chị khiến tôi xúc động nghẹn ngào rơi nước mắt thương chị vô cùng! Phải nói rằng chị đã hồi sinh kỳ diệu sau tai nạn và "đã trở lại lợi hại hơn xưa".

Nhắc tới tai nạn chị kể khi ấy là cuối năm âm lịch 2021, gia đình chị cùng bạn bè đi nghỉ ở Uzhhorod. Khi vừa từ bể bơi bước lên chị bị trượt chân ngã và bất tỉnh luôn 5 tiếng đồng hồ. Sau đó chị tỉnh lại nhưng vẫn nghĩ mình đang ở cõi u minh và hỏi mọi người là chị đã chết chưa, sao không nhớ gì cả. Chị nằm 5 ngày dưới sự chăm sóc đặc biệt tại Uzhhorod sau đó gia đình quyết định đưa chị về Kyiv, chị không nghĩ là mình có thể chịu đựng được quãng đường dài như vậy trên tàu hỏa để trở về. Tiếp tục dưới sự chăm sóc đặc biệt, chị hồi phục rất chậm, cho đến khi đi di tản chị mới tập đi được một chút. Chị phải xin nghỉ thực tập ở Viện Hàn lâm và thi thoảng dạy online tại nhà.

Trong năm 2021, Hội đồng khoa học của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kyiv đã đề nghị trao giải cho Bộ Giáo trình tiếng Việt của chị và một công trình của một giáo viên khác trong số 28 tác giả nghiên cứu khoa học và đã đạt giải Taras Shevchenko.

Theo dự kiến, ngày 14/3 chị sẽ tham dự lễ trao giải cho bộ Giáo trình tiếng Việt nhưng cuối cùng thì không thể nào thành hiện thực do chiến sự lan ra khắp đất nước. Còn tôi, cũng đang viết dở Giáo trình tiếng Việt cho con em người Việt tại trường Hồ Chí Minh Kyiv... Mọi dự định của tôi bỗng chốc dở dang vì các cháu đã theo bố mẹ di tản hoặc về Việt Nam rồi. Khi Ukraine bình yên trở lại thì lớp tiếng Việt của trường Hồ Chí Minh Kyiv chưa biết sẽ ra sao???

Cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao? Và ngày mai, thế giới sẽ ra sao???


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem