Tên lửa RS-28 Sarmat mới của Nga sẽ có đặc điểm gì đáng chú ý?

Lê Phương (RT) Thứ hai, ngày 25/04/2022 13:06 PM (GMT+7)
Trong những thử nghiệm gần đây, tên lửa Sarmat có khả năng mang theo một số đầu đạn Avangard, một chỉ huy hàng đầu cho biết.
Bình luận 0
Tên lửa RS-28 Sarmat mới của Nga sẽ có đặc điểm gì đáng chú ý? - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat của Nga trong một vụ phóng thử vào ngày 21/4/2022. Ảnh: Sputnik

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat hoàn toàn mới của Nga sẽ có thể mang theo một số đầu đạn siêu thanh Avangard được thiết kế nhằm xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiện có, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga, Đại tá Sergey Karakayev, cho biết hôm 24/4. 

Đầu tuần này, tên lửa đạn đạo đã vượt qua bài thử nghiệm đầu tiên trong loạt thử nghiệm cuối trước khi được quân đội Nga tiếp nhận.

"Sự phát triển của Avangard là dấu hiệu của một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vũ khí siêu thanh", đại tá nói với kênh truyền hình Rossiya 1 của Nga và cho biết thêm rằng Sarmat có thể làm cho vũ khí này hiệu quả hơn nữa.

"Sarmat mạnh hơn nhiều so với tên lửa Avangard hiện tại", ông Karakayev giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng tên lửa đạn đạo được thiết kế đặc biệt để trang bị đầu đạn Avangard. Tên lửa mới có khả năng mang nhiều đầu đạn hơn ICBM UR-100UTTKh đang được Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga sử dụng, đại tá cho biết.

Hiện vẫn chưa rõ Sarmat có thể được trang bị bao nhiêu đầu đạn dẫn đường siêu thanh. Tên lửa UR-100UTTKh có thể mang theo 6 đầu đạn với khả năng nhắm mục tiêu độc lập (MIRV), nhưng chưa có xác nhận Avangard có khả năng tương tự. Ông Karakayev không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về vấn đề này.

Avangard là một phương tiện bay siêu thanh của Nga, nó là một đầu đạn dẫn đường có khả năng cơ động trong khi di chuyển nhanh hơn tốc độ âm thanh. Được Tổng thống Vladimir Putin công bố vào năm 2018, loại đầu đạn này được cho là không đối thủ về khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Truyền thông Trung Quốc từng ca ngợi đây là vũ khí "tuyệt đối bất khả xâm phạm đối với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào" và "đáng sợ hơn cả bom hạt nhân". Các quốc gia phương Tây vẫn chưa có được vũ khí siêu thanh của riêng mình. Vào đầu tháng 4/2022, Úc, Anh và Mỹ tiết lộ rằng họ sẽ hợp tác về công nghệ siêu thanh như một phần của hiệp ước ba bên AUKUS.

Washington cũng đang thử nghiệm các công nghệ này như một phần của chương trình Khái niệm vũ khí thở siêu thanh (Hypersonic Air-breathing Weapon Concept - HAWC), theo đó vụ phóng thử mới nhất được biết đến đã diễn ra vào giữa tháng 3/2022.

Nga báo cáo vụ thử thành công ICBM Sarmat của họ vào hôm 21/4. Vào thời điểm đó, Tổng thống Putin cho biết tên lửa mới "có các đặc tính kỹ chiến thuật hàng đầu và có thể xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đại".

Vladimir Degtyar, nhà thiết kế chính kiêm Giám đốc điều hành của Phòng thiết kế tên lửa Makeyev, công ty đứng sau phát triển tên lửa này, cho biết Sarmat có tầm bắn vượt trội cho phép nó tấn công gần như bất kỳ địa điểm nào trên thế giới.

Ông nói: "Tên lửa này có quỹ đạo bay toàn cầu, nếu mục tiêu ở bán cầu nam, nó có thể bị tấn công từ phía bắc và mục tiêu ở phía bắc sẽ bị tấn công từ phía nam".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem