Dân Việt

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc mua tới tấp, đơn hàng một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam kín đến cuối năm

K.Nguyên 26/04/2022 19:05 GMT+7
Trong khi các đơn hàng xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đi Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,...đã kín đến cuối năm thì mới đây Mỹ lại có một động thái tích cực đối với một sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Mỹ mua lượng lớn, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lại lập kỷ lục

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3/2022 đạt 1,54 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 3/2021. 

Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,98 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan trong 3 tháng đầu năm 2022.

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là thị trường Mỹ, đạt 2,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 396,8 triệu USD, tăng 11,3%; tới Trung Quốc đạt 353 triệu USD, giảm 0,7%; tới Hàn Quốc đạt 248,8 triệu USD, tăng 18,4%...

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng 4% trong 3 tháng đầu năm 2022 là rất khả quan đối với ngành gỗ. 

Hiện tại nhu cầu gỗ và đồ nội thất nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022, thậm chí là hết năm. 

"Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16 tỷ USD trong năm 2022 có khả năng thực hiện được. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam được thúc đẩy bởi hàng loạt các Hiệp định đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định. 

Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc mua tới tấp, đơn hàng một sản phẩm thế mạnh của Việt Nam kín đến cuối năm - Ảnh 1.

Trong khi các đơn hàng xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đi Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,...đã kín đến cuối năm thì mới đây Mỹ lại có một động thái tích cực đối với một sản phẩm gỗ của Việt Nam, đó là gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam. Ảnh: I.T

Một tín hiệu tích cực là mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam. 

Theo đó, DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 17/10/2022 thay vì ngày 20/4/2022 như thông báo trước đây. Đây là lần gia hạn thứ ba của DOC đối với nội dung này.

Vụ việc được DOC khởi xướng điều tra vào ngày 17/6/2020 trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Hải quan Mỹ (CBP) với 02 nội dung điều tra về phạm vi sản phẩm và điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Mục tiêu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ là để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc. 

Do đó, trong trường hợp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam chứng minh được mình không lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng đối với Trung Quốc sẽ không bị áp dụng thuế chống lẩn tránh.

Trong thời gian vừa qua, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp trả lời các bản câu hỏi do DOC đưa ra để xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời cũng có các hình thức trao đổi, đối thoại để phía Mỹ hiểu rõ về ngành sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đã hợp tác với DOC để chứng minh hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình không nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Mỹ.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hàn Quốc cũng tăng mạnh

Ngoài thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thì Hàn Quốc cũng là thị trường có xu hướng nhập khẩu nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hàn Quốc trong tháng 3/2022 đạt 92,8 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong quý I/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này đạt 248,8 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Gỗ, ván và ván sàn và mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là 2 mặt hàng xuất khẩu chính tới thị trường Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm 2022, với trị giá xuất khẩu chiếm 55% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hàn Quốc. 

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 50,1 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt 33,9 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tiềm năng xuất khẩu nhóm hàng này tới thị trường Hàn Quốc rất lớn, bởi nhu cầu nhập khẩu của thị trường ở mức cao. 

Theo thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong giai đoạn năm 2017-2021, Hàn Quốc nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường trên thế giới đạt bình quân 1,2 tỷ USD/năm, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 17,5% tổng trị giá nhập khẩu, như vậy vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam khai thác trong thời gian tới. 

Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc, mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng rất cao trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 16,55 triệu USD, tăng 130,9% so với cùng kỳ năm 2021.